img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi | Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo

Tác giả Hoàng Uyên 09:34 29/02/2024 13,412 Tag Lớp 8

Viết bài văn kể lại một chuyến đi là nhiệm vụ quan trọng giúp học sinh lớp 8 rèn luyện kỹ năng miêu tả, biểu cảm, kể chuyện,... đồng thời thể hiện quan điểm, cảm nhận của bản thân về chuyến đi. Hãy cùng VUIHOC theo dõi Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi | Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo dưới đây để hiểu hơn về bài học này.

Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi | Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi: Hướng dẫn phân tích văn bản

1.1 Câu 1 trang 94 SGK văn 8/2 Chân trời sáng tạo:

“Đoạn mở bài, kết bài trong văn bản trên đã đáp ứng yêu cầu của kiểu bài kể lại một chuyến đi như thế nào?”

Trả lời:

- Bài văn trên kể lại chuyến về thăm khu Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri:

+ Mở bài: giới thiệu và nêu lên cảm nhận chung của người viết về chuyến đi.

+ Kết bài: nêu lên cảm nhận sâu sắc và ý nghĩa của chuyến đi.

⇒ Như vậy, đoạn mở bài và kết bài trong văn bản đã đáp ứng được yêu cầu của kiểu bài kể lại một chuyến đi.

1.2 Câu 2 trang 94 SGK văn 8/2 Chân trời sáng tạo:

“Liệt kê các sự việc được kể, xác định sự việc chính và trình tự kể về các sự việc trong phần thân bài.”

Trả lời:

Sự việc chính trong phần thân bài: Địa điểm đến là khu Di tích lịch sử Mộ và khu tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

Các sự việc được kể trong phần thân bài:

- Các hoạt động trên xe khi di chuyển về điểm tham quan.

- Hoạt động tham quan khu đền thờ cũ.

- Hoạt động tham quan khu đền thờ mới; ngắm tượng cụ Đồ Chiểu; nghe lời giới thiệu, thuyết minh về cuộc đời cụ.

- Tham quan một số điểm khác ở khu lăng mộ, khu tưởng niệm rồi lên xe quay trở về. 

⇒ Các sự việc nêu trên được kể theo trình tự thời gian, sự việc gì diễn ra trước kể trước và cũng là theo diễn biến của chuyến đi.

>> Xem thêm: Soạn văn 8 Chân trời sáng tạo

1.3 Câu 3 trang 95 SGK văn 8/2 Chân trời sáng tạo:

“Tìm một số câu văn, từ ngữ trong văn bản cho thấy người viết đã kết hợp kể với miêu tả, biểu cảm. Việc kết hợp các yếu lỗi đó có tác dụng gì?”

Trả lời:

Một số câu văn và từ ngữ ở trong văn bản cho thấy người viết đã kết hợp kể cùng với miêu tả, biểu cảm là:

– Ví dụ: Kết hợp kể với miêu tả (các cụm từ in đậm):

+ “Ba chiếc xe du lịch chở hơn một trăm học sinh của trường từ từ lăn bánh, rồi tăng tốc, bon bon chạy về Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre”.

+ “Đó là một khu nhà kiên cố dựng theo hình tròn thoáng đãng, mái ngói màu xanh, nền lát gạch bóng, rất khang trang, trên các cửa ra vào và trần nhà trang trí hình hoa sen, cuốn thư, ngòi bút, hoa lá, hay trống đồng…”

– Ví dụ: Kết hợp kể, miêu tả với biểu cảm (các cụm từ in đậm):

+ “Giọng cô thật truyền cảm, vừa trong trẻo vừa ấm áp, nhất là khi cô đọc thơ cụ”...

+ “Trên đường về, tôi cứ nghĩ miên man với câu hỏi: Trong hoàn cảnh khó khăn như cụ Đồ, liệu có mấy người vẫn có thể sống có ích, vẫn đấu tranh và làm việc nghĩa được như cụ...? Càng nghĩ, tôi càng khâm phục tấm lòng yêu nước, thương dân, cốt cách bình đi, gần gũi, nghị lực phi thường và những gì mà cụ Đồ Chiểu đã làm được cho đời”.

⇒Tác dụng của việc kết hợp các yếu tố trên là để phát huy ưu thế của nhiều loại yếu tố, từ đó làm cho chuyến đi trở nên sinh động hơn, lời văn vừa sáng rõ (qua việc kể lại diễn biến sự việc), vừa gợi tả (qua sự miêu tả) và truyền cảm (qua biểu cảm).

1.4 Câu 4 trang 95 SGK văn 8/2 Chân trời sáng tạo:

“Theo người viết, ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi là gì? Ý nghĩa đó được thể hiện trong bài viết bằng cách nào? Việc sử dụng ngôi thứ nhất để kể lại chuyến đi có tác dụng gì trong việc thể hiện ý nghĩa đó?”

Trả lời:

- Theo người viết, ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi chính là: thể hiện thái độ khâm phục với cụ Nguyễn Đình Chiểu và cốt cách thanh cao đáng học tập của cụ.

- Ý nghĩa đó đã được thể hiện trong bài viết bằng cách: tác giả đã đưa ra những câu văn khẳng định cùng dẫn chứng cụ thể.

- Việc sử dụng ngôi thứ nhất để thuật lại chuyến đi có tác dụng: giúp cho bài viết chân thực hơn, đó là cảm xúc thật của người viết khi trực tiếp chứng kiến, trải qua.

1.5 Câu 5 trang 95 SGK văn 8/2 Chân trời sáng tạo:

“Từ bài viết trên, em rút ra được lưu ý gì khi viết bài văn kể lại một chuyến đi?”

Trả lời:

- Từ bài viết trên, em đã rút ra được lưu ý khi viết bài văn kể lại một chuyến đi là:

+ Cần phải biết sắp xếp sự việc theo trình tự thời gian.

+ Thuật lại được diễn biến của chuyển đi cũng như các sự việc quan trọng trong chuyến đi.

+ Tạo được điểm nhấn để tránh dài dòng, dàn trải.

+ Kết hợp một cách tự nhiên các yếu tố miêu tả, biểu cảm....

2.  Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi: Hướng dẫn viết

Đề bài: Viết bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc (bài viết có sử dụng yếu tố miêu tả hay biểu cảm hoặc kết hợp cả hai yếu tố ấy).

2.1 Lập dàn ý

A. Mở bài:

- Giới thiệu qua về chuyến đi: đi đâu, khi nào, cùng ai, mục đích gì.

- Nêu lên ấn tượng và cảm nhận ban đầu về chuyến đi

B. Thân bài

- Thuật lại quá trình diễn ra chuyến đi (thời gian, địa điểm, diễn biến, hoạt động, cảm xúc,...); kết hợp tự sự với miêu tả.

- Những hoạt động diễn ra lúc khởi hành và trên đường đi.

- Những hoạt động diễn ra tại điểm đến của chuyến đi (khung cảnh thiên nhiên xung quanh, sinh hoạt; cảnh hội ngộ và những cảm xúc của bản thân với nơi đến).

- Một vài hoạt động diễn ra trên đường trở về.

C. Kết bài

- Khẳng định lại tình cảm hay suy nghĩ sâu sắc của bản thân qua chuyến đi ấn tượng ấy.

- Nêu cảm nhận chung hay bài học sau chuyến đi

2.2 Thực hành viết 

Mùa hè năm nay, nhân dịp kỉ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, cơ quan bố tôi đã tổ chức một chuyến du lịch xuyên Việt. Điểm đến là Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã từng được coi là hòn ngọc Viễn Đông, hiện là thành phố trực thuộc trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của đất nước Việt Nam ta. Gia đình tôi được xuất đi cùng với bố.

Cho đến bây giờ, kỉ niệm về chuyến đi tham quan đó vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức của tôi. Chuyến đi vô cùng thú vị. Ngày đầu tiên đặt chân đến nơi đây, cả đoàn đã đến khu du lịch Suối Tiên, Thảo Cầm Viên, khách sạn Ca-ra-ven – nơi đã diễn ra những trận đánh lừng danh của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn,… Đặc biệt nhất chính là được tham quan di tích Dinh Độc lập, đây là một di tích lịch sử nổi tiếng của đất nước, kể từ ngày giải phóng miền Nam 30 – 4 – 1975. Trong suốt hành trình, tâm trạng của tôi vô cùng háo hức và nôn nóng. Trong tưởng tượng của bản thân, tôi nghĩ Dinh Độc lập cũng bí hiểm hệt như Tử Cấm Thành trong một bộ phim truyện Trung Quốc, hay cái gì đó đại loại gần giống như dinh Bảo Đại ở Đà Lạt vậy. Sau bao giờ phút mong mỏi, rồi cuối cùng đoàn chúng tôi cũng đã có mặt ở nơi này. Trong cái nắng óng vàng rực rỡ của phương Nam, Dinh Độc lập hiện lên thật tráng lệ. Theo như lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, trước năm 1945, tiền thân của Dinh Độc lập là dinh Nô-rô-đôm đã được xây dựng từ năm 1868, và sau đó nó lần lượt mang tên dinh Thống đốc, rồi dinh Toàn quyền. Mãi cho đến năm 1955, Ngô Đình Diệm đã đổi tên thành dinh Độc lập. Ngày 01 tháng 7 năm 1962, dinh mới chính thức được khởi công xây dựng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đã đoạt giải tế Khôi nguyên La Mã, thiết kế.

Dinh Độc Lập được thiết kế với phong cách kiến trúc có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại; vừa theo thuật phong thuỷ cùng kiến trúc phương Đông, vừa có sự tiếp nhận những tinh hoa của kiến trúc phương Tây hiện đại. Do được đặt ở vị trí đầu rồng vậy nên dinh Độc lập còn có tên gọi khác là Phủ Đầu rồng. Sau ngày miền Nam ta hoàn toàn giải phóng, dinh mang tên mới là: dinh Thống nhất. Dinh được tọa lạc trong một khuôn viên rộng hàng chục hecta với bóng cây rợp mát xung quanh. Diện tích sử dụng của dinh Độc lập là 20.000 m2 với hơn 100 phòng được xây dựng và bày trí theo các phong cách khác nhau tùy vào mục đích sử dụng. Trong đó bao gồm có các phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng, phòng trình quốc thư, phòng đại yến, phòng làm việc của Tổng thống và Phó Tổng thống,… Mặt tiền của dinh được trang trí cách điệu với các đốt mành trúc theo phong cách kiến trúc Á Đông trông vừa thanh nhặn, vừa chắc chắn. Trước cửa dinh là thảm cỏ xanh mượt hình ô van trông thật mát mắt.

Nơi khuôn viên phía trước Dinh có chiếc máy bay F5E do trung úy- phi công Nguyễn Thành Trung đã từng điều khiển và dội bom xuống dinh Độc lập vào 8 giờ sáng ngày 8 tháng 4 năm 1975. Chính sự kiện này đã khiến cho Tổng thống Thiệu lúc ấy cảm thấy vô cùng hoảng loạn. Không chỉ vậy, ở đó còn trưng bày hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và số hiệu 390 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 anh hùng. Vào lúc 10 giờ 45 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, chiếc xe tăng 843 đã tiến tới và húc nghiêng cổng phụ của dinh Độc lập. Tiếp đó là xe tăng 390 húc tung cổng chính, tiến thẳng vào trong dinh. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ cách mạng đã tung bay phấp phới trên nóc dinh Độc lập. Tổng thống Dương Văn Minh lúc ấy, người thay thế Nguyễn Văn Thiệu đã đầu hàng vô điều kiện. Sự kiện lịch sử này đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc 30 năm chiến tranh dài đằng đẵng, mở ra một kỉ nguyên độc lập thống nhất cho Tổ quốc. 

Mọi người trong đoàn ai nấy đều chụp những bức ảnh kỉ niệm bên hại chiếc xe tăng lịch sử. Tôi còn táo bạo leo lên trên phần tháp pháo của chiếc xe tăng 843 lừng tiếng để chụp ảnh! Khi ấy chắc là thấy tôi còn nhỏ, không biết lệnh cấm nên các chú gác trong khu di tích đã miễn tội, chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Mỗi hiện vật xuất hiện trong dinh đã làm sống lại không khí rực lửa của các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, giúp du khách tham quan được hòa nhập vào thời khắc thiêng liêng của lịch sử nước nhà và không khỏi tự hào trước những chiến công vang dội, hào hùng của các chiến sĩ quân Giải phóng anh hùng.

Sau khi đi tham quan hầu hết các phòng ở tầng một, tầng hai, tầng ba, xem dấu vết những cuộc oanh kích bằng máy bay của trung úy Nguyễn Thành Trung trên sân thượng của dinh, đoàn chúng tôi xuống hầm ngầm cố thủ nằm ở sâu trong lòng đất của Tổng thống Thiệu. Tường hầm được thiết kế bằng thép, dày tới 1,2 mét, có thể chống được bom đạn. Có lẽ người thiết kế đã tính đến những phương án xấu nhất có thể xảy ra trong thời kì chiến tranh. Nhưng điều ấy cũng không thể nào cứu vãn được sự sụp đổ tất yếu của chính quyền Sài Gòn cũ.

Đứng ngắm nhìn các hiện vật, tôi tưởng tượng ra những ngày Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu mặc sức làm mưa làm gió, hình dung sự thất bại của chế độ Mĩ – Ngụy trước bão táp của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Tôi hiểu được rằng chiến thắng của dân tộc chính là chiến thắng của khát vọng độc lập tự do, của lòng dũng cảm và trí thông minh, sáng tạo…

Rời dinh Độc lập trong cảm giác bâng khuâng và bồi hồi, tôi biết rằng phải rất lâu sau này mới có dịp được quay trở lại nơi đây. Có thể, mọi thứ sẽ đổi thay dần theo thời gian, nhưng những gì mà tôi đã được thấy, đã nghe và cảm nhận sẽ còn đọng lại trong tâm tưởng của tôi mãi mãi mới mẻ, rực rỡ như sắc nắng của Sài Gòn trong buổi trưa hè ấy!

Trên đây VUIHOC đã cùng các bạn Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi | Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo. Viết bài văn kể lại một chuyến đi là một nhiệm vụ quan trọng giúp học sinh rèn luyện kỹ năng viết và thể hiện cảm xúc, quan điểm của bản thân. Hãy thực hành viết bài theo hướng dẫn trên để có bài viết tốt nhất. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 8
| đánh giá
Hotline: 0987810990