img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội - Văn 11 Chân trời sáng tạo

Tác giả Hoàng Uyên 14:17 30/11/2023 100,975 Tag Lớp 11

Văn nghị luận về một vấn đề xã hội là một chủ đề thường gặp trong các kỳ thi học sinh giỏi, THPT Quốc gia hoặc những bài kiểm tra trên lớp. Bởi vậy, cùng VUIHOC soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội - Văn 11 Chân trời sáng tạo để nắm được những phần quan trọng cần có trong cách triển khai một bài văn nhé!

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội - Văn 11 Chân trời sáng tạo
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội  sách văn 11 chân trời sáng tạo: Ngữ liệu tham khảo 

1.1 Câu 1 trang 50 SGK 11/1 Chân trời sáng tạo 

Bài viết nói về vấn đề gì? Nhận xét của em về hệ thống những luận điểm, lí lẽ và bằng chứng ở trong văn bản.

Phương pháp giải:

Dựa vào nội dung của bài viết, cho biết bài viết nói về vấn đề gì. Sau đó đưa ra những nhận xét về hệ thống các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản.

Lời giải chi tiết:

Bài viết nói về tầm quan trọng của sự học phương pháp học.

Hệ thống những luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản được sắp xếp theo một trình tự hợp lí và phù hợp với một bài văn nghị luận. Luận điểm rõ ràng, chặt chẽ và thể hiện được quan điểm của người viết khi nói đến vấn đề. Các lí lẽ và bằng chứng rất thuyết phục, chính xác, thích hợp và đầy đủ để làm sáng tỏ được luận điểm.

1.2  Câu 2 trang 50 SGK 11/1 Chân trời sáng tạo 

Tóm tắt lại nội dung phần mở bài, thân bài và kết bài.

Phương pháp giải:

 Đọc văn bản sau đó tóm lược được ý nội dung ở phần mở bài, thân bài và kết bài.

Lời giải chi tiết:

Mở bài: Tất cả chúng ta đều học tập suốt đời trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên không phải ai cũng thành công, không phải do lười biếng, không đam mê mà do không tìm ra được cách học hiệu quả, cách thích ứng với các thay đổi của thế giới hiện đại. Vì thế việc học phương pháp học chính là chìa khóa thành công.

Thân bài: Học phương pháp học là học những kĩ năng và cách thức tiếp thu tri thức của nhân loại một cách hiệu quả và nhanh nhất. Việc học phương pháp học đóng vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ học phương pháp học có thể giúp con người thích nghi và hội nhập thế giới. Đồng thời học phương pháp học đúng đắn sẽ giúp cho việc học được hiệu quả và tiến bộ rõ rệt. Thêm vào đó, học phương pháp học một cách hợp lý sẽ trau dồi tri thức trọn đời.

Kết bài: Muốn thành công, mỗi chúng ta cần phải hình thành cho mình những phương pháp học sao cho hiệu quả và phù hợp với khả năng của bản thân, phù hợp với mỗi mục tiêu học tập cụ thể. Chúng ta cần phải chuẩn bị một tâm thế thật sự sẵn sàng đổi mới, tìm tòi và khám phá; ứng dụng những phương pháp học tập thật tích cực.

1.3  Câu 3 trang 50 SGK 11/1 Chân trời sáng tạo 

Bài viết đã sử dụng đến những cách thức nào để phần mở bài và kết bài trở nên ấn tượng?

Phương pháp giải:

Bám sát vào nội dung của bài viết, đặc biệt là phần mở bài và kết bài, tìm ra cách tạo ấn tượng cho người đọc mà tác giả đã sử dụng sau đó chỉ ra.

Lời giải chi tiết:

Phần mở bài và kết bài đã gây ấn tượng bằng cách đưa ra những nhận định của những người nổi tiếng vào nhằm dẫn dắt và đưa ra vấn đề trong bài viết nghị luận. Cách gây ấn tượng này giúp cho bài viết mang tính xác thực, chính xác, thuyết phục và đáng tin cậy hơn. Đồng thời những nhận định đó còn làm cho bài viết trở nên thu hút người đọc và biến bài nghị luận khô khan trở nên thú vị và hấp dẫn hơn rất nhiều.

1.4  Câu 4 trang 50 SGK 11/1 Chân trời sáng tạo 

Cách lập luận của tác giả khi trao đổi về những ý kiến trái chiều có gì cần lưu ý?

Phương pháp giải:

Đọc lại những ý kiến trái chiều thể hiện trong bài viết, nhận xét về cách lập luận của tác giả khi trao đổi có gì cần lưu ý.

Lời giải chi tiết:

Cách lập luận của tác giả khi trao đổi về những ý kiến trái chiều: tác giả nêu sự không đồng tính của mình với ý kiến theo quan điểm cá nhân. Tác giả không phản đối một cách gay gắt, mà sử dụng cụm từ “theo tôi”. Sau khi đưa ra quan điểm không đồng ý, tác giả cũng lí giải lí do tại sao không đồng tình. Cách đưa ra 1 ý kiến sau đó bàn luận về ý kiến ấy sẽ giúp cho bài viết nghị luận trở nên thuyết phục và có độ tin cậy cao hơn.

Đăng ký ngay khóa học PAS THPT để được thầy cô lên lộ trình ôn thi tốt nghiệp ngay từ bây giờ nhé!

2. Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội  sách văn 11 chân trời sáng tạo: Thực hành theo quy trình 

Câu lạc bộ Văn học của trường em tổ chức cuộc thi viết với chủ đề là Những góc nhìn cuộc sống. Hãy viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội mà em quan tâm để gửi bài tham gia cuộc thi.

2.1 Chuẩn bị viết

Xác định được đề tài:

- Để xác định được đề tài, em hãy ghi lại những vấn đề liên quan đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người mà em đã được biết qua sách vở hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, cùng có thể là những vấn đề xảy ra với bản thân và gia đình em. Từ đó, chọn ra một đề tài khiến mình trăn trở nhất rồi triển khai bài viết.

- Sau đây là một số đề tài có thể tham khảo:

+ Những tấm gương vượt khó để vươn lên trong quá trình học tập.

+ Học đại học có phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công?

+ Có phải nên luôn luôn theo đuổi đam mê?

Xác định về mục đích viết, đối tượng người đọc:

Bài viết được sử dụng để tham gia cuộc thi do một Câu lạc bộ Văn học tổ chức. Do vậy, ngoài mục đích thuyết phục cho người đọc về quan điểm và ý kiến của bản thân, bài viết còn cần phải đáp ứng những tiêu chí của cuộc thi. 

Đối tượng người đọc của em chính là ban giám khảo của cuộc thi, có thể là các thầy cô, chủ nhiệm câu lạc bộ hoặc khách mời… Những người đọc này mong chờ điều gì trong bài viết của em? Với mục đích viết cùng với đối tượng người đọc như vậy, cần chọn lựa cách viết như thế nào để phù hợp?

Thu thập tư liệu:

Sau khi chọn được đề tài, em hãy tìm những tài liệu liên quan tới vấn đề nghị luận tại thư viện hoặc trên sách báo và Internet. Việc này sẽ giúp em có được ý tưởng liên quan đến:

+ Những quan điểm thường gặp về một vấn đề

+ Những lí lẽ và bằng chứng cần chú ý.

+ Những quan điểm trái chiều.

+ Những điều chưa được nhắc đến, cần được bàn luận thêm.

2.2 Lập dàn ý 

Tìm ý:

Em có thể tìm được các ý thông qua trả lời những câu hỏi dưới đây:

+ Luận điểm của em về vấn đề đề tài này là gì? Với vấn đề cần phải bàn luận, em đồng tình hay phản đối.

+ Những lí lẽ và bằng chứng nào giúp làm sáng tỏ luận điểm?

+ Có những ý kiến trái chiều gì về vấn đề đó? Em sẽ phản biện những ý kiến đó như thế nào?

Lập dàn ý:

Em cần sắp xếp những ý vừa tìm ra được thành một dàn ý hoàn chỉnh và phải đảm bảo được yêu cầu về bố cục trong kiểu văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội, lựa chọn trình tự cho các luận điểm sao cho hợp lý. Chẳng hạn, nếu đặt luận điểm quan trọng lên phía trước, bài văn có thể sẽ thu hút được sự chú ý của người đọc; ngược lại, nếu đặt luận điểm quan trọng ra sau cùng, bài văn có thể sẽ để lại dư âm trong người đọc. Có thể dựa vào sơ đồ dưới đây:

Đề tài: ……………………………………………………………………………………….

Luận điểm 1: ……………………………………………………………………………….

Lí lẽ - bằng chứng: ………………………………………………………………….

Luận điểm 2: ……………………………………………………………………………….

Lí lẽ - bằng chứng: ………………………………………………………………….

Luận điểm 3: ……………………………………………………………………………….

Lí lẽ - bằng chứng: ………………………………………………………………….

Ý kiến trái chiều: …………………………………………………………………….

Phản biện của tôi: …………………………………………………………………….

Lưu ý khi viết bài:

+ Để bài văn có được sự mạch lạc và rõ ràng, cần có những câu văn làm rõ luận điểm và sử dụng những từ ngữ có chức năng chuyển ý.

+ Có thể sử dụng thêm trích dẫn và danh ngôn để làm tăng sức thuyết phục cho lí lẽ.

+ Đối thoại với người đọc, sử dụng hiệu quả kết hợp giữa những yếu tố thuyết minh, tự sự, miêu tả và biểu cảm để người đọc dễ dàng hình dung được vấn đề cần bàn luận, khơi gợi sự đồng cảm của người đọc. Lựa chọn ngôn ngữ sao cho phù hợp với người đọc và mục đích viết.

+ Để mở bài và kết bài gây ấn tượng, có thể sử dụng thêm một câu chuyện có ý nghĩa hay trích dẫn một danh ngôn hoặc sử dụng một hình ảnh để ví von, so sánh, cũng có thể đặt ra một câu hỏi nhằm khơi gợi trí tò mò của người đọc… Có thể lựa chọn cách viết mở bài và kết bài hô ứng nhằm tạo dư âm.

2.3 Bài viết tham khảo   

Bài tham khảo 1: Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê?

"Người ta hiếm khi thành công nếu không làm điều mình thấy vui thích" - Dale Carnegie. Quả thật, đam mê chính là thứ giúp tạo động lực và thúc đẩy con người không ngừng cố gắng vươn lên và tiến bộ. Thế nhưng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Một trong số đó chính là liệu lúc nào con người có lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê hay không.

Trước tiên, có thể hiểu rằng "đam mê" chính là điều mà bản thân yêu thích. Đó còn là cảm giác về sự mong muốn, khát khao có được hoặc làm được một việc, một điều gì đó. Việc theo đuổi đam mê cần cả một quá trình cố gắng, nỗ lực và có thể phải đánh đổi bằng rất nhiều yếu tố khác nhau trong cuộc sống. Chính vì vậy, điều đó dễ gặp phải sự ngăn cản từ phía gia đình và hoàn cảnh.

Chạy theo đam mê thực chất chính là mang lại rất nhiều ảnh hưởng tích cực đến con người. Đó là điều giúp mỗi cá nhân có được tư tưởng và tâm trạng vui vẻ, thoải mái hơn trong quá trình học tập và công việc. Điều này trái ngược hoàn toàn lại với khi ta làm một điều mình không hề yêu thích trong một trạng thái ép buộc, chống đối. Cũng nhờ đó, sự phát triển của con người cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Với niềm đam mê, ta sẽ có xu hướng làm việc nhiều hơn, tìm tòi sau đó khám phá sâu hơn nhằm có được tri thức và kinh nghiệm để giải quyết vấn đề. Đặc biệt, điều này còn giúp kích thích được tư duy sáng tạo của cá nhân, từ đó đem tới hiệu suất tối đa trong công việc. Nó cũng khiến cho việc thành công đến với ta nhanh chóng hơn. Đó là bởi ta sẽ đặt được mục tiêu và định hướng rõ ràng, cụ thể, có cho mình một động lực để không ngừng sự cố gắng. Đa số mọi người sẽ gắn sự đam mê cùng với tuổi trẻ - khoảng thời gian mà con người có nhiều đam mê, nhiệt huyết nhất. Giống như câu nói "Đam mê tái tạo thế giới cho tuổi trẻ. Nó khiến mọi thứ trở nên sống động và có ý nghĩa" của Ralph Waldo Emerson.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc theo đuổi đam mê cũng vướng phải rất nhiều trở ngại. Lấy ví dụ những người yêu thích âm nhạc và hội họa hay một vài ngành liên quan tới nghệ thuật. Khi trước, những ngành ấy thường bị coi là rất "khó kiếm tiền", "mơ mộng" hoặc thậm chí là "viển vông". Bởi vậy nên đa số bậc phụ huynh đều không muốn cho con cái đi theo. Họ sẽ hướng trẻ con tới những ngành "ổn định" hơn như công an, bác sĩ, giáo viên, kinh doanh,... Nhiều người khi đã trưởng thành rồi cũng nhận thức được sự khó khăn vì hoàn cảnh hoặc điều kiện tài chính, kinh tế cản bước niềm đam mê. Vậy nên hầu hết mọi người đều lựa chọn phương án "an toàn". Hay có những người mãi không tìm ra được đam mê, không biết mình thích gì hay muốn làm gì. Thậm chí còn có những trường hợp đuổi theo đam mê một cách mù quáng và thiếu thực tế, dẫn tới sự thất bại nặng nề.

Như vậy, chúng ta cần làm gì để có thể khắc phục được những khó khăn và loại bỏ được những định kiến bên trên? Điều quan trọng nhất chính là mỗi người phải tự tìm ra cho chính mình một đam mê, quyết tâm theo đuổi tới cùng và nỗ lực để biến ước mơ thành sự thật. Tuy nhiên, điều ấy cũng phải nhận nhiều sự suy xét. Hãy đặt đam mê của bản thân vào trong bối cảnh hiện thực xã hội ở nơi mình đang sinh sống. Từ đó, điều chỉnh nó để phù hợp nhất với điều kiện của cá nhân. Đã có rất nhiều những tấm gương thành công nhờ vào việc theo đuổi đam mê như anh Lê Minh Châu - một người họa sĩ khuyết tật đã vượt lên căn bệnh chất độc màu da cam, sử dụng miệng để vẽ tranh. Sự nỗ lực và quyết tâm của anh đã được đạo diễn người Mỹ Courtney Marsh chuyển thể thành một bộ phim có tên là "Chau beyond the Lines". Hay như một gương mặt có thể quen thuộc hơn với giới trẻ Việt Nam hiện tại - Châu Bùi. Khát vọng chinh phục làng thời trang đã giúp cô ấy góp mặt trong hàng loạt những sự kiện thời trang danh giá cả trong và ngoài nước. Đó đều là nhờ vào đam mê và sự dũng cảm, dám đối mặt và dám thử thách để nỗ lực không ngừng nghỉ của những con người vốn rất bé nhỏ.

Nhìn chung, việc theo đuổi đam mê chính là quyền lựa chọn của cá nhân. Nó có thể đem đến thành công, đem đến những ánh hào quang nhưng cũng có thể kéo theo những thất bại vô cùng đáng tiếc. Vậy nên chúng ta hãy cứ không ngừng cố gắng, phát triển bản thân và tạo nên tiền đề vững chắc để đam mê có thể được nở rộ.

Bài tham khảo 2: Tầm quan trọng của động cơ học tập

Động cơ trong việc học tập không chỉ thể hiện ở thái độ của người học mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và thành tích. Để có thể rèn luyện và phát triển bản thân về những động cơ trong quá trình học thì mỗi chúng ta cần phải làm gì?

Ngày nay, "động cơ học tập" không phải là khái niệm mới mẻ. Nhiều bạn học sinh thường chia sẻ rằng bản thân mình có động lực học là dựa vào ước mơ công việc. Như vậy, hiểu một cách đơn giản hơn thì động cơ học tập cũng chính là động lực học tập. Những yếu tố này được thúc đẩy và duy trì hướng đến một mục đích nào đó. Theo cách hiểu sâu rộng hơn thì động cơ học tập sẽ tạo ra những hành vi, nhằm kích thích người học hướng đến kết quả hoặc nhu cầu gì đó.

Có thể nói, động cơ học cũng mang vai trò vô cùng quan trọng. Nó giúp mỗi cá nhân xác định được rõ ràng phương hướng và mục tiêu học đúng đắn, từ đó dễ dàng đi tới ước mơ đã đặt ra. Có động lực, người học sẽ trở nên chủ động hơn trong việc tiếp cận hay lĩnh hội tri thức. Từ đó, họ ngày càng hăng say tìm tòi và khám phá chân trời tri thức cùng với tinh thần vô cùng thoải mái và tự nguyện. Ngoài ra, động cơ học còn giúp thúc đẩy mỗi người chăm chỉ rèn luyện nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Chúng ta từng thấy được rất nhiều những tấm gương sáng về việc có ý chí trong học tập. Khi đất nước bị kìm kẹp trong ách nô lệ của bọn thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi để tìm đường cứu nước chỉ với hai bàn tay trắng. Sống ở nơi đất khách quê người gặp nhiều khó khăn và vất vả, Người vẫn cần mẫn vừa học lại vừa làm. Cuối cùng, Người đã xác định ra con đường đúng đắn cho cách mạng, khai sinh ra đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945. Hay đó còn là rất nhiều các bạn trẻ với lý tưởng cao đẹp đang siêng năng trong học hành để xây dựng đất nước thêm giàu mạnh. Từng ngày từng giờ, họ ra sức để trau dồi và tích lũy bài vở. Họ luôn sẵn sàng hành động nhằm vươn đến hoài bão và ước mơ của bản thân.

Tuy động cơ học tập quan trọng đến vậy nhưng hiện nay, một số người không nhận ra được tầm quan trọng ấy. Vài bạn đi học vẫn trong tâm thế thụ động và bắt ép. Họ không thể tự xác định được cho bản thân một mục đích và phương hướng phù hợp. Số khác lại ở trạng thái vô cùng mơ hồ và hời hợt, không có chí tiến thủ mà chỉ học theo mong ước của người khác. Những trường hợp phía trên xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là vì người học không thể xác định được mục tiêu học nên mới chán nản và dễ bỏ cuộc. Hoặc tình trạng phụ huynh bắt ép con mình phải học theo ý của họ cũng là một nguyên do.

Không ai có thể học hộ hoặc học giúp người khác. Vì thế, mỗi người cần phải rèn luyện và bồi dưỡng động lực học tập sao cho phù hợp với chính mình. Để làm được điều này, trước hết, chúng ta cần phải xác định rõ phương hướng "đường đi, nước bước" trên con đường tích lũy tri thức nhân loại. Tiếp đến, trong quá trình học tập, nếu gặp khó khăn và thử thách, chúng ta đừng vội nản chí mà bỏ cuộc. Hãy suy nghĩ và tìm ra vấn đề sau đó tự giải quyết chúng. Đặc biệt, chúng ta phải luôn kiên định với lập trường ban đầu, không để những yếu tố bên ngoài tác động tới mà làm lung lay ý chí cũng như sự quyết tâm của bản thân.

Như vậy, động cơ học tập sở hữu sức mạnh nội tại vô cùng mạnh mẽ, vừa kích thích được tinh thần ham học, vừa duy trì được hứng thú mở rộng kho tàng kiến thức. Bởi vậy, mỗi người hãy tự đặt ra những động lực đúng đắn và xây dựng được kế hoạch cụ thể nhằm dễ dàng đạt được kết quả như mình mong muốn.

Sổ tay tổng hợp kiến thức môn Ngữ Văn giúp các em chinh phục điểm thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đánh giá năng lực!!!

Bài tham khảo 3: Nghị luận về thái độ thờ ơ

Giáo dục luôn luôn là vấn đề được con người cũng như toàn dư luận quan tâm đặt lên hàng đầu. Những năm gần đây, vấn đề về bạo lực học đường vẫn diễn ra hết sức phức tạp và phổ biến gây nhức nhối và cũng là mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình có con em đang trong giai đoạn cắp sách đến trường. Bạo lực học đường là việc mỗi bạn học sinh sử dụng những lời nói miệt thị và thô bỉ nhằm xúc phạm người khác; bên cạnh đó còn là việc các em sử dụng vũ lực nhằm thể hiện thái độ ghét bỏ và không vừa ý của mình đối với bạn bè.

Gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin truyền thông đã đưa tin về những vụ các em học sinh có những hành vi sử dụng vũ lực để đánh nhau, có nhiều trường hợp sử dụng vũ khí cũng như việc đánh nhau tập thể ở trong hoặc ngoài nhà trường tới mức công an phải vào cuộc. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở những bạn học sinh nam mà hiện nay xu hướng các bạn học sinh nữ đánh nhau cũng đang ngày một gia tăng ở mức độ khó lường. Nguyên nhân của hiện trạng đó đầu tiên phải nhắc tới ý thức chủ quan của những bạn học sinh còn kém và chưa có đủ nhận thức về những hậu quả gây ra từ bạo lực học đường.

Bên cạnh đó việc kiểm soát những hành vi của các bạn học sinh cũng chưa thực sự đúng đắn, chỉ vài lời nói có thể kích động và nổ ra cuộc bạo lực. Ngoài ra, tình trạng bạo lực học đường có thể do sự quản lý còn lỏng lẻo về phía gia đình và nhà trường, chưa định hướng được cho các em tư duy đúng đắn dẫn tới những hành động vô cùng lệch lạc. Bạo lực học đường hình thành nên thói hung hăng và tính cách không tốt ở người thực hiện hành vi bạo lực; gây ra tổn hại và ảnh hưởng về sức khỏe cũng như tâm lí cho người bị hành hung. Ngoài ra, nó còn tạo ra những hình ảnh xấu ảnh hưởng tới tương lai của các em học sinh, nhà trường và cả gia đình. Vấn đề bạo lực học đường sau này còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển trong nhân cách của các em học sinh, khiến cho các em dễ sa ngã và trở thành người xấu.

Từ những hậu quả khôn lường nói trên, mỗi học sinh chúng ta cần phải ý thức được tác hại của vấn nạn này, đồng thời hãy chung tay tuyên truyền và kêu gọi mọi người tẩy chay bạo lực ra khỏi phạm vi trường lớp; tích cực học tập và rèn luyện bản thân để trở thành một công dân tốt, công dân có ích cho xã hội. Tuổi trẻ là mầm non, là tương lai của một đất nước, chúng ta phải biết phấn đấu và trau dồi bản thân ngay từ ngày hôm nay để có thể cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho xã hội.

Bài tham khảo 4: Học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?

Trên con đường thành công sẽ không có dấu chân của những kẻ lười biếng, chính vì thế chỉ cần chúng ta thật sự chăm chỉ trên con đường học vấn cũng như công việc của bản thâm ắt hẳn chúng ta sẽ có được thành công. Chính vì thế có lẽ cánh cửa đại học không phải là con đường duy nhất để có thể lập nghiệp cho thanh niên.

Đại học là một cánh cửa tuyệt đẹp mở ra cho rất nhiều người, nhưng không phải ai cũng đều lựa chọn cho mình con đường vào đại học để có thể thành công, bởi như Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng từng nói rằng: “Học đại học phải trả giá bằng thời gian và sức lực”. Chính vì vậy không chỉ vào đại học mới giúp chúng ta có được thành công, có rất nhiều cách khác giúp chúng ta thành công mà không cần phải đi học đại học.

Đại học giúp cho chúng ta học hỏi và mở rộng vốn kiến thức mà người thầy vẫn luôn là người định hướng và giáo dục cho mỗi chúng ta, học đại học cũng có nhiều ưu thế hơn vì chúng ta có thể học được nhiều những kiến thức hay từ những chuyên ngành mà chúng ta đã lựa chọn. Tuy nhiên vào đại học và học một ngành nghề gì đó cuối cùng cũng để học nghề và sau đó ra để làm một công việc nào đó. Chính vì vậy có rất nhiều người đã lựa chọn con đường khác, không đi theo con đường học đại học.

Lập nghiệp là việc lựa chọn cho mình một con đường đi, con đường đó giúp chúng ta định hướng được những công việc ở trong tương lai, chính vì vậy việc lựa chọn cho mình một công việc và theo đuổi là việc làm vô cùng cần thiết, nó giúp cho chúng ta rất nhiều điều trong cuộc sống, một điều mà chúng ta có thể nhận thấy được đó là việc tự học và tự khởi nghiệp là quá trình mang đến cho chúng ta nhiều điều thật sự ý nghĩa.

Tự chủ trong những công việc của bản thân, mỗi cá nhân đều luôn phải cố gắng, bởi thanh niên phải luôn tích cực, chủ động và học tập thật tốt để có thể xứng đáng với những danh hiệu mà Đảng và nhà nước đã trao tặng. Thế hệ thanh niên là một tầng lớp thuộc tầng lớp mầm non của đất nước, chính vì thế mà việc học tập, tu dưỡng và rèn luyện bản thân là những việc làm rất cần thiết để mang đến nhiều bài học quý giá cho con người.

Đại học là một trong những con đường giúp mỗi chúng ta lập nghiệp, tuy nhiên nó không phải là một con đường duy nhất vì chúng ta cần phải xác định được hướng mà chúng ta muốn đi, việc mà chúng ta sắp làm, có như thế chúng ta mới cảm thấy được rằng cuộc đời của mình thật sự mang ý nghĩa rất lớn trong quá trình lựa chọn một hướng đi sao cho phù hợp. Mỗi chúng ta đều có thể thấy được tất cả những điều ấy thông qua những cách riêng, nó thể hiện những điều riêng tư, thầm kín nhất mà chúng ta đang có, mỗi người đều có cách lựa chọn riêng biệt, không ai có thể giống ai cả, chính vì thế việc xác định vào đại học cũng là một hướng đi tốt. Ở đó chúng ta có thể được mọi người định hướng giúp và nỗ lực học tập tốt hơn.

Nhưng cũng có thể lựa chọn cho bản thân một hướng đi riêng, nó thể hiện được cái nhìn mới mẻ và đầy táo bạo, cách thể hiện đó hợp tình, hợp lý, chọn lựa thật kỹ càng và ngày càng thể hiện được một hướng đi phù hợp với khả năng và con người của chính mình. Đại học là cách lựa chọn của đa số mọi người, nhiều người cũng đã vô cùng thành công bởi con đường mà mình lựa chọn, tuy nhiên có nhiều người cũng bỏ giữa đường, bởi đại học tốn rất nhiều thời gian, nó bắt con người cần phải đầu tư cả thời gian lẫn công sức của mình vào đó.

Thời gian và tiền bạc đủ làm cho con người ta có thể làm được rất nhiều điều, tuy nhiên việc lựa chọn cho mình một con đường đi riêng, việc lựa chọn con đường đi ấy sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều điều mà cuộc sống chúng ta đang gặp phải.

Đúng như có câu nói đã được viết như sau: “Không quan trọng mình đứng ở đâu mà quan trọng mình đi đâu”. Đây mới chính là hướng đi hoàn hảo và mang ý nghĩa to lớn với con người, cái riêng biệt là tạo ra cho con người sự bứt phá mới mẻ và hợp lý hơn, trong cách xử lý ấy, nó để cho con người có một cái nhìn riêng, mới lạ và tạo nên những điểm nhấn hoàn toàn độc đáo của mỗi người.

Thanh niên ngày nay không chỉ có lựa chọn con đường đại học thì mới có thể thành công được, trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều người đã lựa chọn cho mình hướng đi tự do, họ đi theo một con đường độc lập, mới lạ và ngày càng trở nên táo bạo hơn. Nhiều hình thức kinh doanh đã được mở rộng bằng cách học tập và ngày càng trở nên khéo léo và táo bạo hình thành nên cái riêng cho mỗi con người.

Mỗi chúng ta hãy lựa chọn cho bản thân một hướng đi sao cho phù hợp, có như vậy thì chúng ta mới cảm thấy được cuộc sống này vẫn tràn ngập những điều có ý nghĩa và những điều có giá trị to lớn. Đem lại cho chúng ta cái nhìn thật sự mới mẻ và toàn diện hơn.

 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

Vấn đề xã hội ngày càng nhiều và đa dạng, vậy nên Nghị luận về một vấn đề xã hội là chủ đề vô cùng quan trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia nói riêng và chương trình Ngữ Văn nói riêng. Vì thế, VUIHOC đã viết bài này để giúp các em tham khảo cách Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội - Ngữ Văn 11 Chân trời sáng tạo. Ngoài ra, để học về những phần kiến thức khác thuộc chương trình ngữ văn 11 hoặc tất cả các môn học khác, các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký ngay khoá học của VUIHOC để trải nghiệm học cùng các thầy cô nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 11
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}
Hotline: 0987810990