img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)| Văn 8 tập 1 kết nối tri thức

Tác giả Hoàng Uyên 09:35 20/03/2024 26,177 Tag văn 8

Bài viết kể lại một chuyến đi tham quan di tích lịch sử, văn hóa là một dạng bài viết quen thuộc trong chương trình Ngữ văn 8. Dưới đây, VUIHOC sẽ cung cấp tài liệu Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)| Văn 8 tập 1 kết nối tri thức rất cần thiết và hữu ích. Mời các bạn học sinh tham khảo.

Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)| Văn 8 tập 1 kết nối tri thức
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi văn 8 tập 1 kết nối tri thức: Phân tích bài viết tham khảo

1.1 Nêu mục đích chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

Giúp cho học sinh biết yêu mến, tự hào về một trong những địa điểm văn hóa quan trọng – nơi gìn giữ những dấu tích và hiện vật quan trọng, liên quan tới một nhân vật vĩ đại của dân tộc, một danh nhân văn hóa của thế giới.

1.2 Kể lại diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, trình tự những điểm đến thăm, những hoạt động nổi bật trong chuyến đi…).

- Ba chiếc xe khách chở hơn 100 bạn học sinh khối 8 xuất phát, trên xe cô giáo phụ trách đã lần lượt giới thiệu những vùng đất xe qua, không khác gì một hướng dẫn viên du lịch.

- Đi hơn chục cây số đã đến được khu di tích: đó là Di tích quốc gia đặc biệt – Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du.

1.3 Đan xen giữa kể chuyện với trình bày các thông tin chính và ấn tượng về những nét nổi bật của địa điểm tham quan.

- Thuyết minh về các hạng mục chính của khu di tích.

- Chụp ảnh để lưu lại những kỉ niệm và quay trở về.

1.4 Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

- Trên đường về, dường như ai cũng có vẻ trầm lắng hơn.

- Những cảnh vật được ngắm nhìn trong buổi tham quan hôm nay bỗng lại hiện ra rõ mồn một trong tâm trí tôi, như một cuốn phim quay chậm.

>> Xem thêm: Soạn văn 8 kết nối tri thức

2. Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi văn 8 tập 1 kết nối tri thức: Thực hành viết

2.1 Viết bài văn kể lại một chuyến đi Đền Hùng.

Bất cứ những người con Việt Nam dù đi đâu về đâu cũng đều nhớ tới những giá trị văn hóa của dân tộc ta, nhớ tới những lễ hội tôn vinh chiến công, công sức dựng nước của mười tám vị vua Hùng - những người đã có công dựng xây những nền móng đầu tiên của đất nước Việt Nam chúng ta. Chính vì vậy, năm nào cũng thế, vào ngày mùng mười tháng ba âm lịch, cả nước ta đều hướng tới Đền Hùng - Phú Thọ. Đây là khu di tích lịch sử, nơi thờ tụng những vị vua Hùng và là nơi tổ chức lễ hội vào những ngày này. Nhà nước ta quy định, vào những năm chẵn lễ hội sẽ được tổ chức theo nghi lễ của quốc gia còn những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ phụ trách. Nhưng dù là năm nào đi chăng nữa thì vào những ngày này, mọi người dân ai cũng muốn được tới nơi đây để thể hiện tấm lòng thành kính của mình dâng lên cho tổ tiên và những thế hệ đi trước. Đây chính là một trong những lễ hội lớn nhất của đất nước chúng ta.

“Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Lễ hội Đền Hùng và giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày mùng mười tháng ba âm lịch hằng năm. Những ngôi đền thờ các vị vua Hùng tọa trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây thể hiện một cách vô cùng sâu sắc những hình thức sinh hoạt về tín ngưỡng truyền thống của nhân dân. Lễ hội cũng được bắt đầu từ chính thời đại của vua Hùng Vương trong quá trình dựng nước và giữ nước. Cũng chính bởi những lí do như trên mà chúng ta đã duy trì lễ hội này và được tổ chức với quy mô lớn qua các năm càng chứng tỏ tấm lòng của dân tộc ta, những người thuộc thế hệ đi sau vẫn luôn ghi nhớ với niềm biết ơn sâu sắc tới những vị cha ông ta đã hi sinh để bảo vệ cho đất nước, dân tộc.

Qua đây, chúng ta cũng có thể nhận thấy một cách sâu sắc lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam chúng ta. Vào những dịp lễ như thế này, chúng ta không thể nào bỏ qua được lễ hội Rước kiệu. Đây là một trong những công việc thể hiện sự kính lễ, nghiêm trang tới những anh hùng đã khuất. Không khí diễn ra buổi lễ vô cùng nghiêm túc, không hề có những hành động như nghịch ngợm hay cười đùa. Mọi người sẽ nâng kiệu và đi qua các đền, chùa ở trên Đền Hùng. Trên kiệu là những lễ vật như xôi, gà, bánh chưng,… Đó đều là những món cúng truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta. Tất cả đều được xếp một cách gọn gàng và đẹp đẽ ở trong năm bộ kiệu. Đoàn rước kiệu luôn được tổ chức một cách vô cùng trang nghiêm và cẩn thận. Thường thì những người được chọn rước kiệu đều là những người có sức khỏe tốt, ưa nhìn được thành phố lựa chọn. Họ đều mặc lên mình bộ đồng phục thống nhất và gọn gàng. Mỗi người sẽ mang theo những vũ khí thời xưa được phóng tác lại bằng gỗ như đao, chùy, cờ, long,.. để mô phỏng lại như thời xưa. Đoàn rước kiệu đi tới đâu, tiếng chiêng tiếng trống rộn ràng theo tới đó. Tiếp theo đó là những đoàn đại biểu sẽ xếp hàng chỉnh tề để đi sau kiệu và cùng nhau lần lượt đi theo kiệu lên tới trên đỉnh đền. Điểm dừng đầu tiên của đoàn chính là “ Điện kính thiên” . Đến đây, cả đoàn dừng lại và thực hiện nghi lễ dâng hương. Bầu không khi như đọng lại và trang nghiêm vô cùng. Mọi người ai cũng nghiêm túc, chăm chú để theo dõi quá trình dâng hương tới thần linh.

Điểm dừng tiếp theo, mọi người đi vào trong thượng cung của đền Thượng. Đây là ngôi đền có vị trí cao nhất và là ngôi đền chính trong số những đền ở đây. Do đó, tại nơi này, thường sẽ có một vị lãnh đạo đại diện cho nhân dân cả nước phát biểu để bày tỏ lòng biết ơn những gì mà ông cha ra đã để lại, sau đó là lời hứa sẽ hứa cố gắng hơn cho những năm sau, cầu mong sự an lành và phát triển kinh tế cho nhân dân, đất nước. Thông thường thì nghi lễ này sẽ được các báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng theo dõi và phát lại trực tiếp để cho dân chúng khắp nơi trên cả nước cùng nhau theo dõi. Lúc này, tất cả mọi người ai nấy đều nói thầm những lời nguyện cầu từ sâu trong trái tim của mình, mong nhận được sự phù hộ bình an của tất cả thần linh dành cho con cháu.

Sau phần nghi lễ tế những vị vua Hùng là phần hội. Đây cũng chính là phần được mọi người rất mong đợi và vô cùng yêu thích, nhất là với những người thuộc thế hệ trẻ. Mở màn phần hội năm nào hầu như cũng là phần thi kiệu của những làng ở xung quanh. Sự tham gia hào hứng của người dân khiến cho không khí của mùa lễ hội được dâng cao lên rất nhiều. Bởi mỗi cuộc thi, mọi người sẽ xem xét và chấm xem cỗ kiệu của làng nào là đẹp nhất thì tới hội năm sau, cỗ kiệu của làng đó sẽ được thay mắn những làng còn lại để được rước lên đền Thượng làm lễ. Đó chính là niềm vinh hạnh vô cùng lớn lao đối với ngôi làng được giải nhất bởi theo như tập tục cho rằng, ngôi làng có cỗ kiệu được chọn thì trong năm làm ăn sẽ gặp được nhiều may mắn, được các Ngài phù hộ tốt lành. Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ được những đặc điểm trong đời sống tâm linh của những làng xã quanh chân núi Hùng nói riêng cùng toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung.

Trong lễ hội, chúng ta còn được xem nghi lễ hát Xoan. Đây là nghi lễ vô cùng độc đáo mà chỉ ở nơi đây mới có bởi chiếu theo lịch sử thì đây chính là điệu múa hát được bà Lan Xuân- vợ của vua Lý Thần Tông vô cùng yêu thích và đã có nhiều sự đóng góp giúp cho điệu hát này trở thành điệu hát thờ tại các đền thờ của các vua Hùng. Không chỉ có hát Xoan mà ở đền Hạ còn có tiết mục ca trù. Ca trù cũng là một loại hình ca hát truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta. Bên ngoài sân, mọi người tụ tập cùng nhau để chơi một số những trò chơi dân gian như đánh cờ, chọi gà, đu quay, đấu vật,.. Với rất nhiều những trò chơi khác nhau, những người đến tham dự lễ hội được thưởng thức bất cứ một loại hình nào mà mình yêu thích. Như những bạn trẻ thường sẽ chọn chơi đánh đu trên những đu quay làm bằng tre, nứa vô cùng chắc chắn. Buổi tối, những người có niềm yêu thích với ca hát có thể cùng nhau tham gia những bài hát đối, hát chèo, hát giao duyên,… ngay tại sân của đền Hạ hoặc đền Giếng. Với biết bao nhiêu những hoạt động bổ ích, hằng năm những lượt khách tới thăm, viếng đền Hùng là vô cùng nhiều. Ai cũng muốn một lần được tới nơi thờ phụng tổ tiên của đất nước để thể hiện tấm lòng thành kính.

Lễ hội Đền Hùng hay Giỗ tổ Hùng Vương là một phong tục rất đẹp trong đời sống tâm linh của dân tộc người Việt Nam ta. Chúng mang những giá trị về văn hóa lịch sử vô cùng to lớn đối với sự phát triển của đất nước từ xưa đến nay. Chính vì vậy mà đã từ lâu, Phú Thọ luôn được coi là thánh địa của cả nước, là cái nôi của dân tộc. Trải qua một quãng thời gian vô cùng dài với biết bao thăng trầm trong lịch sử nhưng nhà nước vẫn luôn cố gắng tổ chức lễ hội Đền Hùng hàng năm để tưởng nhớ tới những vị vua khai sáng ra nước Việt ta. Những người hành hương tìm tới với nơi đây đều mang trong mình những niềm thành kính với mong muốn gửi lên tấm lòng chân thành của mình tới tổ tiên. Điều đó khiến cho chúng ta luôn càng cảm thấy tự hào về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt Nam ta.

2.2 Viết bài văn kể lại một chuyến đi Mai Châu- Hòa Bình.

Cuộc đời mỗi con người đều là những chuyến đi dài ngắn khác nhau. Sau mỗi chuyến đi ấy, chúng ta lại được đón nhận thêm nhiều kiến thức mới mẻ. Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được tham gia rất nhiều chuyến tham quan, nhưng chuyến tham quan mà khiến cho tôi nhớ nhất là chuyến tham quan Mai Châu – Hòa Bình năm ngoái. Chuyến đi giúp cho chúng tôi được khám phá vẻ đẹp quê hương đất nước và bồi dưỡng tình cảm với mảnh đất xinh đẹp này.

Thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm học lớp 11, lớp chúng tôi đã tổ chức một chuyến đi tham quan xa 2 ngày 1 đêm. Thông báo đột ngột từ giáo viên chủ nhiệm khiến cả lớp bất ngờ và vô cùng vui sướng. Đứa nào đứa ấy trong lòng đều nôn nóng, rối rít chuẩn bị đồ đạc. Ba ngày sau đó, chúng tôi xuất phát. Xe du lịch chở chúng tôi chầm chậm rời khỏi nội thành thủ đô, ánh nắng khuất dần phía sau những tòa nhà cao chót vót. Khói bụi cùng tiếng còi xe ồn ào cũng biến mất dần ở phía sau, xe đưa chúng tôi băng qua những con đường với bóng cây xanh rợp mắt.

Đến gần trưa, núi đồi với những rừng cây xanh mát nhanh chóng choáng ngợp trước tầm mắt háo hức của chúng tôi. Hòa Bình đã chập chững bước sang mùa đông nên càng lên cao, những hạt mưa li ti càng lất phất nhiều. Chúng tôi dừng nghỉ chân tại Đào Thung Khe (Đèo đá trắng). Đứng trên đèo nhìn xuống, tôi được thấy toàn cảnh thung lũng Mai Châu từ trên cao. Bác tài còn nói rằng, một ngày ở Thung Khe như trải qua 4 mùa trong năm vậy. Xe lại tiếp tục lăn bánh, bác tài xế vừa cẩn thận cầm lái vừa giải thích một chút địa hình nơi này, những dãy núi đá đỏ gạch kia vào mỗi lần mưa bão lại sụp xuống, gây ra bao nguy hiểm cho người đi đường và người dân nơi đây. Xe đi qua những dãy đồi người dân trồng mía, trồng cam – giống cam Cao Phong nổi tiếng, những ngôi nhà sàn rồi dừng lại tại một dãy nhà sàn được dùng cho du khách đến tham quan. Dưới sự hướng dẫn của cô chủ nhiệm, thầy phụ trách cùng các bác phụ huynh, chúng tôi nhanh chóng thu dọn đồ đạc và nghỉ ngơi một chút.

Chiều đến, một thiếu nữ vô cùng xinh xắn trong trang phục người Mèo đến hướng dẫn đoàn tham quan chúng tôi. Chị ấy mặc chiếc váy xòe rực rỡ, nói giọng miền Bắc lại vô cùng tốt bụng, lần lượt dẫn chúng tôi đến các điểm tham quan ở đây. Mai Châu vào những tháng 10, 11, 12 ngập tràn những cánh rừng hoa mận, hoa đào trắng xóa. Địa điểm ghé thăm đầu tiên là Bản Lác và bản Poom Coọng - đây là 2 làng du lịch lớn nhất và đông đúc nhất ở Mai Châu. Đến đây, chúng tôi được thưởng thức đặc sản của Mai Châu, mua quà lưu niệm và khám phá những nét đẹp văn hóa, đời sống, lễ hội của người dân Mai Châu. Đi hết hai bản này trời cũng đã sập tối, đoàn trở về nhà sàn cùng nhau ăn uống, vui chơi. Trong đêm hôm ấy, lũ chúng tôi được nằm cạnh bên nhau, thì thầm nhỏ to những câu chuyện bí mật.

Sáng sớm hôm sau, tôi giật mình nghe tiếng gà gáy vang như tiếng gà ở những miền quê, không khí Mai Châu yên bình và trong lành vô cùng. Chúng tôi đánh răng, rửa mặt, dùng bữa sáng rồi lại lên những chiếc xe điện, tiếp tục tham quan. Nơi chúng tôi đặt chân đến là Hang Mỏ Luông và Hang Chiều - 2 quần thể hang động lớn và đặc sắc ở Mai Châu. Bước vào trong hang động, tôi ngỡ ngàng nhìn ngắm những nhũ đá hàng nghìn năm tuổi với nhiều hình thù và màu sắc cực đẹp, không thua gì nhũ đá ở Phong Nha Kẻ Bàng. Xe điện chầm chậm chạy ngang qua những bản làng của người dân tộc, những cánh đồng lúa bao la dần ngả vàng, người dân nơi đây cũng đưa mắt dõi theo xe. Cuộc sống của họ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhìn những thiếu nữ còn ít tuổi nhưng đã hai tay ôm hai đứa trẻ, lòng tôi bỗng trào dâng niềm thương cảm. Trên con đường về nhà sàn, chúng tôi gặp cả những gia đình người nước ngoài, họ vui vẻ đạp xe và thân thiện vẫy tay chào chúng tôi.

Cuộc vui nào cũng phải đến hồi kết, chúng tôi dạo quanh những khu bán đồ của người dân địa phương, mua những món quà lưu niệm. Những ống cơm lam thơm ngọt ngào, những vật dụng, hay những trang phục thổ cẩm xinh đẹp khiến mọi người nhìn không chớp mắt. Tạm biệt Mai Châu, xe ngược đường quay trở lại thủ đô. Điều đặc biệt ở trong chuyến đi ấy là trên đường về, chúng tôi còn được vào những vườn cam Cao Phong, tự tay hái những quả cam tươi để mang về.

Hà Nội xô bồ, náo nhiệt lại gần ngay trước mắt. Chúng tôi mỗi người tay ôm một món quà của Mai Châu, mang theo một ấn tượng riêng về thiên nhiên và con người nơi ấy, lòng tự nhủ sẽ lần nữa về tham quan nơi bản làng xinh đẹp ấy.

2.3 Viết bài văn kể lại một chuyến đi Hoa Lư - Ninh Bình.

Vào một buổi sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn chìm trong mờ ảo của buổi bình minh thì đoàn xe tham quan của trường tôi đã bắt đầu chuyển bánh. Những chiếc xe đầy ắp tiếng cười nói lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang dòng sông Đáy hiền hoà rồi tiếp tục lăn bánh bon bon trên quốc lộ 1. Chuyến đi thăm cố đô Hoa Lư – Ninh Bình vừa qua đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Tôi nhớ mãi cảm xúc háo hức, phấn khởi và ngạc nhiên, thích thú trong chuyến đi hôm ấy.

Xa xa, dãy Non Nước hiện lên thấp thoáng qua màn sương mờ ảo. Chúng tôi đều cảm thấy hồi hộp vì tuy nghe danh đã lâu nhưng chưa ai có dịp được đặt chân tới mảnh đất “cờ lau dẹp loạn” này bao giờ. Hoa Lư ngay trước mắt đây rồi! Kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt chính là đây. Toàn bộ khu di tích nằm trong một thung lũng, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp. Tạo hoá đã khéo léo khi sắp đặt cho nơi này một cảnh quan hùng vĩ với phía trên là núi, phía dưới là sông, đẹp như một bức tranh sơn thuỷ.

Đến Hoa Lư hôm nay, tuy chúng tôi không còn được nhìn thấy những cung điện nguy nga, những thành cao hào sâu… nhưng mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi ở nơi đây đều ghi đậm dấu ấn vẻ vang của một thời lịch sử oai hùng. Nào là núi Cột Cờ cao hơn 200 mét, nơi anh hùng Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ khởi nghĩa. Nào là ngòi Sả Khê chảy qua hang Luồn, đây chính là nơi thuỷ quân ta luyện tập hằng ngày. Rồi cả hang Muối, hang Tiền với những nhũ đá lóng lánh. Phải chăng đây chính là kho dự trữ lương thực của đạo quân thiện chiến ngày xưa? Giữa khu di tích Hoa Lư có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Ngôi đền sừng sững mái cong vút, lợp ngói hình vảy cá, rêu xanh đã phủ lớp dày dấu thời gian. Cột dé được làm bằng những cây gỗ to, một vòng tay ôm không xuể. Sân đền vẫn còn lưu lại dấu tích bệ đặt ngai ngự của nhà vua, đó là một phiến đá to và bằng phẳng. Các nghệ nhân tài hoa thuở xưa đã vô cùng khéo léo khi khắc chạm hình rồng bay rất đẹp. Xung quanh là hình con nghê với dáng vẻ dũng mãnh, hình chim phượng cao quý tượng trưng cho uy quyền của vua chúa. Chúng tôi ngắm chiếc sập đá mà thầm khâm phục hoa tay tài hoa của các nghệ nhân thuở trước. Bên trong chính cung là tượng vua Đinh Tiên Hoàng uy nghi ngự trên ngai. Nhà vua mặc áo thêu rồng, trên đầu đội mũ bình thiên, bàn tay xoè rộng, đặt nhẹ trên gối với vẻ cương nghị đọng lại ở đôi môi mím chặt, đôi mắt mở to nhìn thẳng. Thắp một nén hương tưởng niệm, lòng tôi dâng lên niềm cảm phục đối với người đã có công xây dựng vùng đất Hoa Lư thành kinh đô của nước Đại Việt xưa.

Tạm biệt đền vua Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi đến thăm đền thờ vua Lê ở phía bên trái của khu di tích. Vua Lê vận long bào, đầu đội mũ miện vàng, kiếm đeo ngang lưng trông dáng vẻ rất oai nghiêm. Trong khu vực đền thờ còn có một bức tượng người phụ nữ gương mặt phúc hậu, đoan trang. Đó chính là thái hậu Dương Vân Nga, bậc liệt nữ đã ghé vai gánh vác cả sự nghiệp của hai triều Đinh – Lê. Những vị được tôn thờ ở nơi đây đều có tài năng kiệt xuất, xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta.

Thời gian không đủ để leo núi nên chúng tôi đứng trong thung lũng, ngẩng đầu ngắm nhìn bốn phía để có thể cảm nhận rõ thêm vị thế hiểm trở của cố đô. Có bạn đã giở cuốn sổ tay, phác nhanh vài nét kí hoạ. Nhiều bạn lên tiếng bình luận sôi nổi về phong trào cờ lau dẹp loạn thuở nào.

Trời đã bước vào buổi xế chiều. Chúng tôi lưu luyến ra về và vẫn nuối tiếc vì chưa kịp bẻ mấy bông lau làm cờ cắm trước đầu xe cho thêm khí thế. Đến thăm Hoa Lư, chúng tôi được biết thêm một cảnh đẹp và hiểu thêm về lịch sử oai hùng của dân tộc. Chuyến đi tham quan này đã trở thành đề tài của những cuộc trò chuyện sôi nổi trong lớp tôi suốt những ngày sau đó.

2.4  Viết bài văn kể lại một chuyến đi thăm Lăng Bác.

Trong chương trình học môn lịch sử, nhà trường có kế hoạch sẽ dành cho học sinh một buổi trải nghiệm thực tế tại một khu di tích lịch sử. Là học sinh sống giữa thủ đô Hà Nội, nhưng không phải bạn nào cũng đã được tới thăm Lăng Bác. Do đó, sau một hồi thảo luận sôi nổi, lớp chúng tôi đã quyết định thống nhất, chuyến hành trình tiếp theo của cả lớp sẽ là chuyến viếng thăm Lăng Bác. Các thầy cô cũng đồng tình với ý kiến này và bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi, bắt đầu vào thứ Sáu tuần tới.

Biết được tin này, cả lớp chúng tôi vô cùng háo hức chờ đợi để được vào viếng Bác, chỉ có điều tiếc nuối là vì thời gian có hạn, chúng tôi không thể tham dự lễ thượng cờ và hạ cờ thiêng liêng. Ngày hôm đó, tôi chẳng cần nhờ bố mẹ gọi dậy như mọi khi mà đã tự giác dậy từ rất sớm, chuẩn bị mọi công đoạn vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Thật may thời tiết ngày hôm ấy cũng ủng hộ chúng tôi, tiết trời mùa thu Hà Nội trong xanh có nắng, nhưng đó không phải là cái nắng oi ả của mùa hè mà rất mát mẻ, dễ chịu. Bố đưa tôi đến trường, tôi vội chào bố rồi ùa theo các bạn lên chiếc xe ô tô đã đợi sẵn, theo chân cô giáo để ổn định chỗ ngồi, khấp khởi chờ mong cuộc hành trình sắp tới.

Đúng 8h, đoàn xe bắt đầu xuất phát, trên con đường đông đúc người qua lại, chúng tôi tiến thẳng về trung tâm của thủ đô, nơi có trái tim của cả nước. Bấy giờ tôi cũng mới để ý thấy cô giáo của chúng tôi hôm nay cực kỳ duyên dáng trong bộ áo dài trắng truyền thống. Có thể thấy, cô cũng muốn chuẩn bị cho bản thân mình thật tươm tất khi đến gặp Người. Cô bắt đầu giới thiệu sơ qua cho chúng tôi hiểu nguyên nhân vì sao xây dựng lăng, cấu trúc của lăng và không quên dặn dò chúng tôi lát nữa nhớ đi thành hàng, không được xô đẩy, chen lấn.

Hóa ra, trong di chúc, Bác Hồ mong muốn được hỏa táng và đặt tro cốt tại ba miền đất nước, để Người có thể ngắm nhìn non sông đổi thay từng ngày, đến với những miền quê mà lúc sinh thời chưa có cơ hội đến. Nhưng thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Đảng và Nhà nước đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài vị Chủ tịch vĩ đại của dân tộc để mai sau, người dân cả nước, nhất là người dân miền Nam và cả du khách quốc tế có dịp tới viếng Bác. Quả thật đây là một việc làm đúng đắn, nếu ngày đó không xây dựng Lăng Bác, thì sao hiện tại lớp con cháu như chúng ta có thể đến viếng Bác, mà chỉ có thể tiếc nuối tìm hiểu về Người qua những trang sách mà thôi.

Không mất nhiều thời gian, xe của lớp chúng tôi đã tiến vào đường Độc Lập, con đường mang cái tên đầy cảm xúc của ngày toàn thắng, như để báo công cho Bác biết, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, nhân dân Nam Bắc sum vầy. Mở ra trước mắt tôi đó là không gian rộng lớn của quảng trường Ba Đình lịch sử. Không bạn nào cất tiếng làm ồn, ai cũng cùng nhìn về một hướng, đó là Lăng Bác, chắc hẳn các bạn cũng đang có cảm xúc như tôi, vừa háo hức, chờ mong và cũng có phần bồi hồi. Theo chân cô giáo chủ nhiệm, chúng tôi xếp thành hai hàng để tiến vào Lăng. Hôm nay tuy không phải cuối tuần nhưng vẫn có rất đông các đoàn khách ra vào. Không chỉ có đoàn của các bác, các ông cựu chiến binh, quân nhân, các bà các cô thướt tha trong tà áo dài mà còn có các đoàn du khách nước ngoài... Tất cả đã tạo nên một khung cảnh đầy màu sắc mà cũng chan chứa tình yêu thương, mọi người đều hướng về Bác, hướng về vị lãnh tụ xuất sắc của dân tộc.

Giữa quảng trường Ba Đình rộng lớn, lăng Bác tọa lạc ở giữa với một tư thế uy nghi nhưng không hề xa cách. Xung quanh lăng là màu xanh tươi mát của cây cối và những nhành hoa rực rỡ, mang mùi hương thoang thoảng theo chiều gió. Dòng xe cộ đông đúc bên ngoài kia dường như chẳng hề ảnh hưởng đến không gian trong lành, thanh tịnh nơi đây. Tôi quan sát kỹ từng gốc cây nhành lá, bởi chúng như những chứng nhân của lịch sử, tự chúng mang trong mình một sự kiện lịch sử riêng. Có cây là do nhân dân ở một vùng miền nào đó trên dải đất hình chữ S gửi tặng, có cây thì do lãnh đạo của một đất nước xa xôi kính biếu. Chúng hội tụ ở đây, kết tinh tình cảm của mỗi một con người dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta- Bác Hồ.

Sau chặng đường dài, cả lớp chúng tôi đã tiến vào trong lăng. Không khí bên trong vô cùng trang nghiêm, tĩnh mịch, dù có rất đông người bên trong, nhưng ai cũng đi nhẹ nói khẽ, cùng hướng tầm nhìn về nơi Bác Hồ yên nghỉ, bước chân chậm rãi đầy luyến tiếc. Bác nằm đó chìm trong giấc ngủ an lành, nét mặt tĩnh lặng nhưng vẫn nhìn ra sự đôn hậu, nghiêm cẩn của một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Nhìn thấy Bác, trái tim tôi tựa như hẫng lại một nhịp, khó lòng để hình dung cảm xúc của bản thân lúc ấy như thế nào. Tôi cũng như các bạn, cố gắng bước thật chậm để ngắm Bác kĩ hơn, nhưng con đường ngắn ngủi trong lăng đã kết thúc. Bước ra khỏi lăng, các thầy cô dẫn chúng tôi đi thăm quan nhà sàn, ao cá Bác Hồ và Bảo tàng Hồ Chí Minh... Nhưng thật lạ, có lẽ dư âm của cuộc hội ngộ ban nãy với người cha già kính yêu đã khiến chúng tôi càng thêm xúc động khi tận mắt chiêm ngưỡng những kỉ vật của Người. Ôi một vị lãnh tụ nhưng những đồ dùng sinh hoạt sao lại giản dị đến thế, một đôi dép cao su, chiếc gậy tre, hay là bộ quần áo vải bạc màu, chiếc mũ cối sờn chỉ, với chiếc bàn làm việc giản đơn, máy đánh chữ đời cũ... Tất cả chỉ có thể, những kỉ vật giống như thước phim tua chậm, giúp chúng tôi hình dung về cuộc sống thường ngày của Bác. Dường như hình ảnh Người ngồi làm việc vẫn còn đó, trong trái tim tôi bỗng dâng lên lòng cảm phục, thương tiếc, ánh mắt tôi nhòe đi khi nghe thấy tiếng loa phát thanh, thông báo tin Bác mất năm 1969. Lạ thay, tôi như trở thành những bé thiếu nhi năm ấy khóc mãi dưới làn mưa đưa tiễn Bác về với Các Mác, Lênin.

Gần trưa, đoàn xe lớp chúng tôi tạm biệt Bác, tạm biệt các anh lính gác lăng để trở về trường. Ngồi trên xe, chúng tôi dí dỏm câu chuyện về chuyến đi vừa qua, chia sẻ với nhau những điều cảm thấy ấn tượng nhất. Chuyến đi viếng Lăng Bác vô cùng ý nghĩa này đã để lại trong trái tim tôi thật nhiều cảm xúc và trải nghiệm quý giá. Nhớ về Người, tôi tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để trở thành con ngoan trò giỏi, đưa non sông Việt Nam sánh ngang với các cường quốc năm châu như điều Bác kỳ vọng. Biết đâu đấy, vào một ngày không xa tôi sẽ lại đến thăm Bác để báo công với Người về những kết quả mà bản thân đã cố gắng đạt được.

Trên đây VUIHOC đã cùng các bạn Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa). Dạng bài này giúp học sinh rèn luyện kỹ năng kể chuyện, miêu tả, biểu cảm, đồng thời giáo dục các em lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

| đánh giá
Hotline: 0987810990