img

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học sách văn 10 kết nối tri thức

Tác giả Hoàng Uyên 09:58 29/12/2023 11,764 Tag Lớp 10

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học là một kỹ năng cần thiết, hỗ trợ cho học sinh kiến thức thi các kỳ thi môn Ngữ văn. Trong bài viết này, VUIHOC sẽ hướng dẫn cách Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học cùng trả lời những kiến thức có trong sách giáo khoa Kết nối tri thức 10 tập 2.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học sách văn 10 kết nối tri thức
Mục lục bài viết
1. Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học : Bài viết tham khảo
1.1 Câu 1 trang 63 SGK Văn 10/2 Kết nối tri thức
1.2 Câu 2 trang 63 SGK Văn 10/2 Kết nối tri thức
1.3 Câu 3 trang 63 SGK Văn 10/2 Kết nối tri thức
2. Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học: Thực hành viết
2.1 Đề 1: Nghị luận về tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
2.2 Đề 2: Nghị luận về bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử

1. Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học : Bài viết tham khảo 

1.1 Câu 1 trang 63 SGK Văn 10/2 Kết nối tri thức

Chủ đề của Chữ người tử tù đã được tác giả bài viết khái quát qua những câu nào?

Lời giải chi tiết:

Chủ đề của tác phẩm Chữ người tử tù đã được tác giả khái quát thông qua những câu:

- Chữ người tử tù xây dựng nên một thế giới tăm tối, nơi tù ngục trỗi dậy và bị kẻ tiểu nhân, những bản ngã độc ác làm chủ. Trong bức tranh u ám ấy, chỉ có ba đốm sáng lẻ loi hiện lên: Huấn Cao, viên quản ngục, và viên thơ lại. Họ là những cá nhân có tài năng, hiểu biết và biết trọng tài, mang theo nghĩa khí và ý thức về trọng nghĩa khí, hiện diện một cách đơn độc giữa bức tranh đầy u ám, đen tối của tù ngục.

- Ba đốm sáng cô đơn ấy cuối cùng cũng đã tụ lại, tạo thành một ngọn lửa ngùn ngụt rực sáng giữa nơi ngục tù – một cảnh tượng chưa từng có từ xưa nay.

- Cái đẹp, cái tài, sự trong sạch của tâm hồn đã tập hợp họ lại ở giữa cái nơi mà xưa nay chỉ có gian ác, thô bỉ và sự hôi hám.

>> Xem thêm: Soạn văn 10 kết nối tri thức

1.2 Câu 2 trang 63 SGK Văn 10/2 Kết nối tri thức

 Để tô đậm nên ý tưởng của bài viết, tác giả đã lựa chọn cách dẫn dắt như thế nào?

Lời giải chi tiết:

Để tô đậm thêm ý tưởng của bài viết, tác giả đã lựa chọn cách dẫn dắt gián tiếp vô cùng khéo léo, tinh tế.

- Tác giả đã tổng quan về thế giới sống của nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Thông qua cái nhìn này, ta cũng nhận thức được vai trò quan trọng của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề chung của tác phẩm. Sau bước giới thiệu về thế giới sống của nhân vật, tác giả tiếp tục đi sâu vào phân tích chủ đề của câu chuyện.

- Người viết cũng đã khẳng định sự nhìn nhận và sự chi phối của chủ đề đối với nhân vật, và rút ra được kết luận là khẳng định lại thêm ý nghĩa của chủ đề.

1.3 Câu 3 trang 63 SGK Văn 10/2 Kết nối tri thức

Ý nghĩa của chủ đề và nhân vật đã được khẳng định như thế nào qua bài viết?

Lời giải chi tiết:

Ý nghĩa của chủ đề và nhận vật đã được tác giả khẳng định là vô cùng quan trọng và chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau nhằm tạo nên sự hấp dẫn của mỗi tác phẩm, điều này được được thể hiện thông qua câu văn:

“Có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện hơn. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sáng trong hơn, Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương”.

Đăng ký ngay khóa học PAS THPT để được lên lộ trình ôn thi tốt nghiệp sớm nhất!

2. Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học: Thực hành viết

2.1 Đề 1: Nghị luận về tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn lớn trưởng thành trong thời kỳ toàn dân kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông nổi tiếng với những sáng tác tập trung vào cuộc sống và con người miền Nam Bộ trong cả hai cuộc chiến tranh và thời hòa bình. Trong số những tác phẩm xuất sắc của ông, "Chiếc lược ngà" được sáng tác vào năm 1966 là một trong những tác phẩm nổi bật. Tác phẩm này không chỉ là một bức tranh sinh động về cuộc sống trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, mà còn là một tác phẩm đậm chất nhân văn, với những tình cảm cha con sâu sắc, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả.

Trong tác phẩm, tình huống éo le được xây dựng khi ông Sáu, sau tám năm xa nhà tham gia kháng chiến, được nghỉ ba ngày phép để trở về thăm nhà và con gái yêu quý, bé Thu. Trước sự xúc động và tình cảm yêu mến của ông, bé Thu, sau tám năm xa cách, không nhận ra ông là cha. Ngày ông phải rời nhà để trở lại đơn vị là cũng chính là ngày bé Thu nhận ra ông là cha của mình. Tại đơn vị, ông Sáu dồn hết tình yêu, nỗi nhớ, và sự ân hận vào việc làm chiếc lược ngà để tặng cho con. Tuy nhiên, trước khi kịp trao nó, ông đã hy sinh trong một trận càn lớn do quân Mỹ tấn công. Từ tình huống truyện, tác phẩm tôn vinh và ngợi ca tình cảm cha con sâu sắc, đồng thời lên án tội ác tàn độc của chiến tranh.

Truyện xoay quanh vào hai nhân vật chính là bé Thu và ông Sáu, thông qua một tình huống truyện éo le, mỗi nhân vật trong truyền đều bộc lộ tính cách, phẩm chất của mình. Trước hết về nhân vật bé Thu, em là con gái của ông Sáu nhưng ngay từ nhỏ, bé Thu đã phải xa ba do người ba vào chiến trường. Sau tám năm xa cách, Thu được gặp lại người cha, những tưởng đó sẽ là cuộc đoàn viên với đầy niềm vui sướng, hạnh phúc, nhưng trái ngược với điều ấy, mặc cho ông Sáu mừng rỡ lao về phía em thì Thu vẫn dửng dưng, thậm chí còn hốt hoảng gọi “Má! Má!”. Những ngày sau đó, dù ông Sáu đã hết lòng chăm sóc nhưng bé Thu vẫn có sự lạnh nhạt, thậm chí xa lánh, ngang ngạnh và cự tuyệt ông Sáu. Dù cho ông đã làm hết cách nhưng bé Thu vẫn nhất quyết không gọi ông là ba. Những lúc gặp khó khăn, nguy cấp Thu cũng chỉ gọi trống không, khi không nhận được sự trợ giúp đỡ từ ông Sá thì nó cũng loay hoay tự làm một mình.

Trong bữa cơm, ông Sáu đưa cho Thu cái trứng cá, nhưng cô bé lại gạt nó ra, khiến ông Sáu tỏ ra tức giận và đánh bé. Không chịu chấp nhận việc bị trừng phạt, Thu quyết định rời đi về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã miêu tả chân thực và chính xác thái độ, hành động bất thường của bé Thu trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Trước những éo le và vết thương mà chiến tranh mang lại, Thu không hiểu và không chấp nhận ông Sáu là cha mình chỉ vì một vết thẹo trên khuôn mặt. Hành động cứng đầu của bé Thu không chỉ thể hiện tính bướng bỉnh mà còn là dấu hiệu của tình cảm yêu thương sâu sắc và thắm thiết mà Thu dành cho người cha của mình.

Bé Thu rất cứng đầu và chối từ sự ân cần của người cha bao nhiêu thì giây phút nhận ra cha cảm xúc của cô bé lại mãnh liệt, xúc động bấy nhiêu. Sau khi được nghe bà ngoại giải thích, bé Thu đã trở về nhà trong sáng ngày ông Sáu đã lên đường về đơn vị. Con bé đã có sự thay đổi hoàn toàn ở thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và tất cả mọi người, tiếng gọi ba thất thanh của Thu là tiếng gọi bị kìm nén suốt tám năm, tám năm chờ đợi tình yêu thương, đợi chờ ngày ba trở về. Không chỉ gọi, con bé còn lao nhanh tới, nhảy lên người ba và ôm hôn khắp cùng, hôn mặt, hôn má, và hôn cả lên trên vết thẹo dài trên mặt ba, vết thẹo xấu xí ấy đã khiến cho con bé bướng bỉnh không nhận ba. Thu đã ôm chặt anh, quàng cả chân vào người của anh Sáu, bởi nó sợ rằng nếu buông thì anh Sáu sẽ đi mất, cái ôm cái hôn ấy giống như đang muốn bày tỏ tất cả tình cảm Thu dành cho người cha. Trong khoảnh khắc đẹp đó, ai cũng như lặng cả người đi vì xúc động. Với lối miêu tả đầy chân thực, giàu cảm xúc tác giả Nguyễn Quang Sáng đã cho thấy được tình yêu thương đầy sâu nặng Thu dành cho ba, dù có những lúc đầy gan góc, bướng bỉnh nhưng em lại là người rất giàu tình cảm và cũng dễ xúc động.

Về phía ông Sáu, trong ba ngày nghỉ phép, ông Sáu đã dành trọn tình yêu thương cho đứa con gái bé bỏng của mình. Ngay khi thuyền chưa cập bến, ông nhanh chóng nhảy lên bờ và chạy về phía con, đôi bàn tay mở rộng đón đợi. Tuy nhiên, mong đợi của ông bị phủi bỏ khi bé Thu từ chối và lảng tránh. Điều này làm tổn thương ông khiến ông đau đớn và đôi tay ông buông lỏng ra như vỡ vụn. Khuôn mặt đầy đau thương của ông thật đáng thương, không biết làm thế nào để vượt qua khoảng cách thời gian và không gian giữa cha và con. Trong suốt ba ngày, ông không rời xa con, chỉ quanh quẩn bên cạnh, trao đầy tình yêu thương và ân cần, hy vọng rằng bé Thu sẽ thay đổi. Trước tính cứng đầu của con, ông chỉ lắc đầu nhẹ mà không trách móc. Đến khi ông gắp thức ăn cho con và bị nó từ chối, ông chợt nhận ra mức độ đau đớn đã tích tụ từ khi ông đánh bé Thu, điều này khiến ông hối hận rất nhiều. Khoảnh khắc hạnh phúc và đau lòng nhất của ông là khi nghe tiếng gọi ba từ con, nhưng cũng là lúc phải chia tay con để trở về đơn vị quân đội.

Một người lính có sự từng trải, gan góc ở trên chiến trường nhưng lại khóc bởi tiếng gọi đầy thân thương của con gái. Những giọt nước mắt không thể kiềm chế được, cứ thế trực trào ra. Trong những ngày tiếp theo ở chiến trường ông đã rất ân hận vì đã đánh con, không quên lời hứa, ông Sáu đã dồn tâm huyết của mình vào làm chiếc lược ngà. Ông chăm chút, tỉ mẩn mài từng chiếc răng lược sau cho thật nhẵn bóng. Thậm chí, cái chết cũng không thể cướp đi được tình yêu thương con vô bờ bến của ông Sáu. Vết thương nặng ở trong một trận càn của quân Mỹ đã khiến ông kiệt sức, không trăng trối được điều gì nhưng ông vẫn cố gắng dồn hết tàn lực móc cây lược rồi trao cho đồng đội và gửi gắm đồng đội mình thông qua ánh mắt đầy yêu thương. Cây lược ấy đã được người đồng đội của ông trao lại cho bé Thu. Tình cha con này đã không chết, nâng đỡ cho cô bé trưởng thành, vượt lên mọi đau thương và mất mát. Ông Sáu chính là biểu tượng cho tình yêu thương, sự ân cần và che chở của người cha dành cho người con mình. Qua đó ta cũng thấy được sự bất tử của thứ tình cảm cha con ở trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt.

Tác phẩm đã khéo léo xây dựng tình huống truyện độc đáo và bất ngờ, từ đó tinh tế thể hiện chủ đề của tác phẩm và phân tích tâm lí nhân vật một cách sâu sắc, phù hợp với lứa tuổi của Nguyễn Quang Sáng. Lối kể chuyện chân thực, tự nhiên, và giàu cảm xúc cùng với hình ảnh giản dị, nhưng giàu ý nghĩa, biểu tượng của truyện ngắn, đã kết tinh trong hình tượng chiếc lược ngà.

Chiếc lược ngà, được mô tả một cách tinh tế, trở thành biểu tượng của tình cha con sâu nặng giữa bé Thu và ông Sáu. Từ đó, tác giả không chỉ thành công trong việc tái hiện bức tranh về tình cảm gia đình mà còn làm nổi bật sự tàn bạo của chiến tranh. Tác phẩm không chỉ là một câu chuyện về những bi kịch và tình cảm đẹp đẽ trong thời chiến, mà còn là một ca ngợi cho tình cảm phụ tử thiêng liêng giữa ông Sáu và bé Thu trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt.

Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là tấm gương sáng về tài năng và tâm huyết của nhà văn, thể hiện sự nhạy bén trong việc nắm bắt tâm trạng con người và khám phá những chiều sâu của tâm hồn.

Đăng ký ngay với VUIHOC để sở hữu cuốn sổ tay Ngữ Văn tổng hợp kiến thức và các tips học văn cực kỳ thú vị!

2.2 Đề 2: Nghị luận về bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử

Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn đã từng đánh giá: “Thơ Hàn Mặc Tử là giọng thơ vang lên từ sự hủy diệt để hướng về sự sống”. Đúng như lời nhận định này, khi đọc những bài thơ của Hàn Mặc Tử, chúng ta luôn cảm nhận được tấm lòng khao khát yêu đời và sự khao khát sống. Một trong những tác phẩm tiêu biểu là bài thơ “Mùa xuân chín”. Bài thơ này được rút từ tập “Đau thương” (1938), được coi là “tiếng thơ thuần túy nhất của Hàn Mặc Tử”, vừa trong trẻo, vừa ẩn chứa những điều đau thương."Mùa xuân chín" không chỉ là một tác phẩm thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử mà còn là biểu tượng của sự trong trắng và nỗi đau thương tinh tế. Bằng cách này, nhà thơ đã truyền đạt tâm huyết và niềm tin tích cực trong bối cảnh đau khổ, làm cho thơ của ông trở nên đặc sắc và lôi cuốn độc giả.

“Mùa xuân chín” đã gây ấn tượng với những độc giả bởi chính từ nhan đề của nó. Bởi lẽ, đọc thơ của Hàn Mặc Tử, chúng ta luôn thấy được một sự u huyền, mơ mộng, kì bí, có chút đượm buồn và đau thương với những hình ảnh đặc trưng như “máu”, “trăng” và “rượu”. Thế nhưng, “mùa xuân chín” lại mang đến ta một cảm giác hoàn toàn mói mẻ, một không gian tràn đầy của sức sống của cảnh xuân và tình xuân. “Chín” vốn là tính từ để chỉ một trạng thái của quả cây khi đã đến giai đoạn có thể thu hoạch, ngọt ngào, căng mọng và thơm mát. Với ý nghĩa đó, Hàn Mặc Tử đã tạo nên một “mùa xuân chín” – một mùa xuân với đặc điểm tràn đầy sức sống, viên mãn và tròn đầy. Mùa xuân cũng đang ở độ tươi đẹp nhất, rạng rỡ nhất, căng tràn sức  sống nhất. 

Mạch thơ là luồng tâm tư trong thơ của Hàn Mặc Tử như một dòng suối tưng bừng, không ngừng chuyển đổi qua những kênh bất chợt. Trong thời gian mà tác giả đắm chìm trong khoảnh khắc hiện tại với vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân, bất ngờ, ông nhớ về quá khứ xa xôi, hình ảnh những làng quê thân thương nồng nàn. Chuyển động của cảnh sắc từ bên ngoài - ngoại cảnh (như mái nhà tranh, giàn thiên lý, sóng cỏ xanh tươi) bỗng chốc trở thành một tâm cảnh (người con gái đánh thóc dọc bờ sông trắng). Sự biến đổi này không chỉ tạo ra sự động lực cho bức tranh xuân mà còn làm tăng sự chất phác và sâu sắc của nó. Qua cảm xúc, Hàn Mặc Tử đã chia sẻ dòng tâm tư của mình với nhiều bước nhảy: từ niềm say mê, sôi động đến trạng thái bâng khuâng, xao xuyến và rồi buồn thương đến tận cùng. Mạch thơ không tuân theo một hướng cố định mà luôn linh hoạt và phong phú, là đặc trưng của phong cách thơ độc đáo của Hàn Mặc Tử.

Mở đầu của bài thơ hiện lên là bức tranh về thiên nhiên tươi mới, ngập tràn ánh sáng và ngập tràn sắc xuân: 

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan

  Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

  Sột soạt gió trêu tà áo biếc

  Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”.

Thiên nhiên mùa xuân đã hiện ra ngập tràn ánh vàng của nắng hoà cùng trong làn sương khói mờ ảo, huyền bí. Cách kết hợp từ của tác giả “khói mơ tan” khiến cho ta hình dung về những làn khói sương như đang hoà tan vào trong ánh nắng tạo nên một khung cảnh đẹp như trong mơ. Sắc vàng của nắng ngày càng trở nên rực rỡ qua hình ảnh “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Trong khung cảnh thanh bình, yên ả ấy chợt nhà thơ đã bắt gặp một tiếng “sột soạt” của “gió trêu tà áo biếc”. Biện pháp đảo ngữ và nhân hoá đã được nhà thơ sử dụng trong tác phẩm một cách tài tình. “Sột soạt” được đảo lên đầu câu cũng nhằm nhấn mạnh sự chuyển động của cảnh vật. Gió giống như đang trêu đùa cùng với tà áo biếc đón xuân sang, khiến cho không khí mùa xuân càng thêm trở nên sôi động, vui tươi, đầy hứng khởi. Từ mái nhà tranh, nhà thơ đã di chuyển điểm nhìn đến “giàn thiên lí”. Dấu chấm đặt ngay ở giữa câu thơ giống như một sự ngập ngừng, ngắt quãng. Bởi đó chính là khoảnh khắc một thi nhân giật mình nhận ra được “bóng xuân sang”. Mùa xuân cũng được hữu hình hoá, có thể quan sát thấy bằng thị giác. Bóng của mùa xuân đang nhẹ nhàng bước tới như thể nó đang đứng ngay trước mặt nhà thơ, khiến cho con người ngỡ ngàng mà phải chiêm ngưỡng cái sắc xuân tươi đẹp lúc ấy.

Từ góc nhìn cận cảnh, Hàn Mặc Tử mở rộng tầm nhìn với một khung cảnh viễn cảnh muôn màu. Không gian của mùa xuân được mô tả như một bức tranh rộng lớn, với "cỏ xanh tươi gần tới trời" mở ra như là một dải sóng mênh mông. "Sóng" được kết hợp với thảm cỏ xanh mướt, tạo nên hình ảnh của các lớp cỏ nối tiếp nhau, lan tỏa vô tận, sức sống như đang bùng nổ mạnh mẽ. Ý thơ này gợi lại hình ảnh từ câu thơ trong "Cảnh ngày xuân" của Nguyễn Du: "Cỏ non xanh tận chân trời." Sự diễn đạt này về không gian mùa xuân với thảm cỏ xanh mướt trải dài bất tận, nhưng điều độc đáo của Hàn Mặc Tử là cách ông mô tả "sóng cỏ," tạo nên một sự chuyển động mượt mà, nhẹ nhàng của những lớp cỏ xuân. Có lẽ, sức sống cuộn trào từ bên trong, tạo ra những đợt sóng và kết hợp để tạo nên một "mùa xuân chín" đặc sắc!

Đang từ cảnh thu, Hàn Mạc Tử bỗng chuyển sang tình thu, bức tranh ngoại cảnh bỗng trở về với bức tranh tâm cảnh. Phải chăng, nhà thơ cũng đã dùng cảnh mở đầu là để nói tình, tả tình? Một cái tình đầy nồng hậu, thiết tha giữa con người và cuộc đời. Hoà cùng với một không khí tươi vui của mùa xuân, ta cũng thấy được cái náo nức từ trong lòng người:

“Bao cô thôn nữ hát trên đồi

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”

Thuật ngữ 'Xuân xanh' được sử dụng như một hiểu biết ẩn dụ để mô tả những cô gái trẻ trung, tươi mới và xinh đẹp. Tuổi xuân của họ rực rỡ như mùa xuân trên trời đất. Niềm vui của những cô gái thôn nữ trong bầu không khí xuân tươi là tình xuân. Ánh nắng mặt trời có lẽ chính là ánh sáng hồng của đôi má của những cô gái khi họ "theo chồng bỏ cuộc chơi". Hạnh phúc của họ là tình yêu đôi lứa, là sự kết nối trong hôn nhân kéo dài đến già. "Mùa xuân chín" không chỉ là thời tiết xuân mà còn là tình xuân. Từ "chín" trong tình yêu chính là kết quả của sự hiểu biết và hòa hợp giữa vợ và chồng. Niềm hạnh phúc của những cô gái đã được thể hiện trong “tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi”. Hàn Mặc Tử cũng đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác vô cùng tài tình. “Tiếng ca” vốn được cảm nhận bằng giác quan thính giác, nay đã được hữu hình hóa trong trạng thái “vắt vẻo”, như cảm nhận được bằng thị giác. Tiếng hát ca say sưa của những con người giống như có sức hút, cao vút đến lưng chừng núi thể hiện một niềm thiết tha yêu đời rất mãnh liệt. Dư âm của tiếng hát dường như vẫn còn ngập ngừng mà “vắt vẻo lưng chừng núi” tạo nên một thứ âm thanh vang vọng khắp trong không gian. Xuân tình từ thiên nhiên lan vào và giao ứng với xuân tình ở trong lòng người, cả hai đã hòa nhập vào nhau ở trong cùng một tiếng hát. Là tiếng hát của những cô thôn nữ mà cũng chính là tiếng hát của nước mây. Thiên nhiên và con người cùng đồng ca, đồng vọng hay tiếng hát ở trong lòng thiên nhiên cũng như đang cất lên thông qua lời hát của con người. 

Từ những âm thanh cao vút, hổn hển như lời của nước mây bỗng dần trở thành những lời thầm thì có chút nhỏ bé:

“Thầm thì với ai ngồi dưới trúc

  Nghe ra ý vị và thơ ngây”

Câu thơ đã phảng phất tính tượng trưng, siêu thực ở trong thơ của Hàn Mạc Tử. Đại từ “ai” đã xuất hiện như “bóng ai đậu bến sông trăng đó” (Đây thôn Vĩ Dạ) một cách đầy bí ẩn. “Tiếng ca” vốn vang xa ở khắp núi rừng nhưng nay thu lại và chỉ dành cho “ai”. Đó có thể là người thương, cũng có thể là với chính bản thân của mình. Để rồi, khi tâm tình, sẻ chia, con người cũng có thể lắng nghe được những “ý vị và thơ ngây” ở trong lòng mình. Tuy nhiên, câu thơ cũng mang theo một nỗi buồn, niềm nuối tiếc của chàng người thi sĩ trước “mùa xuân chín”. Bởi “xuân chín” rồi cũng chính là lúc “xuân tàn”, cái đẹp mấy rồi cũng đến lúc tàn phai. “Đám xuân xanh ấy” rồi cũng sẽ “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Tuổi xuân đầy tươi đẹp của người thiếu nữ rồi cũng sẽ đến điểm kết. Ta thấy dâng lên ở trong lòng nhà thơ là một nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến, dường như muốn níu giữ cái hương sắc tươi đẹp của cuộc đời. Để rồi, kết thúc bài thơ, Hàn Mặc Tử đã hoá thân trong một người “khách xa”, và đã bày tỏ nên nỗi nhớ nhung của mình:

“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. 

Trước "mùa xuân chín", trái tim của "khách xa" bỗng trào dâng nỗi nhớ về làng quê thân thương. Nhớ ánh nắng ửng, nhớ những mái nhà tranh, nhớ tà áo biếc và nhớ cả giàn thiên lý. Đó là một không gian làng quê mộc mạc, giản dị, gần gũi và tràn ngập nghĩa tình. Trong không gian ấy, hình ảnh người chị chịu gánh thóc trở thành trung tâm của nỗi nhớ. "Chị ấy" là một cách diễn đạt tưởng bày. Đó có thể là một người lao động bình thường trong làng quê của tác giả, cũng có thể là một người thân quen gần gũi, hoặc đơn giản là cô người yêu của thi nhân. Thế nhưng, cho dù có hiểu theo cách nào, ta cũng sẽ thấy một niềm yêu quý và trân trọng của Hàn Mặc Tử đối với “chị”. Người con gái đã xuất hiện ở trong nét đẹp lao động với tư thế đang gánh thóc, hoà cùng với ánh nắng vàng bên trên bờ sông trắng. Một khung cảnh hiện lên đầy thơ mộng và lãng mạn biết bao! Ta có thể thấy được rằng ánh nắng xuân lúc này càng trở nên long lanh và lấp lánh hơn nhiều ở trong dòng hồi tưởng của một người khách xa quê. 

Như vậy, bài thơ “Mùa xuân chín” của tác giả Hàn Mặc Tử có những sự hài hoà của sắc xuân, tình xuân. Không chỉ đơn thuần một mùa xuân chín mà lòng người cũng đã “chín” cùng với khát khao giao cảm với cuộc đời, “chín” ở trong tình yêu và nỗi nhớ. Một nét đặc trưng và tiêu biểu đã làm nên sự độc đáo của bài thơ “Mùa xuân chín” cũng như nổi bật được ngòi bút tài hoa của Hàn Mặc Tử chính là sự kết hợp vô cùng tài tình giữa những cái cổ điển và cái hiện đại. Trước hết, ta đã bắt gặp thơ Hàn Mặc Tử có những điểm giao thoa tinh tế với thể thơ Đường luật, tạo nên một nét thơ có phảng phất đâu đó chút phong vị cổ điển, trang trọng. “Mùa xuân chín” đã được sáng tác theo thể thơ bảy chữ, cách ngắt nhịp 4/3. Thất ngôn và ngắt nhịp 4/3 là một đặc trưng tiêu biểu của thể thơ Đường luật. Ngoài ra, cách gieo vần ở cuối những câu thơ 1, 2, 4 cũng là một cách tác giả giao thoa với thể thơ Đường luật. Đó là những yếu tố góp phần làm nên phong vị cổ điển trong thơ Hàn Mặc Tử. Về tính hiện đại, thi sĩ họ Hàn là người chịu khá nhiều ảnh hưởng của một chủ nghĩa là chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực. Một trong những đặc điểm tiêu biểu của thơ tượng trưng siêu thực đó là tạo nên những hình ảnh huyền bí, kỳ bí, thậm chí là ma mị bằng những kết hợp từ mới, độc đáo thông qua nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Nét bút của Hàn Mặc Tử đã đạt đến trình độ tinh tế trong việc sáng tạo những kết hợp từ ngữ mới: "mùa xuân chín," "bóng xuân sang," "đám xuân xanh," "tiếng ca vắt vẻo," nghe ra ý vị và thơ ngây. Tất cả những gì trừu tượng, không thể cảm nhận bằng mắt thường đã được nhà thơ hóa hình một cách tài năng, độc đáo. Những nét thơ mới lạ tạo nên tính hiện đại rất riêng trong thơ Hàn Mặc Tử. Hoà cùng với dòng phát triển của Thơ mới trong thời bấy giờ, thơ Hàn Mặc Tử đã tạo ra một lối rẽ riêng - tinh tế, độc đáo và mới lạ. 

Thơ của Hàn Mặc Tử đã bộc lộ một thế giới với nội tâm mãnh liệt cùng với những cung bậc cảm xúc đã được đẩy đến tột cùng. Đọc tác phẩm “Mùa xuân chín”, ta cũng nhận thấy Hàn Mặc Tử đã mượn một bức tranh xuân đầy tươi đẹp, rạo rực, tràn đầy sức sống để bày có thể tỏ cái “xuân chín” ở trong lòng người. “Chín” ở trong tình thương, “chín” từ trong nỗi nhớ về những con người, cuộc đời và quê hương. Nổi bật hơn hết đó chính là một tấm lòng khát khao mãnh liệt được giao cảm với cuộc đời, trân trọng những cái đẹp và ý thức nâng niu, giữ gìn những điều tinh tuý, đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Khao khát ấy cũng trở thành sợi chỉ xuyên suốt ở trong toàn bộ những sáng tác của Hàn Mặc Tử, tạo nên một giá trị nhân văn sâu sắc, để tư tưởng trong những dòng thơ vẫn sẽ còn âm vang mãi cho đến ngày nay. 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NH N HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

Qua bài viết này, VUIHOC đã cung cấp cho các em chi tiết soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học sách Kết nối tri thức 10 tập 2. Hi vọng rằng những gợi ý, hướng dẫn của bài soạn có thể giúp các em nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức. Để học nhiều hơn các kiến thức của những môn học khác thì các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khóa học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner afterpost lớp 10
4 | 3 đánh giá
Hotline: 0987810990