img

Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trang 41| Văn 6 Cánh diều

Tác giả Hoàng Uyên 10:34 13/01/2025 1 Tag Lớp 6

Dưới đây là phần Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trang 41| Văn 6 Cánh diều mà VUIHOC đã chuẩn bị vô cùng chi tiết cho các em. Thông qua bài viết, các em sẽ biết được cách trình bày ý kiến về một vấn đề được gợi ra từ những tác phẩm văn học mà mình đã được học và có thể tự mình viết một bài văn tương tự chuẩn cấu trúc và nội dung.

Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trang 41| Văn 6 Cánh diều
Mục lục bài viết
Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trang 41 Văn 6 Cánh diều
1. Sau khi học bài thơ “Gấu con chân vòng kiềng” của tác giả U-xa-chốp, em thấy rằng vấn đề ngoại hình của con người có quan trọng hay không? Hãy trình bày ý kiến của bản thân.
2. Từ việc Dế Mèn gây ra cái chết cho Dế Choắt trong văn bản "Bài học đường đời đầu tiên", em có ý kiến như thế nào về thói "hung hăng bậy bạ" ở trong cuộc sống?
3. Sau khi đọc truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" của tác giả Pu-skin, một bạn cho rằng: trong cuộc sống, tham lam là không tốt. Ý kiến của em về điều đó như thế nào?
4. Từ bài thơ Lượm của tác giả Tố Hữu, em hãy trình bày ý kiến của bản thân về lòng dũng cảm của thiếu niên Việt Nam

Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trang 41 Văn 6 Cánh diều 

1. Sau khi học bài thơ “Gấu con chân vòng kiềng” của tác giả U-xa-chốp, em thấy rằng vấn đề ngoại hình của con người có quan trọng hay không? Hãy trình bày ý kiến của bản thân.

Xin chào cô giáo và toàn thể các bạn có mặt ngày hôm nay, em rất vui khi được đứng ở đây trình bày suy nghĩ cùng với quan điểm của mình về vấn đề “Ngoại hình của con người có quan trọng không” sau khi được đọc bài thơ “Gấu con chân vòng kiềng” của tác giả U-xa-chốp.

Nội dung của bài thơ kể về một chú gấu con sở hữu một đôi chân vòng kiềng. Khi chú vào trong rừng đi dạo, vô tình đã bị quả thông rơi trúng đầu khiến cho gấu bị ngã. Điều đó khiến cho chị sáo rồi đàn thỏ cùng với tất cả các loài động vật trong khu rừng hùa vào để trêu chọc về đôi chân vòng kiềng của chú gấu. Gấu con cảm thấy vô cùng xấu hổ và tủi thân. Cậu chạy về mách mẹ khiến cho mẹ của cậu hết sức ngạc nhiên. Mẹ gấu đã chứng minh rằng đôi chân vòng kiềng không xấu, vì cả bố mẹ lẫn ông nội - người giỏi nhất vùng cũng có đôi chân như thế. Nhờ vậy, gấu con đã cảm thấy vui vẻ và tự hào hơn về ngoại hình của bản thân mình. Tác giả đã mượn chuyện của gấu con để nhắn nhủ chúng ta rằng không nên chê bai hay chế giễu ngoại hình của người khác.

Theo tôi, ngoại hình là một yếu tố quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định tất cả. Trước hết, có thể hiểu, ngoại hình chính là hình dáng bên ngoài của con người, được thể hiện thông qua khuôn mặt, vóc dáng và thân hình. Ngoại hình là yếu tố đầu tiên để cho mỗi chúng ta đánh giá về một con người. Chắc chắn, một người với ngoại hình ưa nhìn sẽ dễ dàng gây thiện cảm cho mọi người, nhận được sự quý mến của tất cả mọi người xung quanh. Người có ngoại hình tốt sẽ gặp được nhiều cơ hội hơn trong công việc.

Tuy nhiên, ngoại hình không phải yếu tố quyết định tất cả, mà quan trọng hơn vẫn là năng lực và phẩm chất của mỗi người. Người xưa vẫn hay có câu “cái nết đánh chết cái đẹp” hay “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Vẻ đẹp bên ngoài theo thời gian sẽ dần bị phai nhạt dần, khi ấy thứ để đánh giá cái đẹp của người phụ nữ chính là vẻ đẹp tâm hồn bên trong con người họ.

Khi nhìn nhận đánh giá một sự vật, chúng ta phải thấy rằng giữa hình thức ở bên ngoài và nội dung bên trong, không phải lúc nào cũng có sự thống nhất mà thông thường thì những sự vật có thực chất kém cỏi lạ thường thì lại có một hình thức lôi cuốn hấp dẫn. Một vật dụng như chiếc tủ hay chiếc giường hoặc chiếc bàn bằng gỗ tạp lại được sơn phết và tô điểm với nước sơn bóng nhoáng và màu mè. Mỗi kẻ vô tài thường làm ra cái vẻ lịch thiệp, hiểu biết. Những kẻ “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” vẫn tồn tại rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Do đó, trong quá trình tiếp xúc thường ngày với mọi sự vật, mỗi con người cần phải chú trọng vào chất lượng bên trong của các sự vật, vào vẻ đẹp tâm hồn của con người chứ đừng vì cái vẻ hấp dẫn ở bên ngoài mà quên đi cái mục ruỗng, xấu xa, thối nát và vô vị bên trong. Bởi vì nghĩ cho kỹ, suy cho cùng thì nếu như chân giá trị của vật dụng là chất gốc thì chân giá trị của con người chính là đạo đức tài năng cùng với trí tuệ. Chính vì thế ngoại hình của con người lúc này đây sẽ không được đánh giá quá cao.

Nhưng trong xã hội hiện nay, một người có tâm hồn đẹp tới đâu mà không biết chăm chút cho nhan sắc bên ngoài của mình thì cũng rất khó có thể thành công được. Vẻ đẹp nhan sắc ở bên ngoài luôn là bước đi đầu tiên sau đó mới là thời gian để chứng minh cho vẻ đẹp tâm hồn ở bên trong. Bởi ngay từ khi tiếp xúc, điều mà ta nhìn thấy được trước hết là vẻ đẹp bên ngoài của con người ấy. Nó là yếu tố vô cùng quan trọng để đánh giá hay cảm nhận về người đó vào lần gặp gỡ đầu tiên. Ngay như ở trong các cuộc thi hoa hậu, vòng đầu tiên vẫn luôn luôn là vòng thi nhan sắc. Vẻ đẹp nhan sắc luôn là vẻ đẹp được đánh giá trước tiên. Không phủ nhận rằng nét đẹp ở bên trong vẫn được đánh giá cao hơn nét đẹp bên ngoài nhưng trên thực tế thì vẻ đẹp bên ngoài mới là cái trực quan nhất, mới là cái khiến cho người khác chú ý đến đầu tiên còn nét đẹp bên trong thì phải tiếp xúc một khoảng thời gian thì mới xác định được. Nhưng vẻ đẹp nhan sắc thôi thì chưa đủ để nói lên được giá trị của con người, hơn nữa vẻ đẹp ấy rất phù du và không tồn tại được lâu dài. Và sự đánh giá vẻ đẹp nhan sắc cũng không được thống nhất, không tuyệt đối, những quy chuẩn về cái đẹp luôn luôn có sự thay đổi theo thời đại, theo từng địa phương, từng khu vực, theo từng quốc gia và tùy thuộc vào cảm xúc của mỗi người.

Chính vì đánh giá và nhận xét về một vật dụng, một con người, chúng ta dựa trên cơ sở cả nội dung và hình thức. Hai mặt này kết hợp và bổ sung cho nhau làm nên giá trị cho vật dụng ấy, con người ấy, trong đó nội dung giữ vai trò như yếu tố quyết định. Khi đánh giá, ta cần phải coi trọng chất lượng của sự vật cũng như đạo đức và tài năng trí tuệ của con người.

Bài thơ “Gấu con chân vòng kiềng” như một lời khuyên sáng suốt và thiết thực trong cách đánh giá sự vật và con người trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, đồng thời đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai đang chỉ chạy theo hình thức hào nhoáng ở bên ngoài mà quên đi phẩm chất tốt đẹp bên trong – yếu tố cơ bản giúp tạo nên giá trị đích thực cho một con người.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Mong thầy cô và các bạn hãy dành một chút thời gian để nêu ý kiến về bài nói giúp em rút kinh nghiệm và hoàn thiện tốt hơn.

2. Từ việc Dế Mèn gây ra cái chết cho Dế Choắt trong văn bản "Bài học đường đời đầu tiên", em có ý kiến như thế nào về thói "hung hăng bậy bạ" ở trong cuộc sống?

"Bài học đường đời đầu tiên" là chương đầu tiên ở trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài "Dế Mèn phiêu lưu kí". Văn bản đã miêu tả rất rõ nét về ngoại hình cùng với tính cách của nhân vật Dế Mèn. Đồng thời cũng là bài học đầu tiên trong cuộc đời của nhân vật Dế Mèn được rút ra từ cái chết đầy đau đớn của Dế Choắt chỉ do thói hung hăng và ngạo mạn của Dế Mèn.

Trong văn bản, Dế Mèn được biết đến là một chàng dế thanh niên cường tráng có thân hình chắc khỏe. Dế Mèn luôn luôn tự tin về bản thân mình, mỗi bước đi của cậu đều rất “trịnh trọng, khoan thai”, cho ra cái dáng vẻ của “con nhà võ”. Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả về hình dáng bên ngoài của Dế Mèn, nhà văn còn đi sâu vào trong tính cách của chú. Dế Mèn luôn luôn tự tin và hãnh diện với bà con hàng xóm vì vẻ ngoài cường tráng và sức mạnh của mình. Chú luôn cho rằng mình là một người thông minh và biết nhìn xa trông rộng. Nhưng bởi vì sự tự tin thái quá ấy mà Dế Mèn lại trở thành kiểu tự đắc, tự cao, hung hăng và ngạo mạn.

Trái ngược hoàn toàn với nhân vật Dế Mèn, Dế Choắt là một kẻ gầy gò và ốm yếu, bộ dạng vừa không có sức sống lại không có sức làm, Dế Mèn là hàng xóm nhưng lại chỉ biết chê bai và khinh bỉ, khi Dế Choắt nhờ giúp thì chú ta cũng chẳng bận tâm. Với bản tính ngông cuồng và tự cho mình là nhất Mèn đã rủ Choắt trêu chọc chị Cốc; Dế Choắt sợ không dám trêu chị Cốc nhưng chẳng thể nào ngăn cản được Dế Mèn. Vì vậy mà Dế Choắt đã bị chị Cốc mổ chết oan vì lời trêu ghẹo của Dế Mèn. Dế Choắt đã gánh chịu tất cả hậu quả từ trò đùa vô cùng dại dột của Dế Mèn. Qua sự việc này, Dế Mèn đã rút ra được bài học đầu tiên hết sức quý giá: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc nhưng không biết nghĩ, sớm muộn cũng mang vạ vào mình đấy”. Đây là lời khuyên vô cùng quý giá, nhắc nhở mỗi chúng ta rằng hành động hung hăng không chỉ gây tổn thương cho người khác mà còn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho chính bản thân mình.

Dế Choắt trong truyện được miêu tả là một nhân vật có sự thông minh và thấu đáo sâu sắc. Nhân vật có thể được coi là một người vô cùng khôn ngoan và có khả năng thấy trước được những hậu quả tiềm tàng của hành động phi suy nghĩ.

Lời trăn trối của Dế Choắt đã khiến cho em có rất nhiều suy nghĩ về một thói xấu xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ người Việt Nam và đang là vấn đề rất nóng khiến toàn xã hội quan tâm, đó chính là lối sống kiêu căng, ngạo mạn và hung hăng bậy bạ.

Vậy thế nào là sống kiêu căng, ngạo mạn và hung hăng bậy bạ? Đó chính là lối sống mang tính tiêu cực, là phong cách sống luôn tự cao, tự đại và coi mình là nhất. Trong cuộc sống hiện nay, một bộ phận giới trẻ cũng có tính cách và cách suy nghĩ giống như nhân vật Dế Mèn. Họ chỉ biết làm theo những gì mà mình nghĩ và thấy thích. Vì muốn chứng minh bản thân mình hơn người kết hợp với bản tính hiếu thắng, không biết suy nghĩ trước sau, họ hành động một cách xốc nổi. Thậm chí, có rất nhiều thanh thiếu niên lựa chọn thể hiện mình thông qua hành động bạo lực: bạo lực với chính các bạn học của mình và bạo lực với ngay cả người thân quen của mình. Hệ quả của những việc làm thiếu suy nghĩ và hành động hung hăng bậy bạ chính là những vụ ẩu đả, thậm chí là gây ra tử vong mà chúng ta vẫn thấy được nêu trên những trang thông tin hay truyền hình. Tiêu biểu như Nguyễn Văn Hưng, anh lúc nào cũng tỏ vẻ kiêu căng, nghĩ mình là giỏi nhất. Do đó anh đã bị mọi người khinh thường và ghét bỏ bởi anh không có bất cứ tài năng hay thành tích gì hơn người. Thật vậy, hung hăng và hống hách sẽ khiến bạn trở nên vô cùng xấu xa và vị kỷ. Hơn hết, mọi người sẽ có cái nhìn rất tiêu cực về bạn. Rồi cuối cùng chính bạn sẽ phải giá cho hành động của mình, sự trừng phạt của pháp luật có thời hạn tuy nhiên sự trừng phạt của lương tâm sẽ đi theo suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, nó khiến cho bạn không thể đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Qua đây, mỗi chúng ta hãy hình thành nên những thói quen tốt và quan niệm sống tốt đẹp để có thể trở thành tấm gương sáng và được tất cả mọi người yêu mến, đánh giá cao.

Sự quan tâm và dạy bảo từ gia đình và nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên tính cách và hướng các bạn trẻ đi đúng con đường. Mỗi cá nhân cũng cần phải chịu khó học hỏi, tự nâng cao nhận thức của bản thân cũng như biết kiểm soát lời nói và hành động khi xảy ra mâu thuẫn để tránh dẫn tới những hành vi bạo lực.

Bài học đầu tiên trong đời của chú dế cũng chính là bài học của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Hình ảnh nhân vật dế Mèn để đưa ra lời khuyên cho rất nhiều người. Đó cũng là bài học về đạo lý làm người. Chúng ta cần phải biết yêu thương và giúp đỡ người khác, mỗi hành động của chúng ta đều phải suy nghĩ thật kĩ, phải tính tới hậu quả của nó rồi hãy làm.

Khóa học DUO cung cấp cho các em nền tảng kiến thức vững chắc, bứt phá điểm 9+ trong mọi bài kiểm tra trên lớp.

3. Sau khi đọc truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" của tác giả Pu-skin, một bạn cho rằng: trong cuộc sống, tham lam là không tốt. Ý kiến của em về điều đó như thế nào?

Sau khi đọc Chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng của tác giả Pu Skin, một bạn cho rằng trong cuộc sống tham lam là không tốt và em cũng có phần đồng tình về ý kiến nêu trên.

Lòng tham khiến con người sống và có những hành động không đúng đắn gây nên những tác động xấu đến mọi người và xã hội. Trong truyện, nhân vật mụ vợ là một người hết sức tham lam, mụ đã rất nhiều lần đòi hỏi cá vàng phải đền ơn mặc dù mụ còn không cứu giúp cá vàng. Mụ liên tục đưa ra những yêu cầu từ vật chất cho đến địa vị và quyền lực. Đầu tiên mụ chỉ đòi hỏi một cái máng lợn và yêu cầu này của mụ hoàn toàn chấp nhận được vì nó rất phù hợp với hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình. Tiếp theo mụ ta lại đòi một ngôi nhà mới thay cho ngôi nhà nát, cá vàng lúc này vẫn sẵn sàng đáp ứng. Nhưng lòng tham của mụ càng ngày càng được bộc lộ rõ ràng hơn, vật chất với mụ chưa đủ cho nên mụ lại đòi địa vị và danh vọng, mụ muốn được làm nhất phẩm phu nhân và làm một nữ hoàng cao quý. Nhưng vẫn chưa thỏa mãn được lòng tham, mụ lại tiếp tục đòi làm long vương ngự trị ở trên mặt biển để bắt cá vàng phải hầu hạ bên cạnh. Đó là một đòi hỏi quá đáng và vượt qua mọi giới hạn có thể chấp nhận được trong đạo lý làm người và mụ ta đã bị trừng trị vô cùng thích đáng, phải chấp nhận trở về bên máng lợn sứt mẻ cùng với một túp lều rách nát. 

Trong xã hội hiện đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng và chất lượng cuộc sống của con người cũng đang ngày càng được đẩy lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời kèm theo là guồng quay nặng nề về những vấn đề như vật chất, tài chính, sự đố kỵ và lòng tham lam. Những yếu tố ấy đang từng bước biến dạng và làm cho chất lượng cuộc sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Lòng tham là một khía cạnh quan trọng cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Đơn giản, lòng tham là sự ham muốn về một thứ gì đó hay là niềm đam mê về một điều nào đó, mong muốn được chiếm hữu làm của riêng. Điều đó xuất hiện và tồn tại trong mọi tầng lớp của xã hội, không phân biệt giàu hay nghèo. Đặc biệt, trong thời kỳ hiện nay, lòng tham về sự giàu có, danh tiếng, và địa vị đang dần trở thành một vấn đề nóng hổi, đòi hỏi sự lên án và kiểm soát chặt chẽ.

Tiền bạc, mặc dù không thể mua được tất cả, nhưng lại có thể thúc đẩy được con người làm mọi cách chỉ để kiếm ra nó. Khi thảo luận về lòng tham, có rất nhiều câu hỏi nhạy cảm được đặt ra, như liệu có nên ham muốn sự giàu có, danh tiếng và tên tuổi cho bản thân hay không? Theo quan điểm của tôi, mỗi người đều nên có quyền ham muốn một cuộc sống với đầy đủ vật chất, danh tiếng và hạnh phúc. Tuy nhiên, quan trọng là chúng ta cần phải biết kiểm soát lòng tham, không khuyến khích việc loại bỏ nó mà thay vào đó nên kiểm soát nó.

Chúng ta có quyền mong muốn một cuộc sống giàu có cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Cũng có quyền cảm thấy ghen tị với người khác, nhưng điều quan trọng nhất là không để lòng tham làm mất đi lương tâm, làm ra những điều trái đạo đức, và làm tổn thương đến người khác. Cuộc sống chỉ đến một lần duy nhất, vì vậy chúng ta nên sống sao cho đúng, cho sạch sẽ và xứng đáng với xã hội.

Tiền bạc và danh tiếng có thể sẽ không đi cùng chúng ta đến cuối cùng và sự giàu có không chắc chắn sẽ mang đến hạnh phúc. Vì vậy, kiểm soát lòng tham và kìm nén tiền bạc và danh vọng, thay vào đó hãy quan tâm đến cộng đồng xung quanh, tương tác với những người đồng nghiệp, hàng xóm, và dành nhiều thời gian cho gia đình. Cuộc sống thực sự đáng sống không phải chỉ là có sự giàu có về vật chất hoặc danh tiếng, mà là về những phút giây yêu thương và đong đầy tình cảm trong gia đình. Đó là những điều mà một khi đã mất đi, chúng ta sẽ không thể tìm lại được.

Kết luận, lòng tham về vật chất, danh tiếng và sự giàu có không nên loại bỏ hoàn toàn nhưng cần phải kiểm soát. Cuộc đời này còn nhiều giá trị quan trọng hơn những ánh đèn rực rỡ của vật chất. Vậy nên, hãy kiểm soát lòng tham của, giữ cho tiền bạc và danh tiếng nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta. Chúng ta có thể kiểm soát được bản thân mình, không để cho lòng tham trỗi dậy, kìm nén trước những cám dỗ không đáng để không bị cuốn vào. Quyết định cuối cùng vẫn nằm ở trong tay bạn, hãy biết đặt lòng tham của mình ở đâu để sau này không phải hối hận về những điều mình làm.

>> Xem thêm: Soạn văn 6 Cánh diều

4. Từ bài thơ Lượm của tác giả Tố Hữu, em hãy trình bày ý kiến của bản thân về lòng dũng cảm của thiếu niên Việt Nam

Dù là ở bất kỳ thời đại nào, dù là người trưởng thành hay là các thiếu niên cũng đều cần có lòng dũng cảm. Dũng cảm để có thể vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống. Một tấm gương về lòng dũng cảm mà em luôn luôn thấy khâm phục đó chính là chú giao liên nhỏ với cái tuổi rất hay “Lượm”. Dù tuổi còn nhỏ nhưng chú bé lại dám đảm nhiệm một công việc rất lớn lao và đầy sự nguy hiểm.

Tác phẩm Lượm của nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa rất chân thật và sinh động về hình tượng của chú giao liên nhỏ ấy. Không chỉ miêu tả về vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn trong sáng đáng yêu của Lượm; bài thơ còn muốn ngợi ca tinh thần chiến đấu hi sinh cùng với phẩm chất anh hùng của chú đội viên liên lạc bằng những vần thơ thật đẹp. Lượm nhỏ bé nhưng thực chất là rất to lớn, to lớn vì sự dũng cảm, băng qua biết bao nhiêu bom đạn để thực hiện công việc giao liên.

Vụt qua mặt trận

Đạn bay vèo vèo

Thư đề: “Thượng khẩn”

Sợ chi hiểm nghèo?

Lượm đã "vụt qua" cơn mưa bom bão đạn. Hai chữ vụt qua đã thể hiện động tác chiến đấu nhanh nhẹn và quả cảm vô cùng. Không hề có chút do dự hay chậm trễ nào khi đang mang trên mình bức thư thượng khẩn. Vì đó chính là mệnh lệnh chiến đấu. Cậu coi cái chết đến với mình nhẹ tựa lông hồng. "Sợ chi hiểm nghèo" câu thơ vang lên giống như một lời thề chiến đấu, dù cho công việc có hiểm nguy nhưng cậu vẫn sẽ hoàn thành một cách tốt nhất, không hề chùn bước cho dù có nguy hiểm đến mạng sống. Người chiến sĩ nhỏ giống như “một tiên đồng” đang dạo chơi ở trên đồng lúa đang trổ đòng đòng. Cậu thực hiện công việc với tâm trạng vui vẻ hồn nhiên; sự lạc quan ấy hoàn toàn đối lập với sự nguy hiểm của công việc giao liên. Từ láy “nhấp nhô” gợi tả vô cùng chính xác tư thế hồn nhiên và bình tĩnh của chú bé liên lạc trên đường băng qua một mặt trận với đầy khói lửa.

Đường quê vắng vẻ

Lúa trổ đòng đòng

Ca lô chú bé

Nhấp nhô trên đồng…

Nhưng rồi Lượm đã hi sinh, cậu hi sinh đầy dũng cảm và rất đáng tự hào. Chiến đấu vì quê hương, hi sinh vì quê hương ở trên chính đất mẹ quê mình. "Bỗng lòe chớp lửa ... Một dòng máu tươi" câu thơ có lửa và có máu, có cả lời than và nỗi đau, là nấc nghẹn vì tiếc thương cho chú bé giao liên.

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng.

Đây là những câu thơ hay nhất nói về sự hi sinh cao cả của người chiến sĩ ở trên chiến trường. Tố Hữu đã sáng tạo nên một không gian nghệ thuật có hương lúa quyện với hồn liệt sĩ vừa thân thuộc lại vừa bình dị, vừa bát ngát lại vừa thiêng liêng. Chú đội viên liên lạc đã ngã xuống với một tư thế của người anh hùng tuổi thiếu niên!

Lượm là một hình tượng tiêu biểu dành cho lứa tuổi thiếu niên anh hùng. Bên ngoài cuộc sống của chúng ta vẫn còn có rất nhiều những thiếu niên nhỏ tuổi và dũng cảm khác. Dũng cảm không phải là một hành động quá lớn lao mà dũng cảm chỉ đơn giản là dám vượt qua các trở ngại để vươn lên trước mọi khó khăn; dám làm những việc mà người ta không dám làm. Đối với lứa tuổi thiếu niên, công việc chính của chúng ta vẫn là học tập. Vậy thiếu niên thì sẽ dũng cảm như thế nào?

Thiếu niên dũng cảm chính là biết nói không với gian lận thi cử, biết vượt qua được những khó khăn để có thể hoàn thành tốt việc học của mình. Việc tố giác hành động gian lận trong quá trình học tập cũng chính là biểu hiện cho sự dũng cảm. Chỉ cần biết và dám đứng ra phê phán hay vạch trần những điều xấu thì chúng ta đã biết hành động dũng cảm. Bên cạnh rất nhiều những tấm gương về lòng dũng cảm để noi theo thì cũng có không ít người lại đang lầm tưởng rằng những hành động liều lĩnh của mình chính là sự dũng cảm. Họ đi xe bốc đầu và buông tay lái khi xe còn đang chạy trên đường, hay đánh nhau để chứng tỏ được bản thân. Tất cả những hành động ấy cho thấy sự liều lĩnh, xem thường mạng sống của chính mình và người khác, chứ không phải là sự dũng cảm. Vậy nên, chúng ta cần hiểu sao cho đúng và làm đúng để lòng dũng cảm trở nên gần gũi hơn với tất cả mọi người.

Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh rất nhiều những gương sáng kiên trì phấn đấu để vượt lên số phận bất hạnh như chị Hướng Dương bị tai nạn giao thông dẫn đến cụt cả hai chân vẫn nhiệt tình là công tác từ thiện giúp đỡ các trẻ em khuyết tật. Như các anh Nguyễn Công Hùng, Nguyễn Đức, Vũ Anh Tuấn hay như các bạn Nguyễn Văn Thọ, Trương Thị Thương (nạn nhân chất độc màu da cam) vẫn luôn luôn cố gắng học tập và làm việc để trở thành những con người có ích. Muốn đạt được mục đích đó, họ cần phải nỗ lực gấp mười, gấp trăm lần những người khỏe mạnh. Sự nỗ lực của họ chính là minh chứng sáng nhất và gần gũi nhất với chúng ta về lòng dũng cảm.

Sự nỗ lực rèn luyện lòng dũng cảm của mỗi chúng ta không thể nào tách rời với việc tự giác nhận thức và học tập, làm theo những tấm gương dũng cảm ở trong xã hội. Không học hỏi, chúng ta sẽ không có được kinh nghiệm, không thể nhanh nhạy trong cách ứng phó với những khó khăn, thử thách. Lòng dũng cảm cần được chuyển thành hành động và hành động ấy phải mang lại những kết quả tốt đẹp. Chúng ta không thể nào lao xuống nước để cứu người bị nạn khi mà chúng ta không biết bơi. Trong những tình huống như vậy, tinh thần dũng cảm cần được hỗ trợ bởi trí thông minh cùng với sự nhanh nhẹn.

Thật khó tưởng tượng được cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu như không tồn tại lòng dũng cảm. Có lẽ bóng tối, cái ác và sự bất công, tất cả những gì xấu xa nhất sẽ có cơ hội được hoành hành và đàn áp con người. Trong bạn, lòng dũng cảm có đang ngự trị không? Nếu có, hãy cố gắng giữ gìn và phát huy để nó mãi mãi là một trong những nét đẹp ở trong nhân cách của mỗi chúng ta.
 

HỌC ONLINE CÙNG GIÁO VIÊN TOP 5 TRƯỜNG ĐIỂM QUỐC GIA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học cá nhân hóa, giúp con tăng 3 - 6 điểm chỉ sau 1 khóa học

⭐ Học chắc - ôn kỹ, tăng khả năng đỗ vào các trường chuyên cấp 2, cấp 3 

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo mong muốn và thời gian biểu cá nhân 

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô, hỗ trợ con 24/7  

⭐ Học lý thuyết đi đôi với thực hành, kết hợp chơi và học giúp con học hiệu quả 

⭐ Công nghệ AI cảnh báo học tập tân tiến, giúp con tập trung học tập

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập được biên soạn bởi các thầy cô TOP 5 trường điểm quốc gia

Trải nghiệm khóa học DUO hoàn toàn miễn phí ngay!!
 

 

Bài viết phía trên là phần Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trang 41| Văn 6 Cánh diều mà VUIHOC muốn các em tham khảo. Bài viết sẽ giúp các em tham khảo một số bài viết trình bày ý kiến về một vấn đề được đặt ra thông qua những tác phẩm văn học đã được học một cách chi tiết và hấp dẫn nhất.

Ngoài phần Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trang 41| Văn 6 Cánh diều, khi các em muốn tham khảo cách viết những đề văn khác hoặc kể cả các môn học khác, các em hãy truy cập ngay vào website của VUIHOC là vuihoc.vn để có thể đăng ký khoá học bổ ích cho mình, các em sẽ được giảng dạy vô cùng chi tiết về những bài soạn cũng như lời giải đáp cho tất cả những thắc mắc từ phía các thầy cô giáo của VUIHOC vừa giỏi chuyên môn lại nhiệt huyết nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 6
0 | 0 đánh giá
Hotline: 0987810990