img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Phân tích bài Bác ơi

Tác giả Minh Châu 15:12 30/11/2023 41,988 Tag Lớp 12

Bác ơi là một tác phẩm về chủ đề chủ tịch Hồ Chí Minh do tác giả Tố Hữu sáng tác vào ngày mà Bác ra đi. Bài thơ có rất nhiều nét nghệ thuật độc đáo để thể hiện nỗi đau xót trước sự qua đời của Bác và những lời hứa, lời nguyện ước của toàn dân. Phân tích bài Bác ơi sẽ giúp các em có thể hiểu được ý nghĩa nghệ thuật cũng như nội dung sâu sắc của tác phẩm này.

Phân tích bài Bác ơi
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1.Dàn ý chi tiết phân tích bài Bác ơi 

1.1 Mở bài Bác ơi

Giới thiệu đôi nét về tác giả Tố Hữu và tác phẩm “Bác ơi”

1.2 Thân bài Bác ơi

a. Nỗi đau xót vô cùng to lớn khi Bác Hồ ra đi được thể hiễn rõ trong bốn khổ thơ đầu tiên

- Từ "tuôn" được lặp lại: Điệp từ này thể hiện khung cảnh bi thương của tang lễ với sự vỡ òa cảm xúc đau đớn của những con người và thậm chí cả thiên nhiên: “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”.

- Khung cảnh về một ngôi nhà sàn đơn sơ của Bác vẫn ở đó trở nên trống trải và lạnh lẽo, giờ đây không còn hơi ấm và được thấy Bác sinh hoạt nữa. Những hình ảnh “vườn rau”, “mấy gốc dừa ướt lạnh”, “chiếc chuông nhỏ không còn reo”, “phòng lặng”, “rèm buông”, “tắt ánh đèn” như để bộc tả chân thật nhất về khung cảnh lúc bấy giờ.

- Câu hỏi tu từ được kết hợp cùng với biện pháp nói giảm nói tránh để thể hiện sự thảng thốt, dường như chuyện này không thể xảy ra, không tin vào sự thật phũ phàng về sự qua đời của Bác: “Bác đã đi rồi sao Bác ơi?”, xót xa hơn khi gần đến ngày kháng chiến thành công mà Bác lại không còn trên trần gian để chung vui cùng dân tộc Việt Nam:

"Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười."

- Mọi sự vật trở nên vô nghĩa, trống trải đến lạ thường khi không còn hình bóng của Bác ở bên:

 " Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

..Quanh mặt hồ in mây trắng bay."

=> Nỗi đau đớn và thương xót vô bờ bến của cả một dân tộc trước sự kiện Bác Hồ qua đời.

b. Hình tượng của Bác Hồ được thể hiện sắc nét trong 6 khổ thơ tiếp theo

- Lẽ sống và lí tưởng vô cùng cao cả: Bác đã dành cả cuộc đời để lo toan và đấu tranh cho sự tự do và hạnh phúc của toàn dân, cho cả nền độc lập tự do của toàn dân tộc.

- “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế / Ôm cả non sông, mọi kiếp người” : Bằng cách sử dụng hình ảnh hoán dụ, Tố Hữu đã ca ngợi về tinh thần yêu nước thương dân cùng tấm lòng nhân ái bao la của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là hai câu thơ thuộc bốn câu thơ hay nhất trong tác phẩm "Bác ơi!".

- Tình yêu thương vĩ đại ấy dành cho không chỉ con người mà cho cả vạn vật: tình thương yêu đó được ví như “ lòng mẹ”, “yêu thương từ mỗi đời nô lệ đến em thơ, cụ già”; từ sự sống nhỏ bé gần gũi xung quanh mình như là “mầm non”, “trái chín”, “ngọn lúa”, “cành hoa” đến những sự vật to lớn hơn như “non sông”, “mọi kiếp người”, “dân nước”, “năm châu”…

- Đức tính giản dị, khiêm tốn và sự hi sinh quên bản thân vì nước, vì dân:

"Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn."

=> Hình tượng của Bác Hồ hiện lên vừa vĩ đại, cao cả lại vừa có nét bình dị, gần gũi, thân thương.

c. Cảm nghĩ của người dân Việt Nam trước sự ra đi bất ngờ của Bác được thể hiện trong 3 khổ cuối cùng

- Niềm nhớ thương Bác Hồ không nguôi (Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu) nhưng phải nén lại nỗi đau thương ấy vì cần tập trung vào cuộc cách mạng giải phóng đất nước còn đang dang dở giống như lời Bác dặn dò: “Còn non nước”.

- Thành kính tiễn biệt Bác về với thế giới bên kia, thế giới của Người Hiền:

 "Bác đã lên đường, theo tổ tiên

 ...Dắt chúng con cùng nhau tiến lên."

- Trước tấm gương soi sáng cùng những di sản mà Bác đã để lại, tác giả nói riêng và nhân dân trên đất nước Việt Nam nói chung tâm nguyện sẽ đi theo con đường mà Bác vạch ra cho toàn bộ dân tộc ta. Bài thơ khép lại thông qua một hình so sánh mang tượng hình sông núi rộng lớn, kì vĩ:

 " Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

... Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn."

1.3 Kết bài Bác ơi

- Nêu lên cảm xúc khi đọc bài thơ của bản thân.

Bí kíp học Văn sẽ được bật mí trong bộ sổ tay hack điểm mới nhất của vuihoc. Nhanh tay đặt sách để được hưởng ưu đãi chưa bằng một cốc trà sữa cho một cuốn sổ tay thôi bạn nhé! 

2.Lập sơ đồ tư duy phân tích bài Bác ơi

Để dễ dàng trong việc ghi nhớ những ý chính, thì ngoài cách lập dàn ý thì mỗi chúng ta có thể tự thiết kế sơ đồ tư duy cho chính mình. Sơ đồ tư duy cũng là một cách học rất hay, không bị nhàm chán mà lại nắm kiến thức một cách nhanh chóng. Các em hãy tham khảo một ví dụ minh hoạ về sơ đồ tư duy phân tích bài Bác ơi dưới đây.  

3.Hướng dẫn phân tích bài bác ơi 

3.1 Mẫu phân tích bài Bác ơi 1

"Bác ơi" chính là tác phẩm được tác giả Tố Hữu sáng tác chỉ sau ba ngày kể từ khi Bác Hồ ra đi. Cảm xúc chung trong toàn bài thơ là nỗi niềm thương xót đối với vị lãnh tụ vĩ đại bằng muôn vàn kính yêu của toàn thể dân tộc Việt Nam. Không những thế mà còn trân trọng, ngợi ca về tình yêu nước thương dân của Bác.

Bài thơ được mở đầu với tiếng khóc nấc nghẹn lòng của nhà thơ, đó cũng chính là tiếng khóc thương của hàng triệu người dân Việt Nam trước sự kiện tang thương của người Cha già dân tộc:

"Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa..."

Nhà thơ Tố Hữu đã sử dụng điệp từ "tuôn" như muốn khẳng định một lần nữa sự đau xót không nguôi của người dân và cả cảnh vật thiên nhiên khi nghe tin Bác đã rời xa. Nỗi đau xót ấy bao trùm lên vạn vật cả lòng người lẫn trời đất.

Tố Hữu là một nhà thơ Cách mạng vô cùng nhiệt huyết, vậy nên, ông cũng là một người rất gần gũi với Bác Hồ, rất thương mến và kính trọng người Cha già kính yêu của toàn dân tộc. Thế nhưng, khi người Cha già ấy qua đời, Tố Hữu lại không còn thể gần bên, nên khi vừa nhận được tin, ông đã "chạy về thăm Bác" ngay lập tức cùng với tâm trạng không thể tin được điều đó là sự thật.

Những cảnh vật ngày xưa cũng vẫn còn nguyên đây, căn nhà sàn đơn sơ của Bác đang ở giờ đây cũng chẳng còn tiếng nói của Người và trở nên heo hút, lạnh lẽo đến vô cùng:

"Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bên thang gác, đứng nhìn lên

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!"

Những đồ vật phía bên trong đó giờ đây cũng trở nên bất động, chuông không còn reo, phòng thì tắt đèn, rèm cửa buông xuống, những gốc cau, gốc dừa thì ướt lạnh sương, ... tất cả đều bị vắng đi hơi ấm của Người. Đối với Tố Hữu, điều ấy thật đau đớn biết bao, thật tê tái đến nhường nào! Nhà thơ dạo quanh trên "lối sỏi quen" nhưng tất cả giờ đây chỉ còn lại những kỉ niệm đẹp, bởi Bác Hồ đã ra đi, sang một thế giới khác, thật đau đớn và xót xa biết bao nhiêu!

Và dường như tác giả vẫn chưa thể tin vào sự thật ấy, ông đã bật lên tiếng khóc thật nghẹn ngào, giật mình trong thảng thốt, bất giác gọi tên Bác:

"Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời"

Mùa thu năm ấy thiên nhiên đều tuyệt đẹp, con người đều mừng rỡ bởi khi ấy, cả tiền tuyến vẫn còn đang chiến đấu ác liệt, cả miền Nam thì đang được đà chiến thắng. Tất cả mọi người đều mơ ước đến một ngày thống nhất Nam Bắc, Bác Hồ sẽ đi thăm miền Nam, cả miền Nam sẽ được thấy Bác vẫy tay cười trong ánh nắng mai:

"Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười"

Căn nhà của Bác sinh hoạt và làm việc vẫn còn nguyên ở đây, những cây bưởi giờ đây đã ra trái ngọt, hoa nhài cũng đã nở thơm ngát nhưng thật sự trống trải "còn đâu bóng Bác đi sớm hôm" nữa. Nhịp điệu thơ đến đây mang đầy sự nghẹn ngào, những câu hỏi tu từ cũng liên tiếp được đưa ra như để bộc lộ cho nỗi đau vô bờ của tác giả:

"Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!"

Bốn khổ thơ cũng chính là những nỗi niềm tiếc thương vô hạn của tác giả cũng như của hàng triệu người Việt Nam trước sự ra đi bất ngờ của Người. Không chỉ con người mới thấu được mà đến cả thiên nhiên, trời đất đều cảm nhận được nỗi đau xót đó! Các biện pháp nghệ thuật trong bốn khổ thơ được Tố Hữu khéo léo mở rộng dần từ căn nhà mà Bác ở tới thiên nhiên, miền Nam và đất trời, tất cả đang cùng nhau chịu đựng nỗi đau xót khi Bác đã ra đi.

Sáu khổ thơ tiếp theo, Tố Hữu đã dựng nên hình tượng vĩ đại của vị Cha già dân tộc với một tấm lòng yêu thương cao cả cùng những phẩm chất cao đẹp, đáng quý.

Cả cuộc đời của Bác sống trên lí tưởng cao đẹp rằng sẽ giành lại độc lập cho đất nước ta, giành lại được sự tự do, hạnh phúc cho người dân Việt Nam. Bác đã dâng hiến cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp cứu nước và giữ nước, nhưng cả khi Bác đã mất đi, sự nghiệp ấy vẫn còn chưa được hoàn thành, tấm lòng của Bác vẫn luôn "nặng thương đời" mà vẫn chưa được "thảnh thơi":

" Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi

Năm canh bớt nặng nỗi thương đời"

Tác giả sử dụng câu thơ cảm thán để bộc lộ sự cảm phục đối với Bác cũng như nỗi thương xót cho sự cố gắng và vất vả của Người. Bác luôn luôn yêu thương tất cả mọi người, yêu non sông, yêu đất nước, thương yêu mọi kiếp lầm than của người dân, bởi vậy Tố Hữu đã sử dụng ở đây một hình ảnh ẩn dụ một cách tinh tế để miêu tả điều này:

"Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người"

Hai câu thơ trên là sự ca ngợi về tình yêu nước sâu sắc cũng như lòng thương người mênh mông Bác đã dành cho hàng triệu người dân Việt Nam, cho "mọi kiếp người" lầm than trên toàn thế giới. Hai câu thơ này cũng được đánh giá là những câu thơ đặc biệt nhất, hay nhất trong cả bài thơ!

Khi Bác đã ra đi, miền Nam vẫn còn đang vương mùi khói lửa, Bác ra đi không buồn mà vẫn chỉ thấy thương xót và trăn trở cho vận mệnh đất nước, cho năm châu vẫn chưa được yên ổn, hoà bình. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp liệt kê nhằm kể về những nỗi "đau" mà Bác  còn mang nặng và khẳng định rằng tình yêu mênh mông của Bác với tất cả mọi người, mọi nhà, cho cả vạn vật trên khắp thế giới này:

"Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau..."

Lòng Bác được ví như tấm lòng của một người mẹ hiền, thương yêu, bao bọc cho đàn con thơ dại. Bác đã sống một cách hiên ngang, vĩ đại "như trời đất của ta", yêu thương, chăm lo cho từng "ngọn lúa, cành hoa", cho "mỗi đời nô lệ", cho cả trẻ em lẫn người già.

Bác cũng dành một tình cảm vô cùng sâu nặng đối với các chiến sĩ đang chiến đầu ngoài tiền tuyến. Với Bác, miền Nam chính là ruột thịt, luôn nằm trong tim Người. Bác dõi theo từng "bước trên tiền tuyền", vui mừng khôn xiết khi nghe tin thắng trận ùa về.

"Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha

Bác nghe từng bước trên tiền tuyến

Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa"

Những câu thơ ở đây đều chan chứa những xúc cảm, khẳng định đối với sự yêu thương chân thành, sự mong đợi ngày đất nước sẽ hoàn toàn được độc lập của Bác. Tố Hữu đã khóc thương Người rất nhiều, nhưng cũng từ ấy mà làm sống dậy tâm hồn của Bác, tình yêu thường của Bác - một tình yêu rộng lớn và mênh mông.

Khổ thơ tiếp theo, chúng ta có thể thấy một loạt những động từ "vui" được dàn đều khắp khổ thơ:

"Bác vui như ánh buổi bình minh

Vui mỗi mầm non, trái chín cành

Vui tiếng ca chung hoà bốn biển

Nâng niu tất cả, chỉ quên mình"

Nhà thơ đã sử dụng động từ làm sống dậy tâm hồn của Bác, khơi dậy những mơ ước của Người. Bác "nâng niu" tất cả nhưng lại để "quên" đi chính bản thân mình. Bởi lẽ sống của Bác chính là lẽ sống của toàn dân tộc, Bác đã hy sinh, đã quên bản thân mình vì số phận của cả dân tộc Việt Nam. Tâm hồn ấy cùng lí tưởng thật cao cả ấy, thật đáng ngưỡng mộ và tự hào!

Bác sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch và khiêm nhường biết bao, hy sinh sinh bản thân cho đất nước. Đến lúc Bác ra đi, Bác cũng chỉ có vài ba bộ quần áo đơn giản đã cũ sờn, vài đôi dép cao su thật mộc mạc, "chẳng vàng son" và giá trị như bức "tượng đồng phơi lối mòn" và chỉ để lại cho nhân dân chúng ta một tình yêu thương mênh mông vô bờ bến, một tâm hồn đã trải "muôn trượng" trên thế gian:

"Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn".

Đức tính giản dị của Bác chính là một trong muôn vàn những đức tính cao đẹp mà Bác đã để lại và mong muốn chúng ta noi theo. Chính Tố Hữu đã dựng lên một hình tượng chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị như thế, khiêm nhường biết bao nhưng cũng thật sự vĩ đại, thật sự cao đẹp! Tình yêu thương lẫn sự hy sinh của Người dành cho dân tộc sẽ mãi mãi được khắc ghi với sự trân trọng và kính yêu vô bờ từ hàng triệu trái tim Việt Nam!

Ba khổ cuối cùng của tác phẩm, nhà thơ đã thể hiện cảm xúc của mọi người dân vào đó nhằm bày tỏ nỗi niềm tiếc thương trước sự ra đi bất ngờ của Người.

Bác Hồ đã ra đi mãi mãi, để lại cho chúng con sự tiếc thương, nhớ nhung vô cùng. Thế nhưng, lời mà Bác dặn dò vẫn còn nguyên đó, người dân phải nén lại nỗi đau thương để tập trung vào công cuộc giải phóng miền Nam, để thực hiện được bản di chúc của Người trước khi rời xa:

"Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!

Ra đi, Bác dặn: "Còn non nước..."

Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều"

Bác ra đi thật rồi, sự thành kính của những người con tiễn đưa Người về thế giới bên kia cùng những con người vĩ đại. Những lý tưởng mà Bác để lại, những bài học mà Bác đã dạy, những lời căn dặn của Bác đã nói sẽ là "ánh hào quang đỏ" giúp dẫn dắt tất cả chúng con "cùng nhau tiến lên", soi sáng cho con đường tự do, hạnh phúc của toàn dân tộc.

Người sẽ mãi mãi là một tấm gương hy sinh bản thân, nỗ lực hết mình cho Tổ quốc mà chúng con nguyện lòng noi theo. Bác đã hòa mình vào với sông núi, dõi theo từng bước chân của chúng ta, để non sông Việt Nam sẽ vĩnh viễn được vững bền:

"Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn".

Nhịp thơ trong những khổ thơ cuối trở nên dồn dập, vẫn là nỗi niềm tiếc thương nhưng đã có chút nguôi ngoai, và trong đó thể hiện là sự quyết tâm, khẳng định một cách chắc chắn. Những dòng thơ cuối cùng như kết tinh ra một chân lý: Yêu Bác, lòng ta sẽ càng "trong sáng hơn", mạnh mẽ và vững vàng hơn. Ánh sáng của Người sẽ luôn soi tỏ con người của chúng ta, thanh lọc cho tâm hồn chúng ta và tăng thêm sức mạnh.

Cả bài thơ Bác ơi thể hiện nỗi niềm tiếc thương vô hạn của tác giả Tố Hữu đối với sự ra đi bất ngờ của người Cha già mà hàng triệu người dân Việt Nam kính yêu. Cuộc đời của Người chỉ toàn là sự hy sinh, cống hiến và nỗ lực hết mình cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc, tấm lòng của Người trải đều tình yêu thương cho mọi người. Bác ra đi, nhưng những người con còn ở lại vẫn sẽ tiếp bước trên con đường mà Người đã chọn, hoàn thành di chúc cũng như ước muốn của Người lúc còn sinh thành, đó chính là phải giải phóng được miền Nam, đất nước phải được thống nhất.

Bài thơ bộc tả niềm xúc động dâng trào của tác giả Tố Hữu khi quay trở về thăm Người nhưng Người đã rời xa cùng với những chiêm nghiệm đặc biệt sâu sắc về cuộc đời của Bác. Bài thơ vừa mang nỗi niềm xúc động vừa chứa chan yếu tố hào hùng giống như chất liệu sử thi. "Bác ơi" xứng đáng được trở thành một trong những tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu.

>> Mời bạn xem thêm: Soạn bài Bác ơi

3.2 Mẫu phân tích bài Bác ơi 2

“Bác ơi!” là tác phẩm được Tố Hữu sáng tác vào ngày 6-9-1969, chỉ sau ba ngày từ khi vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc qua đời. “Bác ơi!” được viết bằng thể thơ thất ngôn trường thiên, bao gồm 13 khổ thơ, mỗi khổ thơ có chứa 4 câu thơ.

Bài thơ “Bác ơi!” được viết thay cho tiếng khóc tiễn biệt, mang ý nghĩa như một bài điếu văn vô cùng cảm động, vừa ca ngợi lòng yêu nước thương dân bao la bát ngát của chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa bộc lộ lòng tiếc thương, khắc ghi công ơn to lớn của Bác.

Mở đầu bài thơ bằng chính tiếng khóc tiễn đưa. Bác Hồ qua đời để lại biết bao nỗi đau thương trong lòng hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè gần xa. Nỗi đau thương ấy bao trùm cả cõi đời lẫn vũ trụ bao la, rộng lớn:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Câu thơ thứ hai, động từ “tuôn” được điệp lại hai lần đã cực tả được nỗi niềm mất mát, đau thương của cả một dân tộc.

Khi đọc hồi kí của Tố Hữu, ta biết được rằng lúc Bác Hồ mất, nhà thơ vẫn còn đang đi công tác xa. Khi nghe được tin Bác mất, tác giả đã phải vội “chạy về”. Đó là một buổi chiều buồn, một buổi chiều chứa đầy đau đớn, mất mát. Hai chữ “ướt lạnh” đã diễn tả chân thực nỗi đau đớn tái tê ấy:

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!

Bác đã ra đi, ngôi nhà sàn đơn sơ của Bác bỗng trở nên vắng lặng, heo hắt đến lạ thường. Chuông chẳng còn reo lên được nữa. Ánh đèn thì “tắt”,rèm thì “buông”, phòng của Bác dinh hoạt và làm việc cũng đã “lặng”. Sự sống lúc đó như đều ngừng lại trong trước nỗi đau thương:

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Bác ra đi thật bất ngờ và đột ngột khi cả miền Nam, cả tiền tuyến, các anh hùng đang được đà thắng lợi. “Rước Bác vào thăm”… là một ước mơ rất đẹp của toàn thể đồng bào và chiến sĩ. Nhưng giờ đây điều đó không thể thực hiện được nữa vì Bác đã đi xa:

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

Ngày hội chiến thắng, ngày hội thống nhất non sông… thế là vắng bóng Bác.

Bác đã ra đi, cỏ cây hoa lá, vạn vật thiên nhiên đều trở nên đau đớn và tiếc thương vô cùng. Vườn rau, gốc dừa, hoa nhài, trái bưởi, ao cá… những sự vật thân thuộc ấy của Bác cũng được nhân hoá gợi lên nỗi đau đớn, cô đơn, buồn rầu và ngậm ngùi. Làm sao để san sẻ đi nỗi đau buồn thương tiếc ấy? Ở đây, Tố Hữu đã sử dụng một lối nói biểu cảm vô cùng sâu sắc. Ông chỉ biết đứng lặng, tự hỏi bản thân mình rồi lại hỏi sang cỏ cây hoa lá:

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài

Còn đâu bóng Bác đì hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay…

Bốn khổ thơ đầu tiên, Tố Hữu đã khơi gợi một không gian nghệ thuật bắt đầu từ đất trời, cõi đời, miền Nam,… đến những sự vật thân quen như ao cá, vườn rau, gốc dừa, nhà sàn,… đều thể hiện một tâm trạng chung, đó chính là nỗi đau đớn, tiếc thương đã và đang ngấm sâu vào trong lòng người dân. Đó cũng chính là ngày Bác ra đi, ngày Quốc tang diễn ra vào ngày 2 tháng 9 năm 1969.

Các câu cảm thán kết hợp với những câu hỏi tu từ càng làm cho giọng thơ trở thành tiếng nấc, vừa nghẹn ngào lại khơi gợi được biểu cảm:

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

.. Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm…

Sáu khổ thơ tiếp theo thuộc phần hai của bài thơ đã nói lên tình thương vô bờ bến và phẩm chất vô cùng cao đẹp của Bác. Cách viết cấu trúc bài thơ rất giống với bài văn tế khi nhắc đến công ơn của người lãnh tụ vừa qua đời.

Bằng những hình ảnh hoán dụ, tác giả đã thành công ca ngợi lòng yêu nước thương dân, cùng tấm lòng nhân ái to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng được đánh giá là hai câu thơ hay nhất trong bốn câu thơ của bài thơ "Bác ơi!”:

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Bằng cách sử dụng nghệ thuật liệt kê, tác giả đã nhắc đến tấm lòng nhân ái, bao la, rộng mở của Bác. Đó cũng chính là nỗi đau và sự lo lắng của Bác. Lòng yêu thương sâu nặng của Bác được ví như lòng mẹ: “Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ – Cho hôm nay và cho mai sau”. Đó chính là tấm lòng Bác; Bác đã sống, đã yêu, đã cho, đã để, đã tặng:

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.

Đó chính là Bác đã nhớ, đã nghe, đã lắng… Tất cả những câu trên đều thể hiện được tình cảm của vị lãnh tụ dành cho toàn bộ đồng bào và chiến sĩ ở nơi Thành đồng Tổ quốc:

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong Bác

Bác nghe từng bước trên tiền tuyến

Lắng mỗi tin mừng, tiếng sung xa.

Bác đã từng nói rằng: "Miền Nam luôn trong tim tôi” và trong thơ chúc Tết vào năm 1969, Bác cũng đã viết: "Năm qua thắng lợi vẻ vang – Năm nay tiền tuyến chắc thắng to… ”, Bác luôn có niềm tin thắng trận. Bác chính là chỗ dựa tinh thần cho tiền tuyến có thêm sức mạnh để "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!", Tố Hữu vừa khóc thương cho Bác, vừa làm sống dậy tâm hồn của Bác.

Động từ "vui" được lặp lại nhiều lần và các động từ: "nâng niu, quên” để nói lên một cách sâu sắc nhất về tâm hồn của chủ tịch Hồ Chí Minh: tâm hồn luôn lạc quan yêu đời, giàu đức tính hi sinh. Hình ảnh được so sánh chứa đầy chất thơ:

Bác vui như ánh buổi bình minh

Vui mỗi mầm non, trái chín cành

Vui tiếng ca chung hòa bốn biển

Nâng niu tất cả, chỉ quên mình.

Bác sống vô cùng giản dị nhưng lại thanh cao. Chỉ có chiếc va li nhỏ, cùng vài bộ quần áo đơn sơ, đôi dép cao su…, đều "chẳng vàng son ". Nhiều người thường nhắc lại hai câu thơ tuyệt bút dưới đây nhằm ca ngợi về đức tính giản dị của Người:

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Với tư tưởng lớn, ý thơ vừa đẹp vừa hay kết hợp với nghệ thuật tương phản tài ba, tác giả đã khắc sâu câu thơ vào trong tâm trí nhiều người.

Có thể nói, đoạn thơ trên đã thể hiện rõ nét về con người, phong cách, đạo đức cùng lối sống vô cùng giản dị mà thanh cao của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ba khổ thơ cuối cùng chính là tiếng khóc, cũng là sự ghi nhớ, thể hiện lòng biết ơn và lời ước nguyện của toàn dân tộc.

Thương Bác, nhớ Bác càng nhiều thì càng thấy lòng mình bơ vơ, đau xót: "Ôi Bác ơi, những xế chiều – Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!”

Bác đã đi xa, bước sang một "thế giới Người Hiền”. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng và đạo đức cách mạng của Người sẽ mãi mãi là "Ánh hào quang đỏ thêm sông núi”, đó là tài sản tinh thần quý giá để động viên và cổ vũ cho toàn thể đồng bào và các chiến sĩ "cùng nhau tiến lên” với một niềm tin mạnh mẽ:

“Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”

(Di chúc)

Nhớ mãi công đức của Bác, nhân dân ta nguyện sẽ khắc ghi trong lòng những lời mà Bác dặn, quyết tâm đứng lên hoàn thành công cuộc cách mạng mà Bác để lại. Bài thơ kết thúc  bằng một hình ảnh so sánh mang hình tượng của thiên nhiên sông núi kì vĩ. Tác giả đã khóc Bác bằng một lời thề chiến đấu sắt đá:

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

Tố Hữu là một nhà thơ viết về chủ đề Bác Hồ nhiều nhất, cũng sâu sắc nhất và hay nhất. Hình ảnh của Bác Hồ: “Người là Cha, là Bác, là Anh – Quả tim lớn lọc trong dòng máu nhỏ” đã hằn sâu trong những trang thơ của Tố Hữu. “ Bác ơi!” chính là một trong những tác phẩm hay nhất viết về chủ tịch Hồ Chí Minh – một vị lãnh tụ kính yêu, vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Đăng ký học thử khóa học PAS THPT để được trải nghiệm khóa học " cá nhân hóa" duy nhất tại Việt Nam! 
 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

Trong ngày Bác Hồ qua đời, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Bác ơi” để nói lên nỗi lòng xót xa không chỉ của ông mà còn của hàng triệu con người Việt Nam dành cho Bác. Tuy Bác ra đi nhưng vẫn để lại cho thế hệ sau tình thương yêu với tấm lòng trong sáng, thanh cao. Các em hãy tham khảo cách Phân tích bài Bác ơi và ghi lại những gì mà mình học được từ bài viết trên. Ngoài ra, để có thêm những kiến thức hay về môn ngữ văn và các môn học khác nữa, nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký các khoá học cùng các thầy cô VUIHOC ngay nhé!

>> Tham khảo thêm bài viết: 

Banner afterpost tag lớp 12
| đánh giá
Hotline: 0987810990