img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Giới thiệu một tác phẩm truyện sách cánh diều 11 tập 2

Tác giả Hoàng Uyên 14:50 30/11/2023 10,714 Tag Lớp 11

Trong mỗi tác phẩm truyện sách đều chứa đựng những dụng ý nghệ thuật và nội dung sâu sắc. Bởi vậy Soạn bài Giới thiệu một tác phẩm truyện sách cánh diều 11 tập 2 sẽ giúp các em có thể hiểu hơn về tác giả, tác phẩm, giá trị nghệ thuật, nội dung mà tác phẩm muốn truyền tải, đồng thời lan toả những thông tin ấy tới nhiều người đọc hơn.

Soạn bài Giới thiệu một tác phẩm truyện sách cánh diều 11 tập 2
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Giới thiệu một tác phẩm truyện sách cánh diều 11 tập 2: Đề 1 

Đề bài: Vẻ đẹp của nhân vật Đan - kô trong văn bản “ Trái Tim Đan - kô” của Go-rơ-ki

1.1 Dàn ý 

a. Mở bài:

- Giới thiệu tổng quan về tác giả Mác-xim Go-rơ-ki (những nét chính trong con người, cuộc đời và những đặc điểm sáng tác,...)

- Giới thiệu tổng quan về tác phẩm Trái tim Đan-kô (xuất xứ và những đặc sắc trong nội dung, nghệ thuật,...)

b. Thân bài:

- Những ngọn lửa đã xuất hiện ở cuộc trò chuyện của tác giả cùng bà lão I-đéc-ghin

- Câu chuyện cảm động về trái tim Đan-kô cùng với sự hy sinh cao cả của anh

- Những cảm xúc mà tác giả và bà I-đéc-ghin thể hiện về trái tim cao thượng anh hùng của nhân vật Đan-kô

c. Kết bài: Khẳng định lại về giá trị về nội dung và nghệ thuật được Go-rơ-ki kể thông qua truyện ngắn “Trái tim Đan-kô”. Từ đó nhận xét về tài năng của Go-rơ-ki

1.2 Bài tham khảo 1: 

Xin chào thầy/cô và các bạn, sau đây em xin được trình bày về vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô trong văn bản Trái tim Đan-kô.

Mác-xim Go-rơ-ki là một nhà văn rất nổi tiếng đến từ Nga. Từ nhỏ ông đã là người rất đam mê đọc sách và cùng với những khó khăn tuổi thơ đã thắp sáng và nảy sinh niềm khát vọng sáng tác của ông. Truyện Trái tim Đan-kô là một trong những truyện ngắn phải nói là xuất sắc nhất của ông, được trích tại phần cuối “Tuyển tập truyện ngắn Mác-xim Go-rơ-ki”. Tác phẩm kể về những sự hy sinh cao cả và tấm lòng luôn luôn vị tha yêu thương của người anh hùng Đan-kô.

Mở đầu là bức tranh thiên nhiên ở một vùng thảo nguyên u ám cùng với cảnh vật đáng sợ. Rồi lại có sự xuất hiện của ánh lửa màu xanh kỳ dị, gợi đến những câu chuyện hết sức hoang đường. Chính ánh lửa ấy xuất phát từ câu chuyện về một người anh hùng với trái tim vĩ đại và tràn đầy tình yêu thương. Một đoàn người trên thảo nguyên đang bị bủa vây bởi bóng tối của khu rừng, cành lá thì dày đặc nên ánh sáng mặt trời không thể chiếu đến. Họ không xác định được con đường nào có thể thoát ra, ngày một tuyệt vọng hơn và muốn buông xuôi tất cả. Rừng tối mù mịt như bao đêm tối ở trên thế gian đều tụ lại nơi đây, khiến cho cây cối mờ mờ ảo ảo hiện hình bao nhiêu quỷ dữ. Trước cảnh tượng đó ai mà không thấy thương xót cho số phận của đoàn người này. Bởi lẽ họ thật sự vô tội. Họ đang sống rất bình yên vui vẻ, không làm hại bất cứ ai thì lại bị một bộ lạc khác đến đánh đuổi. Không những chiến đấu với con người, mà họ còn phải chiến đấu với cả những khó khăn từ thiên nhiên. Chúng đã quật cho họ đến kiệt sức và lấy đi ý chí của họ.

Nhưng một vị anh hùng, một chàng trai đã xuất hiện nhằm cứu lấy cuộc sống của họ. Đan-kô đã tìm mọi cách để dẫn dắt mọi người vượt qua được khu rừng đáng sợ và tràn ngập bóng tối ấy. Nhưng khi đứng trước một khu rừng rậm rạp, con người ta mỗi lúc một kiệt sức hơn thì họ lại lộ ra bộ mặt vô cùng yếu hèn và nhút nhát của mình. Trước đó thì họ xin anh dẫn họ đi, còn bây giờ họ lại bắt đầu đổ lỗi tại Đan-kô. Họ mắng mỏ và họ bảo anh phải chết đi. Họ như một bầy thú đã đi đến bước đường cùng. Người đọc cảm thấy vừa tức giận lại vừa thương hại cho những con người này. Có lẽ vì bất lực mà họ chẳng thể nghĩ đến ai khác ngoài mình ra. Thấy rất thương cho Đan-kô. Anh cũng chỉ muốn không thể để bộ lạc của mình phải biến thành những kẻ nô lệ cho kẻ thù. Vậy mà bây giờ họ lại kết tội anh và muốn anh phải chết.

Trái tim Đan-kô bỗng bùng lên sự phẫn nộ sục sôi, nó cháy rực lên một cách mạnh mẽ. Mặc dù Đan-kô vô cùng phẫn nộ trước hành động đó nhưng anh lại nhận ra một điều rằng “Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất”. Một chàng trai có tấm lòng vị tha và sự yêu thương con người mặc kệ mình bị đối xử tệ bạc nhưng vẫn quyết định phải cứu mọi người. Ý nghĩ muốn cứu mọi người quá mãnh liệt nhưng lại không nhận được tin tưởng đến mức phải gào thật to lên như sấm.

Sau đó anh đã có một hành động là xé toang lồng ngực của chính mình và giơ cao trái tim đang cháy sáng rực rỡ đẩy lùi đi tất cả màn đêm đen giúp soi đường cho bộ lạc tiến lên. Đan-kô thật sự quá anh hùng, chàng đã cứu sống tất cả mọi người trong bộ lạc. Chàng vẫn đi trước và giơ cao trái tim ấy dẫn đường, rừng cây như dẫn ra trước bước chân Đan-kô. Nó là một điều gì đó thật sự cao quý và chói ngời. Chắc hẳn trong lòng người đọc sẽ cảm thấy vô cùng cảm phục và trân trọng con người này.

Rồi đoàn người cũng có thể tìm ra được miền đất mới. Đó là một vùng thảo nguyên tươi đẹp và giàu có. Tất cả đều hết sức vui mừng quên đi việc Đan-kô là vị cứu tinh của mình. Đan-kô thật kiêu hãnh ngắm nhìn thảo nguyên rồi mỉm cười sung sướng sau đó anh gục xuống và tắt thở trong niềm tự hào. Anh chết nhưng trái tim kiêu hãnh của anh vẫn luôn cháy mãi. Nhưng rồi có ai nhớ tới sự hy sinh cao cả của anh? Họ vui sướng tràn đầy niềm hy vọng vì được cứu sống rồi họ ngay lập tức quên đi người đã cứu mình. Đan-kô là hiện thân cho hình ảnh của một con người dám xả thân cứu người mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào. Go-rơ-ki đã sử dụng những từ ngữ rất chân thành và tốt đẹp để có thể ca ngợi và trân trọng trước cái chết đầy anh dũng của Đan-kô. Đó còn là một bức tranh gợi cho ta suy nghĩ về ý nghĩa trong cuộc sống. Phải chăng khi con người ta đứng trước những khó khăn và nghịch cảnh của cuộc sống thì họ sẽ quên đi mình là ai, sống hết sức ích kỷ và tham lam. Nhưng vẫn sẽ có những con người giống như nhân vật Đan-kô xuất hiện. Đứng trước vực tối của cuộc sống, vẫn giữ trong mình một trái tim yêu thương và một lòng tốt chân thành mà không màng sự đền đáp.

Một bức tranh thiên nhiên và một sự đấu tranh cho sự sống của con người đã hiện lên hết sức đặc sắc trong tác phẩm Trái tim của Đan-kô của tác giả Go-rơ-ki. Câu chuyện khiến cho người đọc phải suy ngẫm về những giá trị sống cũng như những mối quan hệ giữa con người ở hiện thực thực cuộc sống.

Cảm ơn thầy/cô và các bạn đã chú ý lắng nghe, rất mong nhận được lời góp ý từ mọi người để bài nói của em được hoàn thiện hơn. 

1.3 Bài tham khảo 2:

Marxim Gorki đã từng có câu: "Nơi lạnh nhất trên thế giới không phải ở Bắc Cực, mà là nơi thiếu vắng tình yêu thương". Lấy tình yêu thương làm trọng tâm, tác giả đã sáng tác ra một tác phẩm có tên "Bà lão I-dec-ghin". Trong phần kết của câu truyện, đoạn trích "Trái tim của Đan-kô" đã thể hiện rất rõ ràng suy nghĩ và triết lý sâu sắc của tác giả về cách sống cũng như tình yêu thương trong cuộc sống. Từ đó, nhân vật Đan-kô đã được tạo hình vô cùng rõ nét trong tác phẩm.

Đầu tiên, Đan-kô là một chàng trai vô cùng can đảm, lạc quan và không chịu khuất phục trước mọi sự nguy hiểm. Bộ tộc đang sợ hãi trước đầm lầy đầy u tối và không dám tiến về phía trước. Tuy nhiên, Đan-kô lại khuyên họ rằng không nên đứng yên mà hãy dũng cảm đi vào rừng để tìm đường sống. Cuối cùng, Đan-kô đã thuyết phục được mọi người sau đó trở thành người dẫn đầu và giúp đỡ mọi người tìm được nơi ở mới. Quãng đường đến nơi cư ngụ mới chất chứa nhiều nguy hiểm, "Rừng tối om, cứ bước một bước, đầm lầy lại há cái mõm tham lam hôi thối ra nuốt mất người, và cái cây cối sừng sững chặn đường như một bức thành kiên cố. Cành cây quấn quýt lấy nhau; rễ bò lan khắp nơi như đầu rắn, và cứ mỗi bước đi, họ lại phải tốn bao nhiêu mồ hôi và máu". Tuy nhiên, Đan-kô vẫn không chùn bước và không đầu hàng. Chỉ vì một chút khó khăn, mọi người đã thấy nản chí, oán trách nhưng Đan-kô vẫn luôn duy trì được sự hăng hái, nhiệt tình cùng với sự lạc quan.

Trong tình cảnh khắc nghiệt, thiên nhiên đang giận dữ với "cơn giông đánh rừng, cây cối đung đưa rùng rợn" hay "tia chớp vồ lấy những cành cây, ánh lửa lạnh lẽo soi sáng qua những khoảnh khắc". Đám người vô cùng hoảng sợ, mất tinh thần và đã trở thành những con người yếu đuối và nhát gan. Họ tự biến mình thành một đám đông giận dữ, phàn nàn và chỉ trích nhân vật Đan-kô. Nghe những lời chửi mắng ấy, Đan-kô cũng phần nào bị kích động, nhưng lòng thương hại đã dập tắt đi ngọn lửa giận dữ ấy. Anh ta yêu thương tất cả mọi người và nghĩ rằng nếu không có anh, có lẽ họ sẽ không thể tồn tại được. Sự cao thượng cùng với tình yêu thương đã giúp Đan-kô vượt lên khỏi sự ích kỷ lẫn những niềm hạnh phúc nhỏ bé.

Trong trái tim Đan-kô, ngọn lửa nhiệt thành bùng cháy, cố gắng để giải cứu được mọi người ra khỏi hiểm nguy. Những tia lửa mong muốn mãnh liệt của anh đã lóe sáng trong mắt, anh sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình để có thể soi sáng con đường đi cho đoàn người. Trái tim anh cháy sáng hệt như mặt trời, làm khu rừng bỗng bừng tỉnh dậy dưới ngọn đuốc đầy tình yêu thương vĩ đại và cao cả. Bất chợt, người khác phải cúi đầu và nhường lối cho anh. Cuối cùng, sự hy sinh ấy được đền đáp khi đoàn người tìm ra được nơi trú ẩn và có thể sinh sống an toàn. Những chi tiết đó chứng tỏ Đan-kô là một người có trái tim nhân hậu, đầy lòng vị tha và trắc ẩn đối với con người.

Điểm nhìn khác nhau của người kể thứ ba đã làm nổi bật lên những phẩm chất anh hùng của nhân vật Đan-kô. Tính cách của anh đã được thể hiện rõ ràng thông qua lời nói và hành động. Trái tim đầy nhiệt huyết và tình yêu thương của Đan-kô đã làm xua tan đi bóng tối và trở thành ngọn lửa dẫn đầu, truyền bá được những giá trị tốt đẹp ở trong cuộc sống. Anh là hình ảnh đích thực nhất cho lòng vị tha. Từ nhân vật này, chúng ta lại càng nhận ra được vai trò và tầm quan trọng của sự can đảm cùng với tình yêu thương trong cuộc sống. Tình thương sẽ giúp cho con người có thêm động lực để giúp đỡ những người khác ở xung quanh.

Đăng ký ngay khóa học PAS THPT để được lên lộ trình ôn thi tốt nghiệp sớm nhất!

 

2. Soạn bài Giới thiệu một tác phẩm truyện sách cánh diều 11 tập 2: Đề 2

Đề bài: Giới thiệu truyện ngắn “ Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải” 

2.1 Lập dàn ý 

a. Mở bài

Giới thiệu tổng quát về truyện ngắn “Một người Hà Nội” của tác giả Nguyễn Khải.

b. Thân bài

- Đôi nét về tác giả Nguyễn Khải cùng với phong cách sáng tác của ông sau năm 1975 (Tập trung viết về những vấn đề trong chính trị-xã hội mang tính thời sự và tâm lí con người trước những biến động của thời cuộc).

- Hoàn cảnh sáng tác:  Viết vào năm 1990 nhằm khắc họa lên vẻ đẹp của con người Hà Nội qua bao nhiêu biến động và thăng trầm của đất nước.

- Vẻ đẹp của nhân vật cô Hiền:

+ Cô xuất thân từ một gia đình giàu có, nề nếp, có nhan sắc và yêu văn chương lại có trí thông minh hơn người.

+ Cô Hiền với vẻ đẹp quý phái, đầy lòng kiêu hãnh cùng với sự tự tin vốn có của người Hà thành.

+ Sống ngay thẳng và dám bộc lộ quan điểm của mình.

+ Xã hội có thay đổi thì cô vẫn giữ được lối sống đẹp và cư xử nhã nhặn, thanh cao của người Hà Nội.

+ Cô giữ mối quan hệ với những văn nhân và nghệ sĩ, giữ cho tâm hồn mình biết yêu và trân trọng những vẻ đẹp tinh thần.

+ Đảm đang và tháo vác, mọi việc trong gia đình đều do chính tay cô thu xếp chu toàn.

+ Người mẹ mẫu mực và nghiêm khắc dạy các con của mình từ cách ngồi, cách ăn, cách nói chuyện tới đi đứng.

+ Chấp nhận để con mình ra chiến trường để hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm với tổ quốc.

=> Cô Hiền mang đến một vẻ đẹp thuần tuý không có sự trộn lẫn, vẻ đẹp của tinh thần và cốt cách thấm sâu từ nền văn hoá ở vùng đất kinh kỳ, không thể nhạt phai theo năm tháng.

c. Kết bài

Đưa ra những kết luận chung

2.2 Bài tham khảo 1: 

Trải qua hàng nghìn năm văn hiến, Hà Nội đã trở thành một mảnh đất kết tinh của biết bao tinh hoa đất trời, là nơi hội tụ đầy đủ cảm xúc của biết bao nhiêu thế hệ văn nghệ sĩ. Vùng đất kinh kỳ dường như được hoá thân thành một “nhân vật” có tâm hồn ở trong văn thơ, chẳng cần phải xô bồ hay hối hả, Hà Nội vẫn để lại những dấu ấn riêng gây thương nhớ đối với những ai đã từng ghé qua. Chẳng lãng mạn được như  Đỗ Phấn, Tô Hoài, truyện ngắn Một người Hà Nội của tác giả Nguyễn Khải đã để lại trong lòng người đọc biết bao nhiêu cảm xúc dạt dào và vẻ đẹp con người được khắc hoạ vô cùng tinh tế, chân thật và mang đậm màu sắc Hà thành.

Nguyễn Khải sinh ra ở Hà Nội, ông trải qua rất nhiều bước ngoặt lớn của cuộc đời mình. Năm 1950, ông bắt đầu sự nghiệp văn chương với một số tác phẩm đầu tay: Xây dựng (năm 1950-1951), Xung đột (phần I – năm 1959, phần II – năm 1962),… Những tác phẩm viết về chủ đề nông thôn: Mùa lạc (năm 1960), Người trở về (năm 1964),… Từ sau năm 1975, nhiều tác phẩm của ông đề cập chủ yếu tới vấn đề chính trị - xã hội mang đậm tính thời sự, đặc biệt là về tâm lý, tư tưởng của con người trong những biến động thời cuộc. Các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khải sáng tác trong giai đoạn này: Cha và con, và… (năm 1979), Thời gian của người (năm 1985) và đặc sắc nhất phải nói đến truyện ngắn “Một người Hà Nội” đã được ông viết năm 1990. Tác phẩm khắc hoạ vô cùng rõ nét vẻ đẹp tính cách lẫn tâm hồn của con người Hà Nội qua biết bao nhiêu thăng trầm và biến động của đất nước.

Nhan đề “Một người Hà Nội” đã được tác giả Nguyễn Khải đặt để làm nổi bật lên hình tượng trung tâm xuyên suốt trong tác phẩm chính là “người Hà Nội” mang trong mình một vẻ đẹp toàn diện từ ngoại hình, tính cách cho tới tâm hồn. Nhan đề không quá màu mè, chẳng khoa trương cũng đủ gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả, nó như mở ra một không gian nghệ thuật vô cùng tuyệt mỹ, một mảnh đất Hà thành xinh đẹp và cổ kính, trải qua hàng ngàn năm thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc.

Nguyễn Khải đã xây dựng nhiều tuyến nhân vật đều xuất thân từ người Hà thành, tuy nhiên nổi bật nhất là cô Hiền – nhân vật chính ở trong truyện. Cô xuất thân tại một gia đình giàu có, nề nếp, cô có nhan sắc, yêu văn chương lại có trí thông minh hơn người. Ở nhân vật này, toát lên một vẻ đẹp thuần tuý không có sự trộn lẫn, vẻ đẹp của tinh thần cùng với cốt cách thấm sâu từ nền văn hoá của vùng đất kinh kỳ, không thể nào phai nhoà theo năm tháng. Cô Hiền rất yêu mảnh đất này, nơi mà cô sinh ra và lớn lên với biết bao nhiêu hoài niệm, cô vẫn ở lại với Hà Nội thân thương mặc kệ bom đạn đang đổ xuống nơi đây, chẳng ngại những hiểm nguy đang trực chờ cô và cả gia đình của mình vẫn bám trụ ở đây chỉ bởi vì cô “không thể rời xa Hà Nội”.

Người phụ nữ ấy có vẻ đẹp quý phái và đầy lòng kiêu hãnh kèm theo sự tự tin vốn có của người Đô thành, cùng với con mắt nhạy bén và sắc sảo dám bộc lộ mọi quan điểm một cách thẳng thắn và dám sống thật với bản thân. Mặc kệ cho xã hội đang dần dần thay đổi, nếp sống hối hả và xô bồ đang ngày càng lan rộng khắp nhân dân, cô Hiền vẫn luôn giữ cho mình một lối sống đẹp, cách cư xử nhã nhặn và thanh cao đúng chuẩn người Hà thành. Quả là một con người thức thời, cô đã có thể nhanh chóng dung hoà được cả giá trị vật chất lẫn vẻ đẹp tâm hồn, tuy chẳng còn là tuổi thiếu nữ đôi mươi nhưng người phụ nữ ấy vẫn giữ cho mình một tâm hồn đam mê nghệ thuật, cô vẫn giữ mối quan hệ với nhiều văn nhân, nghệ sĩ, giữ cho tâm hồn mình biết yêu và trân trọng vẻ đẹp tinh thần. Gần ba mươi tuổi, cô Hiền mới lấy chồng, “đùa vui một thời son trẻ thế là đủ” đã đến lúc cô cần làm một người vợ hiền, một người mẹ tốt nhưng cô không chọn “một ông quan nào hết” hay một người văn nghệ sĩ mà cô chọn lấy một ông giáo tiểu học có tính cách “hiền lành, chăm chỉ, khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc”. Người phụ nữ ấy chắc hẳn nổi tiếng khắp cả Hà thành, cô đã có những tính toán cho cuộc đời của mình, khi đứng trước ngã rẽ của cuộc đời cô đã lựa chọn một lối đi an toàn nhất nhưng nó cũng hoàn hảo nhất. Cô Hiền có tất cả mọi thứ, từ gia thế cho đến ngoại hình, trí tuệ và cô cũng biết mình cần gì và muốn gì, quyết định chọn một nhà giáo tri thức với tính cách hiền lành và chăm chỉ sẽ mang lại cho cô một gia đình nhỏ hạnh phúc trọn vẹn. Khi là người vợ hay người mẹ cô đã tính toán chu toàn cho tương lai của những đứa trẻ của mình, đây quả thực là một người phụ nữ có tài sắc vẹn toàn, dám nghĩ dám làm, khi đã làm thì không có chút lo sợ đàm tiếu hay thị phi thiên hạ. Bất kể là bản lĩnh hay trí tuệ thì cô đều có thừa, thật khiến cho người ta khâm phục và kính nể bội phần.

Cô Hiền đã được tác giả miêu tả như “nội tướng”, mọi việc ở trong gia đình đều do chính một tay cô thu xếp chu toàn. Cô tài giỏi trong cả việc kinh tế lẫn quản lý gia đình, đưa cho chồng mình những lời khuyên đúng đắn và kịp thời, mở một cửa hàng hoa giả để mang lại thu nhập cho gia đình, cô bán đi một dinh cơ của mình cho người bạn ở kháng chiến về. Chỉ bằng những hành động nói trên, ta hoàn toàn có thể cảm nhận được rằng cô Hiền là một người rất thức thời lại có trí tuệ hơn người. Cô và gia đình sống như một nhà tư sản trong một “toà nhà toạ lạc ngay tại một đường phố lớn”, mùa đông trang phục của họ được thể hiện qua “đàn ông mặc áo ba-xờ-xuy, đi giày da, bà mặc áo măng-tô”, còn đồ vật trong nhà thì “bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa”,… Họ vẫn luôn giữ nếp sống Hà thành giữa thời cuộc có sự đổi thay nhưng lại chẳng cảm thấy thấp thỏm lo sợ, cũng chẳng cần quan tâm đến lời dị nghị ở xung quanh bởi vì cô Hiền biết đâu được gọi là chuẩn mực, là giới hạn và để giữ cho mình không đủ các “tiêu chuẩn” để thành tư sản, chẳng cần phải “bóc lột” ai mà mọi việc đều tự sức mình có thể làm ra. Cô tự tin khẳng định với những người bạn của mình rằng “các bà không biết nhưng nhà nước lại rất biết”, câu nói đã thể hiện lòng tin tưởng tuyệt đối vào chế độ mới và lòng yêu nước mãnh liệt, dạt dào. Trong nuôi dạy con cái, cô là một người mẹ mẫu mực và nghiêm khắc, cô dạy cho các con từ cách ngồi, cách ăn và cả cách nói chuyện, đi đứng, dạy cho chúng biết một điều rằng “không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”. Cô truyền dạy cho các con lối sống và văn hoá người Hà Nội, khắc sâu vào trong tâm trí chúng lòng yêu nước cùng với trách nhiệm cao cả với Tổ quốc.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, là một người mẹ đã chứng kiến con mình phải ra chiến trường chịu bom đạn, đối diện với sự sinh ly tử biệt, mặc dù có lo lắng, đau lòng nhưng cô vẫn chấp nhận để con đi. Cô Hiền là một người mẹ rất mẫu mực và tôn trọng quyết định của con, sống phải có lòng tự trọng, cô không muốn Dũng phải “sống bám vào sự hy sinh của bạn bè”. Ra đi để bảo vệ Tổ quốc, hy sinh cho Tổ quốc không được có sự ích kỷ và hẹp hòi len lỏi trong tâm trí. Dù đứng trên cương vị nào, cô Hiền vẫn giữ được cốt cách thanh cao và lối cư xử hết sức mẫu mực. Nguyễn Khải đã ví cô như “hạt bụi vàng” là cách ông thể hiện niềm yêu quý và trân trọng trước vẻ đẹp đầy trí tuệ và nhân cách của con người Hà Nội.

Nguyễn Khải sáng tạo ra hình tượng người kể chuyện xuất hiện xuyên suốt chiều dài của tác phẩm, theo giọng kể đầy chiêm nghiệm và triết lý của nhân vật vùng đất Hà thành cùng với con người nơi đây hiện ra một cách sinh động, có phần hóm hỉnh và rất chân thật. Tác giả đã hết sức thành công trong nghệ thuật trần thuật, ông đã nhìn sự vật và hiện tượng dưới nhiều góc độ khác nhau và với nhiều cách đánh giá kết hợp với ngôn ngữ thay đổi linh hoạt và giàu biểu cảm. Những chi tiết nghệ thuật như “hạt bụi vàng”, “cây si cổ thụ”,… rất đặc sắc đã được góp phần để khắc sâu vẻ đẹp của con người Hà Nội trong lòng người đọc.

“Một người Hà Nội” của tác giả Nguyễn Khải là truyện ngắn có thể nói là đặc sắc nhất và để lại giá trị vô cùng to lớn cho nền văn học nước nhà. Trong cái nhìn của ông, con người của mảnh đất kinh kỳ ấy hiện lên với một vẻ đẹp đậm màu truyền thống, đó là nét đẹp riêng biệt không thể nào trộn lẫn với bất kỳ nơi đâu. Với sức sống bền bỉ cùng với lòng yêu mến cái đẹp từ ngàn năm lịch sử, người Hà Nội đang bài trừ những điều xấu xa đang du nhập vào nền văn hoá, người người và nhà nhà vẫn giữ nếp sống kiêu hãnh và thanh cao vốn có của mình.

Sổ tay ngữ văn chính là bí kíp giúp các em học văn dễ dàng hơn. Rất nhiều tips học văn hiệu quả chỉ được bật mí trong cuốn sổ tay này thôi đấy. Đăng ký ngay để nhận thật nhiều ưu đãi nhé!

2.3 Bài tham khảo 2:

Nguyễn Khải là một nhà văn giỏi quan sát chuyện đời và chuyện người, ông say mê giảng giải triết lý về mọi sự việc bằng một tư duy phân tích vô cùng sắc sảo. Nét độc đáo ở những trang viết của ông chính là mối quan hệ giữa "chuyện người" và "chuyện mình", giữa "chuyện đời" và "cái tôi" trải nghiệm rất chặt chẽ tới mức luôn có xu hướng tạo thành một kết cấu trần thuật kép nghĩa là vừa "phản ánh" lại vừa "biểu hiện", vừa nhằm "tác động" lại vừa "tự nhận thức", vừa xác định chân lý dựa theo kinh nghiệm cá nhân lại vừa muốn bàn bạc và đối thoại với những kinh nghiệm khác nữa. Chính cái tôi của tác giả, một cái tôi có khả năng in đậm dấu ấn vào câu chuyện (rất thông minh khi đã phát hiện và lật xới ra vấn đề, dễ dàng nắm bắt được trạng thái về tinh thần thời đại phía sau những màn ứng xử thường ngày, kể chuyện mà giống như đang suy nghĩ - luận bàn về câu chuyện với rất nhiều những đúc kết khôn ngoan) đã giúp cho Nguyễn Khải khẳng định được vị trí chắc chắn trong tâm trí của những bạn đọc yêu thích thứ văn chương vốn giàu chất trí tuệ mà vẫn tựa vững dựa vào tấm lòng trìu mến và thân thiện đối với con người. Khi tự chia hành trình sáng tác của mình ra thành hai giai đoạn (trước năm 1978 và sau 1978 trở đi), nhà văn không chỉ muốn nói về mối quan hệ giữa "con người" với "thời thế", đến những sự điều chỉnh cần thiết và tất yếu ở trong thế giới quan của ông tại giai đoạn thứ hai, mà còn gián tiếp nhắc đến triết lý về cái hữu hạn trong nghệ thuật trước cái vô hạn trong đời sống. Từ đây ông sẽ lấy triết lý ấy làm nguyên tắc cho sáng tạo: khước từ cung cách độc thoại của kiểu nhà văn đứng cao hơn độc giả để làm một người đề xuất lên vấn đề, gợi mở ra cuộc đối thoại, chia sẻ cảm xúc cũng như chiêm nghiệm riêng trên tinh thần tôn trọng độc giả, trao cho họ cái quyền phán xét chân lý. Nếu trước năm 1978, Nguyền Khải chủ yếu chạy theo cảm hứng chính luận và tập trung vào những vấn đề về chính trị - xã hội thì từ năm 1978 trở đi, ông dành mối quan tâm chính cho con người, trước tiên là con người cá nhân, có thân phận và danh phận, bổn phận cụ thể đang thêu dệt nên cái dòng chảy sôi sục, ồn ào và đầy biến động của cõi nhân gian. Một người Hà Nội, được hoàn thành vào ngày 19 - 1 - 1990 (dựa theo ghi chú cuối truyện) là một truyện ngắn rất nghiêm túc, một cuộc đối thoại cởi mở về con người: Phải chăng bản lĩnh cá nhân và lòng tự trọng của mỗi cá nhân chính là cốt lõi của nhân cách? Phải chăng sự sâu sắc, thâm trầm cùng lối sống sang trọng, lịch lãm và có văn hoá tạo nên vẻ đẹp cho người Hà Nội? 

Được viết trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang trên con đường đổi mới và biến chuyển mau lẹ, nhiều cuộc "đụng độ" vô cùng gay gắt giữa hai hệ giá trị cũ và mới xảy ra khi mà cơ chế kinh tế thị trường đang phát huy ảnh hưởng rộng khắp và quan hệ giao lưu đa chiều đem tới nhiều kinh nghiệm mới mẻ và làm mất giá nhiều kinh nghiệm cũ, “Một người Hà Nội” chính là nơi tác giả muốn gửi gắm những điều mà mình chiêm ngẫm và trăn trở về khả năng bảo tồn được những giá trị mà ông tin chắc rằng đó là thứ tinh túy nhất của người Việt: văn hoá Thăng Long, Tràng An. Liệu mảnh đất ngàn năm văn hiến đó đứng trước cơn lốc kinh tế thị trường có bị đánh mất gương mặt tinh thần vốn sang trọng và hào hoa được hun đúc suốt một trường kì lịch sử? Ma Văn Kháng khi viết bài “Mùa lá rụng trong vườn” (năm 1985) cũng đã ít nhiều động chạm đến câu hỏi này. Cùng thời điểm ấy, đạo diễn Trần Văn Thuỷ đã làm một bộ phim tài liệu nghệ thuật Hà Nội trong mắt mọi người đã không giấu được cái nhìn phê phán mang tính cảnh báo đối với những biểu hiện hết sức phi văn hoá của thủ đô đang mỗi ngày bày ra ngay trước mắt của du khách (bộ phim đem đến những tiếp nhận rất đa chiều). “Một người Hà Nội” có thể được xem như một tiếng nói đối thoại vô cùng sắc sảo mà Nguyễn Khải góp vào mối quan tâm chung của những ai đang nặng lòng với vẻ đẹp kinh kỳ (ý hướng đối thoại vô cùng rõ ràng vì nhà văn đã đưa truyện này vào một tập truyện mang tên Hà Nội trong mắt tôi, in vào năm 1995). Người đọc có thể dễ dàng nhận ra việc Nguyễn Khải dành cho Hà Nội một tình yêu cũng như niềm tự hào sâu sắc đến như thế nào và ông cũng coi trọng truyện ngắn “Một người Hà Nội” như thế nào. Với ông, Hà Nội chính là "đất kinh kỳ" (tên một truyện khác có trong tập), là nơi hội tụ của tinh hoa cả nước: "cái nước sông Hồng, cái gió sông Hồng nó lạ lắm, nó làm ra văn chương Bắc Hà, văn chương Hà Nội". Mà đâu chỉ có văn chương! Chọn một người phụ nữ giống như nhân vật bà Hiền làm một cái "lát cắt" nhỏ về Hà Nội, ông muốn ký thác tình yêu thật bền chặt và sự kỳ vọng đối với truyền thống văn hoá của dân tộc vào những con người luôn biết cách để nuôi dưỡng "nếp nhà". Chính nhờ có họ mà nét đẹp riêng của kinh kỳ qua biết bao thăng trầm lịch sử vẫn còn nguyên cốt cách, không gì có thể làm phiêu tán và phôi pha. Tính thời sự của tác phẩm vì vậy lại gắn với nhu cầu đối thoại về văn hoá của Hà Nội. Người như bà Hiền có phải là hiện thân của nền văn hoá ấy không?

Bà Hiền - điểm tựa chính cho đề tài tác phẩm, được khắc hoạ vô cùng nổi bật ở cả hai mặt: tính cách với tư tưởng. Qua góc nhìn của người kể chuyện xưng "tôi", tính cách của bà Hiền đã hé lộ dần, một tính cách rất "động" mà hoá ra lại ổn định từ đầu đến cuối. Tư duy nghiên cứu đã đảm bảo cho câu chuyên là những khám phá bất ngờ liên tục, "níu chân" bạn đọc. Từng bước hoàn thiện bức chân dung bà Hiền theo dòng chảy của thời gian với bao đổi thay của thời cuộc, mỗi lần gặp gỡ nhân vật là lại một lần nữa người kể chuyện ngỡ ngàng. Tác phẩm xâu chuỗi cả bốn tình huống về nhận thức, cố ý tạo ra mạch truyện tưởng lan man, ngẫu hứng mà thực sự đan xen uyển chuyển, chặt chẽ và kết dính thành một hành trình nhận thức từ mức thấp đến cao (tình huống bà Hiền chọn chồng và tình huống bà bị "ngờ" là tư sản, tình huống những đứa con của bà tình nguyện đi chiến đấu với tình huống bà phải bày tỏ rõ thái độ trước lối sống thủ đô vào thời kinh tế thị trường). Cảm quan lịch sử ở đây được thể hiện rất đậm nét. Mỗi tình huống tương ứng với mỗi hoàn cảnh lịch sử rất cụ thể, những phát hiện của người kể chuyện về nhân vật bà Hiền là mạch phát triển tuần tự: từ việc hoài nghi đến nể phục, từ sự e ngại đến tin cậy, từ tò mò đến sự cảm động, trân trọng. Tình huống nhận thức trong “Một người Hà Nội” khác xa với “Chiếc thuyền ngoài xa” của tác giả Nguyễn Minh Châu ở điểm: không gay cấn, éo le và người kể chuyện không "bừng ngộ" mà lại "tiệm ngộ" dần dần cùng với độ dài thời gian suy tư, chứng nghiệm, hệt như một mạch ngầm văn bản. Có thể xem nhân vật bà Hiền như chứng nhân cho những biến thiên lịch sử đã kéo dài từ trước Cách mạng tháng Tám cho đến thời kỳ đất nước tưng bừng trong công cuộc đổi mới. Qua bao nhiêu biến động dữ dội, nhân vật Bà Hiền vẫn vững vàng một bản lĩnh sống với đầy trách nhiệm công dân mà không khi nào được đánh mất mình "một đời không để bị ai cám dỗ". Bà luôn lấy lòng tự trọng ra làm nguyên tắc để xử thế, lấy văn hoá làm thước đo cho giá trị sống: "là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng". Bà chính là một "thể phách" và một "tinh anh" của Hà Nội, vượt lên tất cả biến suy của thời gian, mọi nông nổi của những thói thời thượng để độc giả được nhẹ nhõm với niềm tin "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" (ca dao).

Vẻ đẹp "người Hà Nội" trong nhân vật bà Hiền được thể hiện trước hết bằng việc gìn giữ "nếp nhà". Gốc gác Hà Nội cho bà một căn cốt rất vững vàng từ nền giáo dục của gia đình. Cha mẹ bà chính là bằng chứng cho việc người ta có thể giàu có nhưng vẫn lương thiện, giàu có nhưng không "trọc phú". Cô Hiền thuở trẻ đã được cha mẹ cho mở một phòng tiếp khách văn chương (được gọi là sa lông văn học). Với ai đó thì đây chính là cơ hội để lấy được một tấm chồng danh giá hoặc chỉ đơn giản là có dịp được phô diễn sự thức thời (kiểu bà Phó Đoan xây sân quần ở trong tác phẩm “Số đỏ” của tác giả Vũ Trọng Phụng chẳng hạn), nhưng với nhân vật cô Hiền và gia đình cô, đó là nhu cầu giao tiếp để có thể mở mang tầm mắt, để hấp thụ được thêm cái tao nhã của nền văn chương nghệ thuật. Thế nên việc cô Hiền lựa chọn chồng đã khiến cho tất cả người quen biết phải bất ngờ. Họ bất ngờ vì họ đã tư duy theo thói thường. Cô Hiền đứng ngoài cái thói thường đó. Có lẽ cô nhắm đến một cuộc hôn nhân có thể đảm bảo duy trì truyền thống "giàu có lương thiện" của gia đình mình và cô phải đóng vai một người "nội tướng" để có thể giữ vững "nếp nhà". Đấy là sự lựa chọn thể hiện bản lĩnh cá nhân và của tình yêu Hà Nội vô cùng sâu xa trong máu thịt. Những năm Hà Nội bị tạm chiếm, gia đình của cô không tản cư (điều ấy gây ra sự ngờ vực của không ít người về lập trường yêu nước của gia đình cô) nhưng thực chất việc cô không tản cư bởi vì "không thể rời xa Hà Nội, không thể sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất nào khác". Một tình yêu kiên định được bắt nguồn từ một niềm tin vô cùng vững chắc vào sự ngay thẳng (nhưng có lẽ cũng chính vì vậy mà cực đoan nghĩ rằng chỉ có ở Hà Nội mới có thể duy trì được lối sống đẹp?)

Khi Hà Nội được giải phóng, khi mà "văn hoá thời chiến" và "văn hoá bình dân" lên ngôi, bà Hiền lại càng có ý thức nuôi dưỡng dưới mái nhà mình những nét thanh lịch vốn có, từ cách ăn và cách mặc đến cách xưng hô. Theo bà, đấy cũng chính là văn hoá, bà muốn các con của bà nhận ra "văn - hoá - người" ngay từ những việc nhỏ nhặt và thường tình nhất: "Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ, còn sau này muốn sống ra sao là tuỳ". Bà không uốn mình theo cái lối ứng xử dễ dãi của số đông. Cái sâu sắc trong người phụ nữ, người mẹ và người Hà Nội ấy không phải ai cũng có thể nhận ra. Nhân vật "tôi" lúc đầu đã nghĩ rằng bà "đích thị là tư sản" nên bảo chồng con phải "tránh xa" để khỏi bị liên luỵ, rồi sau đó lại cho bà là một kẻ thủ cựu, cố chấp và không hợp thời. Có lẽ mãi về sau, khi gặp những kẻ không có khả năng "biết xấu hổ", không có lòng tự trọng mà chỉ có sự trâng tráo và thô bỉ, "tôi" mới thật hiểu được trí lực của bà Hiền. Có một người mẹ như vậy, tất sẽ có những đứa con "không sống bám vào sự hi sinh của bạn bè", tình nguyện đăng ký xin được đi đánh Mỹ. Trong bữa tiệc của gia đình mừng ngày mà Dũng trở về từ chiến trường miền Nam, người con trai bà Hiền đã nói rất ít về những chuyện vui hay những chiến công:

"Anh nói rằng trong nửa năm nay, anh không ngớt nghĩ về những người từ Hà Nội ra đi cách đây đúng mười năm. Sáu trăm sáu mươi người. Bây giờ còn lại khoảng trên dưới bốn chục" (Hà Nội trong anh đã không tiếc máu xương cho Tổ quốc hoà bình và thống nhất). Rồi anh kể về tình yêu mẹ của một người đồng đội có tên là Tuất, về sự can đảm rất phi thường của mẹ Tuất khi anh đến báo tin Tuất đã hi sinh. Niềm vui được sống trở về không làm cho chàng trai còn rất trẻ đó quên chia sẻ nỗi đau với người khác. "Chất Hà Nội" từ thế hệ người mẹ như nhân vật bà Hiền, như mẹ Tuất đang được chuyển giao rất tự nhiên sang thế hệ những người con như là Dũng và Tuất. (Đối diện với họ, nhân vật tôi đã phải giật mình bởi những nhận xét ồn ào và vội vã: "tôi đã nói điều gì thất thố?").

Để có thể gìn giữ nghiêm cẩn những nề nếp gia phong, người phụ nữ đương nhiên cần phải đóng vai trò "nội tướng" (tục ngữ xưa có câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm"). Bà Hiền đã thực hiện tư tưởng nam nữ bình quyền theo một cách riêng: dứt khoát mà cũng thừa tinh tế. Bà chủ động chấm dứt việc sinh đẻ với nhận thức thật đúng đắn: sinh con nghĩa là phải nuôi dạy con thành người, phải chuẩn bị thật chu đáo cho mỗi đứa con có khả năng sinh sống tự lập "khỏi phải sống bám vào anh chị" (lại vẫn lấy cái nguyên tắc tự trọng lên làm chuẩn). Bà chê trách người cháu của mình: "Mày bắt nạt vợ mày quá, không để nó tự quyết định bất cứ việc gì, vậy là hỏng". Bà điều hành cả gia đình bằng những phép tính vô cùng khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng "và luôn tính đúng vì không có lòng tự ái, sự ganh đua, thói thời thượng chen vô. Không có sự lãng mạn hay mơ mộng vớ vẩn. Đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ". Như vậy chồng và con của bà không nể trọng thì sao được? Có một chi tiết rất nhỏ tưởng bình thường mà lại thật đắt giá: thấy cậu con trai xưng hô không đúng với quan hệ gia đình (gọi anh mình là đồng chí), bà "cau mặt gắt" nhưng khi chồng cũng phạm phải chính lỗi đó, bà chỉ "thở dài, quay người đi". Một người vợ biết tôn trọng chồng mình là biết nhượng bộ và nhường nhịn đúng lúc. Nghiêm khắc và kĩ lưỡng uốn nắn con cái từng li từng tí một, nhưng bà bao giờ cũng hiểu rõ về con và luôn biết dành cho chúng quyền được tự quyết định. Bà đảm đang và tháo vát mà không hề ích kỷ lạnh lùng. Tình nghĩa thuỷ chung của vợ chồng chị vú em đối với gia đình bà đã nói lên điều đó.

Nhưng một người "nội tướng" vô cùng mẫu mực chúng ta có thể được gặp ở nhiều nơi. Cái làm nên tính cách riêng cho bà Hiền, khiến bà - một phụ nữ rất bình thường trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam có thể trở nên cá biệt và phi thường chính là bản lĩnh cá nhân cùng với sự lịch lãm và lối sống sang trọng. Dù có lúc bị ngờ vực hoặc bị soi xét bằng những cái nhìn định kiến, bao giờ bà Hiền cũng vẫn là chính mình - một cái tôi vô cùng khôn ngoan, giàu tự trọng, biết người và biết ta. Thuở trẻ trung, nhan sắc thì hơn người, bố mẹ lại giàu có, cô Hiền đã không buông thả mình theo thói hợm hĩnh và đua đòi ăn chơi hưởng lạc như vô số những kẻ tầm thường khác. Sau này người phụ nữ đó sẽ tạo lập tổ ấm cho mình bằng chính bàn tay tài hoa, chăm chỉ cùng cái đầu giỏi tính toán, cho nên gia đình của bà lúc nào cũng giữ được phong cách sống rất đàng hoàng và ấm áp. Bà "có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả" (giữa những cái nhìn hết sức kỳ thị với sự giàu sang cực đoan tới mức cháu cũng nghi ngại cô, thì phải có một bản lĩnh lớn lắm mới có thể ung dung để sống như bà Hiền). Không bao giờ xu thời, nhưng cũng chẳng quay lưng với thời cuộc, bà tự giác điều chỉnh công việc làm ăn phù hợp mỗi khi cơ chế thay đổi. Tỉnh táo và công bằng, bà phê phán về sự lạc quan tự mãn thái quá của nhiều người trong những ngày tháng đất nước mới độc lập: "Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ!" (có phải lại có thêm một cái giật mình tự phản tỉnh của tác giả?). Bà không tán thành với quan điểm "không khuyến khích cá nhân làm giàu" của chế độ mới nhưng cũng không phản kháng mà cố gắng thu xếp sao cho gia đình của mình vừa không vi phạm luật pháp lại vừa không đánh mất đi truyền thống riêng. Một câu nói rất nhẹ nhàng giải thích việc bà không bị "học tập cải tạo" cho thấy rằng bà rất công tâm: "các bà không biết nhưng Nhà nước lại rất biết". Con người đó luôn độc lập trong việc nhìn nhận đánh giá và rất ít khi vướng vào định kiến.

Thông minh, thức thời và tháo vát,... đó chính là tính cách của bà Hiền tại cuộc sống đời thường. Tính cách đó rất đáng để nể phục. Nhưng bản lĩnh ứng xử trước thời cuộc (luôn "là mình" mà không bị thiếu trách nhiệm với cộng đồng cùng với sự tính toán khôn ngoan mà vẫn đằm thắm một tấm lòng vô cùng đôn hậu) mới thực sự là những giá trị làm ra nhân cách của bà, làm nên văn hoá sống và làm nên cái đẹp. Khi hàng trăm thanh niên ưu tú của Hà Nội đang lên đường đánh đế quốc Mỹ, người con trai cả của bà Hiền đã tình nguyện nhập ngũ, bà không muốn ngăn cản con, cũng không nhận đó mà khoe khoang lòng yêu nước. Bà trả lời rất thẳng thắn "tao đau đớn mà bằng lòng". Trong văn học thời chiến tranh của ta hình như chưa từng có một bà mẹ nào phát biểu như thế cả. Nguyễn Khải đã rất sâu sắc để cho nhân vật công khai cuộc đối thoại với những quan niệm rất giản đơn về chủ nghĩa ái quốc. Người đọc nào yêu chuộng sự trung thực sẽ thấy rất cảm động vì tin vào cuộc đấu tranh nội tâm - dù chỉ được hé mở thông qua một câu nói - chắc chắn nhiều giằng xé mà người mẹ hay người công dân như bà Hiền đã phải trải qua. Bà mẹ nào có thể vui được khi đứa con của mình phải đi vào nơi hiểm nguy, nhưng bà cũng hiểu con "nó dám đi cũng là biết tự trọng". Bà không muốn che giấu niềm kiêu hãnh: "tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè". Với việc ra đi của người con thứ hai, bà vẫn ứng xử trên nguyên tắc tự trọng cùng niềm kiêu hãnh như vậy vì theo bà, ngăn cản con chính là "bảo nó tìm đường sống để các bạn phải chết" và "đấy cũng là cách giết nó". Bà đặt danh dự cao hơn cả sự sống, mất danh dự tức là chết về mặt tinh thần, nhân phẩm.

Mang đậm cốt cách của Hà Nội, trong sâu thẳm con người của bà Hiền là cái tâm linh của Hà Nội. Tâm linh ấy đã được bồi đắp dựa trên truyền thống của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Khi con người nghĩ rằng mình đang giữ gìn một giá trị, thì tự khắc nó sẽ tìm được khả năng đề kháng trước tất cả biến suy và cám dỗ. Bà Hiền đã ý thức mình là người Hà Nội nên cái mà bà luôn tha thiết bảo vệ và phát huy chính là cái chất Hà Nội. Bà không chỉ dạy dỗ con cái sống sao cho có văn hoá mà còn nỗ lực để tạo dựng một môi trường văn hoá ở trong gia đình (mỗi tháng đều tổ chức một bữa ăn với bạn bè làm sống dậy những nét sinh hoạt và giao tiếp hết sức sang trọng, đẹp đẽ như truyền thống kinh kỳ). Giữ nếp nhà là một cách để giữ nếp người. Sau bao nhiêu biến thiên của lịch sử, giữa thời buổi kinh tế thị trường chất chứa đầy tâm lý thực dụng mà phòng khách của nhà bà Hiền - thế giới riêng của bà - vẫn giữ nguyên được phong cách lịch lãm và quý phái của hơn nửa thế kỷ về trước với tấm bình phong bằng gỗ chạm cùng bộ sa lông gụ, sập gụ, tủ chùa, lư hương đời Hán, lọ men Thuý hồng, liễn hấp sâm Giang Tây,... Những thứ đồ trưng bày ấy đều là cổ vật quý giá và mang trong mình tính chất trang nghiêm và cổ kính của nhiều tầng văn hoá, biểu hiện được cốt cách văn hoá của chủ nhân. Căn phòng khách có thể được coi là biểu tượng cho con người với thế giới tâm hồn thanh sạch và luôn bình tâm trước những đổi thay. Và con người - chủ nhân của không gian đó - cũng là một "cổ vật" hay một giá trị không thể phai nhoà của một thời vàng son. Hình ảnh bà Hiền đang lau đánh chiếc bát thuỷ tiên tưởng chừng đơn giản mà chứa đựng đầy đủ cái không khí Tết Hà Nội đặc trưng, đó sẽ là hình ảnh chắc chắn ở trong tương lai con người hiện đại phải cảm thấy nặng lòng hoài nhớ khi cái nhịp sống công nghiệp cùng xu hướng đô thị hoá ào ạt sẽ có nguy cơ lấy hết đi những khoảng không gian yên tĩnh để có thể di dưỡng tinh thần. Nhà văn đã dự cảm trước về nguy cơ đó khi nêu ra câu hỏi: “Dân Hà Nội nhảy tàu lên Lạng Sơn buôn bán đủ thứ mà lại không buôn được vài ngàn củ thuỷ tiên" và "ví thử có thuỷ tiên liệu còn có người biết gọt tỉa thuỷ tiên?". Và còn đáng buồn hơn nữa nếu cách sống ồ ạt và xô bồ đã khiến con người không còn biết bình tĩnh mà thưởng thức cái vẻ đẹp trang trọng của một giò thuỷ tiên. Phòng khách của nhà bà Hiển là thế giới thực nhưng cũng chất chứa đầy tính tượng trưng. Bà vẫn tỉnh táo và thức thời, có điều bà đã vượt ra khỏi thói thường nhờ vào cái tầng văn hoá tâm linh vô hình mà ám ảnh. Mối bận tâm của bà bây giờ chỉ có thể là chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn. Cây si đó gợi liên tưởng tới sức sống trường tồn của tự nhiên mà cũng chính là sự hữu hạn của tự nhiên. Chính ý thức của con người (việc làm kịp thời của Sở Văn hoá Hà Nội) sẽ khắc phục được tính hữu hạn đó. Cây si gắn quá khứ với hiện tại, là hoá thân của linh hồn Hà Nội, cũng là niềm tin của người Hà Nội vào những cái giá trị bất diệt. Cuộc đời bà Hiền cũng giống như câu chuyện về cây si đã làm sáng tỏ ra chân lý mà nhà vặn tâm niệm: "nói cho cùng, để sống được hằng ngày, tất nhiên phải nhờ vào những giá trị tức thời. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những giá trị bền vững”.

Câu chuyện kết thúc khi mà những hoài nghi và bất bình của người kể chuyện về cách ứng xử thô bạo mà ông gặp trên đường phố Hà Nội đã được hoá giải bằng những chiêm nghiệm của bà cô đã "ngoài bảy mươi tuổi" mà vẫn cứ "giỏi quá" lại "khiêm tốn và rộng lượng quá". Bước ngoặt trong nhận thức khiến cho người kể chuyện, với niềm hi vọng lạc quan, đã nảy ra một sự so sánh thật đẹp: "Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ". "Hạt bụi vàng" nhỏ bé nhưng lại là tinh tuý tạo ra ánh vàng "sáng chói" cho vùng đất kinh kỳ. Nó cũng trở thành một biểu tượng của con người Hà Nội: bình dị nhưng lớn lao, hữu hạn về thân xác nhưng vô hạn về tâm hồn. Trong cảm hứng ngợi ca và tự hào, ngòi bút Nguyễn Khải đã không khỏi thoáng gợn chút tiếc nuối (hay một nỗi lo âu về viễn cảnh phôi pha cái đẹp cổ truyền trước dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống thời kinh tế thị trường), phải chăng vì vậy mà ông mơ ước rằng: "Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng!".

Một người Hà Nội rất đậm dấu ấn về tư duy tiểu thuyết: cốt truyện được nới lỏng và ít sự kiện, biến cố nhưng đã được kết cấu thành nhiều tình huống về nhận thức. Sau mỗi lần gặp gỡ, người kể chuyện lại có thêm cho mình một phát hiện mới, một nhận thức mới về nhân vật bà Hiền, để cuối cùng người đọc có thể tự hoàn chỉnh chân dung của người phụ nữ Hà Nội ấy. Thường xuyên tác giả đặt một sự việc hoặc một vấn đề dưới nhiều cách nhìn (khi công khai, lúc ngầm ẩn), biện pháp đối sánh đó là sản phẩm của tư duy dân chủ trong tiểu thuyết, tạo ra mối quan hệ bình đẳng giữa nhà văn với bạn đọc, đưa cuộc sống vào nhiều "toạ độ" đánh giá để mời gọi người đọc tham gia đối thoại. Bà Hiền có phải một người Hà Nội điển hình không? Cách sống của bà và những ứng xử của bà có điểm gì hạn chế?,... tất cả thực ra vẫn chỉ là những giả định và hình dung, những câu hỏi ngỏ vì tác giả đã luôn muốn nhấn mạnh vào cái nhìn chủ quan của người kể chuyện. Như vậy, tôn trọng kinh nghiệm cá nhân không có nghĩa là người đọc phải coi kinh nghiệm đó là chân lý. Truyện không sa vào lý luận nặng nề mà có sự đan xen với giọng điệu khá linh hoạt: ẩn trong giọng điệu của người kể chuyện, thấp thoáng có những giọng khác nữa. Hình tượng người kể chuyện ưa triết lý và suy ngẫm, lại xưng "tôi", thậm chí là tự tiết lộ tên của mình là Khải (theo lời con trai của bà Hiền: "Mẹ ơi! Đồng chí Khải đến"), nghĩa là mang rất nhiều chi tiết về tiểu sử tác giả, đã gợi cảm giác vô cùng thân mật và tin cậy, rất thích hợp cho cuộc giao tiếp cởi mở giữa nhà văn và người đọc. Qua hình tượng của người kể chuyện, hiển hiện một Nguyễn Khải có nhu cầu tự vấn và tự nhận thức lại về nhiều vấn đề tưởng như đã là chân lý. Cảm hứng triết luận nghiêm túc không hoàn toàn lấn át được cảm hứng tự trào - đấy chính là cái duyên riêng của tác giả “Một người Hà Nội”.

 

3. Soạn bài Giới thiệu một tác phẩm truyện sách cánh diều 11 tập 2: Đề 3

Đề bài: Suy nghĩ về triết lý nhân sinh có trong truyện “Tầng hai” của Phong Điệp

3.1 Lập dàn ý 

a. Mở bài 

- Giới thiệu tổng quan về tác giả Phong Điệp (những nét chính về con người lẫn cuộc đời và đặc điểm sáng tác,...)

- Giới thiệu tổng quan về tác phẩm Tầng Hai (xuất xứ, những đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật,...)

b. Thân bài

- Khung cảnh về căn nhà nơi mà Phan và một gia đình đang sinh sống

- Sự tẻ nhạt và cô đơn trong căn phòng của Phan đang ở

- Không khí nhộn nhịp và đông đúc trong căn phòng trên tầng hai

- Những ngẫm nghĩ của nhân vật Phan về hạnh phúc gia đình

c. Kết bài

Khẳng định lại về nội dung và nghệ thuật đặc sắc thông qua truyện ngắn “Tầng hai” của nhà văn Phong Điệp. Từ đó cho thấy được những ý nghĩa và quan niệm về một cuộc sống hạnh phúc.

3.2 Bài tham khảo:

Phong Điệp có tên khai sinh là Phan Thị Phong Điệp, bà sinh năm 1976 và quê ở Nam Định. Bà có những đóng góp rất lớn trong sự phát triển của văn xuôi Việt Nam đương đại. Những tác phẩm của bà mang đậm nét về một cuộc sống chân thực với rất nhiều điều bình dị. Một trong số đó chính là tác phẩm “Tầng hai” được in ở tập truyện ngắn “Kẻ dự phần”. Tác phẩm là một câu chuyện kể về lối sống của những thành viên ở một căn nhà cho thuê. Qua đó là những suy nghĩ về triết lý của cuộc sống.

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã giới thiệu về nhân vật Phan đang thuê trọ tại một căn nhà có một người mẹ với vợ chồng người con. Hàng ngày cô đều lắng nghe và suy nghĩ về cuộc sống của ba người họ ở trên tầng hai. Cuộc sống của cô cũng như những người bận rộn khác, sáng đi làm sớm còn tối về là lúc bản tin cuối ngày đang phát. Tác giả đã miêu tả về cuộc sống của nhân vật Phan rất chân thực nhưng cũng vô cùng cô đơn. Lúc nào trước khi đi ngủ trong đầu cũng chỉ nghĩ đến những lập trình sẵn về công việc và những việc mình cần phải làm vào ngày mai. Và một cô gái có cuộc sống vốn chỉ xoay quanh công việc lại nghĩ về việc theo dõi cuộc sống của những người sinh sống ở tầng trên. Phan lắng nghe được rất nhiều những âm thanh nhưng thật trái ngược với sự tĩnh lặng ở trong căn phòng của cô. Tiếng người con dâu khóc lóc vì người người chồng đi làm về muộn, rồi người mẹ lại đi dỗ dành người con dâu. Đây là những khung cảnh mà ta thường được thấy ở những cặp vợ chồng. Đối với Phan buổi tối trước khi đi ngủ chính là lúc lắng nghe những âm thanh ở tầng trên, rồi nghe những âm thanh của tiếng nước chảy sau đó chìm vào giấc ngủ. Những ý nghĩ rằng mình cần phải bám trụ ở đây, không được từ bỏ và cô đã nghĩ rằng như thế mới là hạnh phúc. 

Tác giả đã vô cùng tinh tế và khéo léo, khi lồng ghép miêu tả đối lập cuộc sống giữa cuộc sống của Phan với cuộc sống của gia đình trên tầng hai. Người mẹ hiện ra là một người rất hiền từ và luôn động viên cũng như bảo vệ người con dâu của mình. Người con dâu thì như một cô vợ bé nhỏ, lúc thì giận dỗi chồng mình, lúc thì lại hết mực yêu thương cười nói nhưng cô vô cùng quan tâm mẹ của mình. Còn người chồng thì không phải là người chồng quá đỗi mẫu mực nhưng cũng rất yêu thương mẹ và vợ. Khung cảnh gia đình ba người ấy rất bình thường cũng như bao gia đình khác, nhưng người đọc có thể cảm nhận được cái bình dị và cái quan tâm của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau. Chính vì điều ấy đã tạo nên một thói quen khiến cho Phan quan sát lắng nghe những âm thanh từ tầng trên. Khi gia đình đón thêm thành viên mới, có lẽ đây chính là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của gia đình đó. Người đọc có thể cảm nhận được tình cảm cũng như sự vui mừng của mỗi thành viên dành cho nhau. Lúc này Phan lại càng có những suy nghĩ thôi thúc muốn nhìn thấy khung cảnh sống ở trên tầng. Chính lúc này Phan đã nhận ra rằng, hình như mình đang đi tìm kiếm cái hạnh phúc ở đâu đó xa xôi, mà quên đi rằng hạnh phúc của chính mình ở trong gia đình mà mình vẫn thường chẳng quan tâm đến.

Một bức tranh về gia đình đơn giản và ấm áp đã được Phong Điệp miêu tả vô cùng sâu sắc trong tác phẩm “Tầng hai”. Từ đó cho thấy những triết lý về cuộc sống rằng hạnh phúc không là cái gì đó lớn lao, mà nó ở ngay bên cạnh mỗi chúng ta.

 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

Bài viết này đã tổng hợp cho các em đầy đủ dàn ý và bài mẫu của 3 đề trong phần Soạn bài Giới thiệu một tác phẩm truyện sách cánh diều 11 tập 2. Các em có thể tham khảo cách triển khai ý của VUIHOC và tự viết một bài giới thiệu tác phẩm truyện sách cho mình. Ngoài ra, để học thêm những cách viết văn khác thuộc chương trình ngữ văn 11, thậm chí là những kiến thức của môn học khác, các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn rồi đăng ký khoá học của VUIHOC để có thể trải nghiệm học tập cùng các thầy cô ngay nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 11
| đánh giá
Hotline: 0987810990