img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ - Ngữ Văn 12

Tác giả Minh Châu 14:51 30/11/2023 3,805 Tag Lớp 12

Nhằm hỗ trợ các em có sự chuẩn bị tốt nhất cho bài học trước khi đến lớp. Dưới đây là bài soạn tác phẩm Mấy ý nghĩ về thơ- Ngữ văn 12 đầy đủ, chi tiết do VUIHOC biên soạn. Bài soạn sẽ giúp các bạn học sinh dễ dàng nắm bắt và tiếp cận kiến thức bài học.

Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ - Ngữ Văn 12
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ: Khái quát về tác giả và tác phẩm

1.1. Tác giả

- Tiểu sử:

  • Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003), thuở nhỏ được sinh ra và lớn lên ở Luông Pha-bang (Lào). Quê quán gốc của ông ở làng Vũ Thạch (nay là phố Bà Triệu), Hà Nội.
  • Năm 1931, tác giả đã theo gia đình trở về nước và bắt đầu tham gia vào hoạt động cách mạng từ năm 1941.
  • Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc và còn được cử vào ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam.
  • Từ những năm 1958 - 1989, Nguyễn Đình Thi là đại biểu Quốc hội, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
  • Năm 1995, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học và nghệ thuật Việt Nam. Ông chính thức được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn  học và nghệ thuật đợt I– 1996.

- Sự nghiệp văn học:

  • Nguyễn Đình Thi được biết đến là một nghệ sĩ đa tài. Ông có thể làm văn thơ, viết lý luận phê bình văn học, soạn viết kịch, sáng tác nhạc vào thời kì hiện đại… trong mọi lĩnh vực, các tác phẩm của ông đều được công chúng đón nhận và mến mộ.
  • Một số tác phẩm để đời làm nên tên tuổi của Nguyễn Đình Thi không thể không kể đến: Các tiểu thuyết như Xung kích (1951), các tập tiểu luận như Mấy vấn đề về văn học (1956), các tập thơ như Người chiến sĩ (1956), Bài thơ Hắc Hải (1958); các vở kịch như Con nai đen (1961),  Vào lửa (1966), Rừng trúc (1978); … Thơ văn của  ông gợi mở hơn tả, giàu triết lí trầm tư, cô đọng hàm súc, văn phong và bút pháp mới mẻ.

 

Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ- Nguyễn Đình Thi (Ngữ văn 12)

 

1.2. Tác phẩm

  • Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Tháng 9 năm 1949, Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc diễn ra với mục đích đẩy mạnh phong trào sáng tác văn nghệ theo đường lối của Đảng nhằm phục vụ nhân dân và phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác giả Nguyễn Đình Thi không ngần ngại chia sẻ suy nghĩ, quan niệm của riêng mình về thơ trong bài “Mấy ý nghĩ về thơ” và được đăng trên báo Văn nghệ số 10 – 1949. 
  • Phong cách: chính luận xen lẫn trữ tình, nghị luận kết hợp tùy bút, lí luận văn học gắn liền với thực tiễn.
  • Sự thành công của tác phẩm: Bài viết này về sau đã được đưa vào tập: Mấy vấn đề văn học.
  • Thể loại: Tiểu luận

 

2. Soạn bài mấy ý nghĩa về thơ: Tìm hiểu chi tiết về tác phẩm

2.1. Tóm tắt

Tác phẩm “Mấy ý nghĩ về thơ” là một trong những sáng tác tiểu luận xuất sắc nhất của Nguyễn Đình Thi đã trình bày suy nghĩ, quan niệm về thơ ca. Bài viết được ra đời trong hoàn cảnh tác giả đang tham gia Hội nghị tranh luận văn nghệ được tổ chức ở Việt Bắc vào tháng 9 năm 1949. Tác phẩm được Nguyễn Đình Thi trình bày một cách rõ ràng, sự logic, mạch lạc giữa các câu ý kiến nội dung bài đọc dễ hiểu, dễ nhớ.

Trước hết Nguyễn Đình Thi đã làm rõ cho độc giả thấy được nguồn gốc của thơ ca chính là xuất phát từ tâm hồn và tình cảm trong mỗi con người. Ông nhấn mạnh đó phải là tâm hồn có tư tưởng, có tâm tư, có cảm xúc và thơ ca chính là được làm ra từ đó. Tác giả trình bày những quan điểm, suy nghĩ của mình về những đặc trưng cơ bản nhất của thơ ca: hình ảnh trong thơ ca là những hình ảnh chân thực được xuất hiện trong tâm hồn mỗi khi ta sống và trải nghiệm trong một tình huống hoặc trạng thái nào đấy; mỗi nhịp điệu trong thơ ca đều là nhịp điệu của những tình ý hay hình ảnh, nói chung đó là của tâm hồn. Cuối cùng về chữ và tiếng,  ngoài ý niệm ra còn tồn tại một giá trị khác nữa là “bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ tới, tỏa ra xung quanh nó một vùng sáng đầy sống động”.

Tiếp đến, Nguyễn Đình Thi đề cập đến thể thơ tự do, thơ không vần, đây là một vấn đề nổi bật nhất về thơ ca theo quan niệm quả ông. Tác giả không ngần ngại mà thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ của bản thân: “không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không có vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ”. Có thể thấy đây là một ý nghĩ, một quan niệm thật sự mới mẻ và mang tính hiện đại, được cách tân trái so với thơ ca truyền thống. Cuối cùng tác giả Nguyễn Đình Thi cố tình nhấn mạnh đến thơ ca trong  thời đại mới: “phải nói lên được tình cảm, tư tưởng mới của thời đại.” Tác phẩm mang đến cho độc giả cách nhìn nhận, cách hiểu và cách cảm nhận sâu sắc, mang tính mới mẻ về thơ ca phù hợp với thời cuộc đất nước lúc bấy giờ.

 

Sơ đồ tư duy tóm tắt tác phẩm Mấy ý nghĩ về thơ.

2.2. Bố cục

  • Phần 1: Từ đầu đến “… như vùng sáng xung quanh ngọn lửa” ⇒ Tác giả nói về những đặc trưng cơ bản nhất của thơ.
  • Phần 2: Phần còn lại ⇒ Những đặc điểm khác của thơ ca.

2.3. Giá trị nội dung 

- Tác phẩm “Mấy ý nghĩ về thơ” nêu bật lên những quan niệm có chiều sâu và đầy tính mới mẻ về thơ ca, trong đó có những suy nghĩ, chia sẻ, đề xuất của tác giả có thể gọi là hết sức táo bạo trong hoàn cảnh năm 1949 lúc bấy giờ. 

+ Nguyễn Đình Thi khẳng định thơ chính là phương thức biểu đạt và là tiếng nói tâm hồn của con người. Nhưng tâm hồn đó phải có tư tưởng, tình cảm, nó biểu hiện thông qua từng câu văn, hình ảnh, ngôn ngữ, từng nhịp điệu, nhạc điệu. Đường đi của thơ đi thẳng vào tình cảm, nó đi từ trái tim người viết đến với trái tim người đọc không vòng vèo uẩn khúc. Văn xuôi có thể không hoàn hảo, nhưng thơ thì luôn đòi hỏi sự toàn diện về mọi mặt bởi nó là sự tổng hợp và kết tinh

+  Đối với tác giả, “chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ” mà thôi . Đây chính là sự phá cách đối với thơ truyền thống nhưng bên cạnh đó Nguyễn Đình Thi vẫn cho ta thấy sự quan tâm đến chất lượng thơ của ông.

- Đến ngày nay quan niệm, ý nghĩ về thơ của Nguyễn Đình Thi còn nguyên giá trị vì sự đúng đắn và mới mẻ trong nội dung tư tưởng cùng sự hấp dẫn trong nghệ thuật biểu đạt.

2.4. Giá trị nghệ thuật

Tác phẩm nghị luận về quan điểm về thơ ca được Nguyễn Đình Thi viết ra với những ý nghĩ sâu sắc tràn đầy sự mới mẻ, có ý nghĩa cách tân. Không chỉ vậy, bài luận còn được viết bằng một tư duy trong sáng, cách lập luận chặt chẽ và phong cách viết, cảm nhận tài hoa. Đồng thời thể hiện sự bản lĩnh và những trải nghiệm về thơ của tác giả. 

Thơ ca là một lĩnh vực khá trừu tượng, khó để nắm bắt và hiểu rõ nhưng với cách viết của Nguyễn Đình Thi lại rất cuốn hút tạo nên cảm giác dễ hiểu cho người đọc vào vấn đề để cùng trao đổi, đối thoại. 

Văn lí luận của Nguyễn Đình Thi luôn giàu hình ảnh chân thực, mang hơi thở của cuộc sống và tấm lòng của người viết: đó chính là những yếu tố quan trọng làm nên nét riêng và sức hấp dẫn của tác phẩm này.

 

PAS VUIHOC – GIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

3. Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ: Hướng dẫn trả lời câu hỏi

3.1. Câu 1 (Trang 60 SGK Ngữ Văn 12 tập 1)

“Nguyễn Đình Thi đã lý giải như thế nào về đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người?”

Để làm nổi bật và rõ nét những đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện từ tâm hồn con người, Nguyễn Đình Thi đưa ra rất nhiều những dẫn chứng cụ thể, thuyết phục để lí giải và phân tích rõ ràng mối quan hệ giữa thơ với tâm hồn con người:

- Thơ và con người luôn tác động qua lại

+  “Ta nói trời hôm nay nên thơ, nhưng thật ra là lòng chúng ta mong một nỗi niềm vui buồn nào mà muốn làm thơ, hoặc đọc thơ về trời xanh.”

+  “Làm một câu thơ yêu, tâm hồn ta cũng rung động như khi có người yêu trước mặt”.

+  “Thơ chính là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn ta khi đụng chạm với cuộc sống”.

+  Những lời thơ, câu thơ diễn lên “làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc”.

⇒ Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa thơ với tâm hồn con người luôn có sự tương tác qua lại lẫn nhau. Đặc điểm từng câu, lời thơ khẳng định đang diễn tả trạng thái, tâm hồn con người. → Thơ chính là phương thức để biểu đạt tâm tư tình cảm của con người..

- Thơ diễn tả tâm hồn con người.

+ “Thơ cũng chính là một thứ nhạc”, “Một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý”. Nói chung những cái đó chính là “của tâm hồn”.

+ “Nhịp điệu của thơ thật ra được hình thành từ chính những cảm xúc, những hình ảnh và trong khoảng im lặng cũng là nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động”.

⇒ Cuối cùng Nguyễn Đình Thi đi đến một kết luận rằng “đường đi của thơ là đi thẳng vào tình cảm”.  → Việc làm thơ tức là ta đang thể hiện sự rung cảm trong tâm hồn bằng những dấu hiệu nhận biết thay cho lời nói. Có thể nói thơ chính là phương thức để biểu hiện tâm tư tình cảm của con người.

3.2. Câu 2 (Trang 60 SGK Ngữ Văn 12 tập 1)

“Một số những yếu tố đặc trưng khác của thơ (hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, cái thực…) đã được Nguyễn Đình Thi đề cập như thế nào?”

- Ngoài việc thơ là sự biểu hiện tâm hồn của con người, thơ còn nhiều yếu tố đặc trưng cơ bản khác cũng được tác giả đề cập đến trong bài:

+ Hình ảnh thơ: là hình ảnh thực nẩy lên, xuất hiện trong tâm trí khi ta sống trong một cảnh huống hoặc ở trạng thái nào đó. Tác giả ví điều đó giống như “những tia lửa lóe lên khi búa đập vào sắt trên đe”, tất cả đều được thu lượm để tạo ra một chùm sáng.

+ Tư tưởng trong thơ: những tư tưởng trong thơ là tư tưởng luôn có sẵn và gắn liền trong cuộc sống. Và tư tưởng của nhà thơ nằm ngay trong cảm xúc và tình tự.

+ Cảm xúc trong thơ: Cảm xúc chính giống như phần xương phần thịt, nó hơn cả đời sống tâm hồn. Dù là cảm xúc tình tự nào bên trong con người cũng đều gắn liền với sự suy nghĩ”.

+ Cái thực trong thơ: đó là những hình ảnh sống động tạo ra sức hút, sự lôi cuốn và thuyết phục người đọc. “Đó là những hình ảnh chưa có vết nhòe của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước”.

3.3. Câu 3 (Trang 60 SGK Ngữ Văn 12 tập 1) 

“Ngôn ngữ của thơ có gì đặc biệt so với ngôn ngữ của các thể loại văn học khác. Nguyễn Đình Thi đã quan niệm thế nào về thơ tự do, thơ không vần?”

a. Sự đặc biệt ngôn ngữ của thơ so với ngôn ngữ của các thể loại văn học khác:

Ngôn ngữ thơ khác với ngôn ngữ của các thể loại văn học khác ở chỗ nó có nhịp điệu, có tính nhạc và ý ở ngoài lời “thi tại ngôn ngoại".

-  Ngôn ngữ thơ: có những nét khác biệt rõ rệt. Nó giàu cảm xúc, mang tính nhịp điệu, nhạc điệu. Đặc biệt là sự kết hợp giữa nhịp điệu là những thanh bổng thanh trầm, tiếng bằng tiếng trắc, cách ngắt câu ngắt đoạn, với nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, cảm xúc đã tạo nên sự ngân vang gây bồi hồi, xúc động trong tâm hồn con người.

-  Ngôn ngữ khác: trong truyện, ký chủ yếu là ngôn ngữ kể chuyện, còn trong tác phẩm kịch cũng đơn điệu với ngôn ngữ đối thoại.

b. Quan niệm về thơ tự do và thơ không vần được Nguyễn Đình Thi bày tỏ rõ ràng:

Trước tiên, tác giả thừa nhận ý nghĩa vai trò quan trọng và sức mạnh của nhịp, vần, luật thơ. Ông đã sử dụng thao tác lập luận bác bỏ với mục đích khẳng định không có nó những người làm thơ vẫn có thể thành công. "Theo tôi những luật lệ của thơ từ âm điệu đến vần đều là những vũ khí rất mạnh trong tay người làm thơ…”

Ông khẳng định không có vấn đề: “Tôi nghĩ rằng không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không vần"

Tác giả đưa ra định hướng cách hiểu về thơ: “Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên lo thơ đi vào hình thức này hay hình thức khác mà trước hết nên lo sao phải nói lên được những tình cảm tư tưởng mới của thời đại. Dùng bất cứ hình thức nào miễn là thơ diễn được đúng tâm hồn con người mới hiện nay.” → Đây chính là vấn đề cốt lõi và trọng tâm trong quan niệm về thơ của tác giả Nguyễn Đình Thi.  

⇒ Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi ngày nay vẫn giữ được nguyên giá trị. Điều đó cho thấy quan niệm của ông rất đúng đắn ngày càng tiến bộ và sát thực so với tình hình thơ ca thời đại.

3.4. Câu 4 (Trang 60 SGK Ngữ Văn 12 tập 1)

“Nêu rõ những tài hoa của Nguyễn Đình Thi trong nghệ thuật lập luận đưa dẫn chứng, sử dụng từ ngữ, hình ảnh… từ đó làm sáng tỏ từng vấn đề đặt ra.”

Những nét tài hoa của Nguyễn Đình Thi trong nghệ thuật lập luận, đưa ra dẫn chứng, sử dụng từ ngữ, hình ảnh qua tác phẩm Mấy ý nghĩ về thơ:

- Tác giả đã vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận phân tích, so sánh, bác bỏ, giải thích cùng với cách suy nghĩ logic.

- Sự kết hợp phong cách chính luận và trữ tình, nghị luận cùng các yếu tố tùy bút, lí luận gắn liền với thực tiễn.

- Hệ thống luận điểm đầy đủ rõ ràng, phương pháp lập luận chặt chẽ sắc sảo. Cách đưa ra những dẫn chứng tinh tế, độc đáo và đầy tính sát thực nhằm soi sáng cho luận điểm.

- Ngôn từ giàu có, ngữ pháp chọn lọc được vận dụng trong bài một cách sáng taoh và linh hoạt.

- Cách triển khai vấn đề rất chân thực, kết hợp nhiều hình ảnh độc đáo gợi lên nhiều liên tưởng.

3.5. Câu 5 (Trang 60 SGK Ngữ Văn 12 tập 1)

“Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi đối với ngày nay còn có giá trị không? Vì sao?”

Dẫu rằng đã cách đây hơn nửa thế kỉ, thế nhưng quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, lí do vì:

– Dù là ở thời đại nào đi chăng nữa, việc sáng tác và thưởng thức thơ ca là những hoạt động nghệ thuật không bao giờ có dấu hiệu ngừng nghỉ. Xã hội càng phát triển, con người càng có nhiều nhu cầu thể hiện tư tưởng của bản thân.

– Những luận điểm cơ bản trong tác phẩm vẫn còn giữ nguyên được giá trị dẫu rằng quan niệm về thơ ngày càng có thêm sự đổi mới về một số mặt thi pháp.

– Quan niệm về thơ của tác giả Nguyễn Đình Thi còn mang đến cho chúng ta bài học và ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng sáng tạo, cảm thụ và thưởng thức thơ ca.

Qua bài viết này, VUIHOC đã cung cấp cho các em chi tiết nội dung soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ - Nguyễn Đình Thi (Ngữ văn 12). Hi vọng bài viết rằng có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về thơ qua những quan điểm đúng đắn, khoa học của tác giả. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>>> Xem thêm: 

Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc 

Phân tích tác phẩm Mấy ý nghĩ về thơ

Banner afterpost tag lớp 12
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}
Hotline: 0987810990