Nghị luận về một tư tưởng đạo lí: Cách viết một bài văn hoàn chỉnh
Nghị luận xã hội là một đề bài thường gặp trong các đề thi, đề kiểm tra. Nghị luận xã hội có nhiều loại trong đó có nghị luận về một tư tưởng đạo lí. Đây cũng là nội dung của bài viết dưới đây VUIHOC muốn tổng hợp cho các bạn. Cùng theo dõi bài viết để hiểu rõ về khái niệm, kỹ năng làm bài, các bước làm bài và tập lập sơ đồ tư duy cho chính mình nhé!
1. Bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí là gì?
Nghị luận về một tư tưởng đạo lý là việc phân tích và bàn luận về một vấn đề thuộc phạm trù tư tưởng hay đạo lý như cách hành xử, thái độ, cử chỉ và hành vi của con người với con người hoặc của con người với những vấn đề xã hội đang nổi cộm ngày nay, nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý là việc tổng hợp nhiều động tác lập luận để làm sáng tỏ những vấn đề tư tưởng, đạo lý xuất hiện trong cuộc sống và trong những mối quan hệ xã hội.
Đề bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý thì rất đa dạng và thể hiện những tư tưởng và quan niệm mang tính nhân văn, hướng con người đến những điều tốt. Đề bài nghị luận về tư tưởng đạo lý sẽ bao gồm 2 dạng, dạng 1 đã nêu rõ yêu cầu nghị luận, còn dạng 2 chỉ đưa ra vấn đề nghị luận chứ không đưa ra yêu cầu cụ thể nào để người đọc có thể tự nhận định, có đề nêu trực tiếp vào vấn đề nghị luận, có đề lại gián tiếp đưa ra vấn đề nghị luận thông qua một câu danh ngôn, một câu chuyện, một câu ngạn ngữ, một bài học trong cuộc sống. Vì vậy học sinh cần phải đọc kỹ đề bài cũng như nắm chắc kỹ năng làm bài thì mới có thể dành được điểm cao.
2. Kỹ năng viết bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí
2.1 Kỹ năng phân tích đề
Phân tích đề là chỉ ra được những yêu cầu về nội dung cũng như thao tác lập luận và phạm vi dẫn chứng của đề. Đây là bước vô cùng quan trọng trong quá trình làm văn nghị luận xã hội.
Các bước phân tích đề: Đọc kĩ đề bài sau đó gạch chân các từ khoá then chốt (những từ mang ý nghĩa của đề), chú ý những yêu cầu của đề (nếu có), xác định rõ yêu cầu của đề (Tìm hiểu nội dung của đề, tìm hiểu về hình thức và phạm vi tư liệu cần phải sử dụng).
Cần trả lời được các câu hỏi sau:
- Đây là dạng đề gì?
- Đề đặt ra vấn đề nào cần giải quyết?
Có thể viết lại rõ ràng luận đề ấy ra giấy. Có 2 dạng đề:
Đề nổi, học sinh có thể dễ dàng nhận ra sau đó gạch dưới luận đề trong đề bài.
Đề chìm, học sinh cần phải đọc kĩ đề bài, dựa vào ý nghĩa câu chuyện, câu nói, văn bản được trích dẫn mà xác định ra luận đề.
Ví dụ minh hoạ:
Dạng đề mà trong đó tư tưởng đạo lí được nhắc đến một cách trực tiếp.
Ví dụ: bàn luận về sự tự tin hoặc lòng tự trọng của con người trong cuộc sống hay tinh thần tự hào dân tộc.
Dạng đề mà trong đó tưởng đạo lí được nhắc đến một cách gián tiếp.
Ví dụ: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết” (B.Babbles). Hãy trình bày suy nghĩ của các anh/ chị về ý kiến phía trên.
Hướng dẫn phân tích đề:
Ý kiến trên có những từ khoá trọng tâm cần phải giải thích được:
“Sứ mạng”: Vai trò vô cùng lớn lao, cao cả của cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái. “Người mẹ”: Người sinh ra những đứa con, rộng hơn chính là muốn nói đến mái ấm gia đình.
“Chỗ dựa cho con cái”: nơi có thể che chở, yêu thương và là nơi con cái có thể dựa dẫm, nương tựa.
→ Câu nói đã đưa ra được quan điểm về giáo dục của cha mẹ đối với con cái hết sức thuyết phục: Vai trò của cha mẹ không chỉ nằm ở việc dạy dỗ con mà quan trọng hơn hết là làm sao để con cái biết sống một cách chủ động, tích cự và không dựa dẫm. Đây chính là vấn đề cần nghị luận.
2.2 Kỹ năng xác định luận điểm, luận cứ
Học sinh cần phải tham khảo dàn ý chung của kiểu bài nghị luận về tư tưởng đạo lí để có thể xác định những luận điểm cho bài viết. Thông thường, một bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí sẽ có các luận điểm chính sau:
Luận điểm 1: Giải thích được tư tưởng đạo lí
Luận điểm 2: Bình luận và chứng minh tư tưởng đạo lí, đồng thời phê phán những biểu hiện sai lệch liên quan tới vấn đề
Luận điểm 3: Bài học được rút ra
Để thuyết minh cho luận điểm lớn, người ta thường sẽ đề xuất những luận điểm nhỏ. Một bài văn có thể xuất hiện nhiều luận điểm lớn, mỗi luận điểm lớn lại được cụ thể hoá hơn bằng nhiều luận điểm nhỏ. Tuỳ vào từng đề bài, học sinh có thể triển khai theo những luận điểm nhỏ hơn.
Ví dụ minh hoạ:
Đề bài: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”. (Trích Đường đến ngày vinh quang – nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập)
Anh (chị) hãy viết một bài văn (độ dài khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về nhận định trên.
Bài văn trên có những luận điểm như sau:
Luận điểm 1: Giải thích về ý nghĩa thông điệp của tác giả. Tác giả muốn khẳng định về một chân lý: Muốn có hạnh phúc hay thành công trên đường vinh quang thì mỗi người bắt buộc phải biết “chịu đau” khi gặp phải những “mũi gai” và “đi qua muôn ngàn sóng gió”.
Luận điểm 2: Bàn luận
Vì sao tác giả lại khẳng định như thế? Lấy dẫn chứng để chứng minh được vấn đề
Luận điểm 3: Nêu bài học được rút ra: để có thể thành công trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cần phải suy nghĩ và hành động như thế nào?
Khi xây dựng lập luận, điều quan trọng nhất chính là phải tìm cho được những luận cứ có sức thuyết phục cao. Luận cứ là những ý nhỏ hơn giúp triển khai cho luận điểm. Luận cứ có thể là những dẫn chứng và lý lẽ làm sáng tỏ cho luận điểm. Luận cứ phải đảm bảo được những yêu cầu cơ bản như sau:
+ Trước hết, luận cứ phải phù hợp với những yêu cầu khẳng định của luận điểm. Nội dung của luận cứ phải có sự thống nhất với nội dung của luận điểm.
+ Thứ hai, luận cứ cần được xác thực, tức là nó phải đúng đắn. Khi nêu ra luận cứ, người viết cần phải biết chính xác về nguồn gốc, các sự kiện, các số liệu và tiểu sử nhân vật,… Biết không chắc chắn thì không cần vội sử dụng. Tuyệt đối không được phép bịa đặt luận cứ.
+ Thứ ba, luận cứ phải thật tiêu biểu.
+Thứ tư, luận cứ phải ở mức vừa đủ, đáp ứng được yêu cầu chứng minh toàn diện cho luận điểm.
Học sinh cần trích dẫn một cách chính xác. Nhớ nguyên văn thì đặt ở trong dấu ngoặc kép, nhớ đại ý thì phải chuyển thành lời gián tiếp.
Lộ trình khóa học PAS THPT sẽ được thiết kế riêng cho từng bạn học sinh, phù hợp với khả năng của các em cũng như giúp các em từng bước đạt điểm cao trong mọi kỳ thi chung và riêng.
3. Các bước viết bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí
3.1 Cách 1
Giải thích và phân tích, bác bỏ hoặc không, bình luận, nêu bài học nhận thức và hành động chính là 5 bước khi làm bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí
Nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lý hết sức đa dạng, có thể là vấn đề mang tính tích cực (như lòng dũng cảm, tình mẫu tử, tình yêu thương, tình thầy trò, tình đồng bào...) hoặc tiêu cực (như bệnh vô cảm, sự vụ lợi, dối trá,...). Dù đề bài ra theo bất cứ hướng nào, để làm tốt, học sinh có thể triển khai dựa trên 5 bước sau:
Bước 1: Giải thích (là gì)
Phần này thường sẽ trả lời cho câu hỏi là gì và như thế nào... Trước hết, người viết cần tìm và giải thích được nghĩa của các từ được coi là từ khóa; nếu đặt nó vào một hoàn cảnh cụ thể trong cả câu nói thì nó biểu hiện ý nghĩa như thế nào. Qua đó rút ra được ý nghĩa chung của tư tưởng đạo lý và quan điểm của tác giả thể hiện thế nào thông qua câu nói.
Bước 2: Phân tích (tại sao)
Học sinh cần trả lời câu hỏi tại sao vấn đề này lại đúng hoặc tại sao không đúng, không phù hợp, đồng thời sử dụng dẫn chứng thực tiễn nhằm chứng minh lập luận của mình, giúp phần bàn luận trở nên sâu sắc và thuyết phục với người đọc, người chấm thi.
Bước 3: Bác bỏ (nếu không như vậy thì sẽ như thế nào)
Đây là thao tác khó nhưng thể hiện được bản lĩnh của người viết và quyết định nhiều tới điểm số của bài thi. Bác bỏ bằng cách lật ngược lại vấn đề vừa bàn luận, nếu vấn đề là đúng thì phải đưa ra mặt trái của vấn đề. Ngược lại, nếu vấn đề đó sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra những vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng đồng nghĩa với phủ định cái sai.
Bước 4: Bình luận và đánh giá (có giá trị gì và tác động ra sao)
Đánh giá xem vấn đề ấy đúng hay sai, còn phù hợp với thời buổi hiện nay hay không, có tác động thế nào đối với cá nhân người viết, ảnh hưởng thế nào tới xã hội nói chung.
Bước 5: Bài học về nhận thức và hành động (tích cực)
Đầu tiên là bài học được rút ra cho bản thân người viết (rút ra bài học gì và bản thân đã làm được chưa, nếu chưa thì cần phải làm gì để đạt được...). Tiếp theo, đối với gia đình hay những người xung quanh và xã hội thì bài học nhận thức ấy là gì, thuyết phục để mọi người cùng áp dụng và hành động.
Nếu tuân thủ các bước và thẳng thắn nhìn nhận vào vấn đề, đồng thời đưa ra dẫn chứng thực tế, kết hợp với việc sử dụng thêm câu châm ngôn, tục ngữ và ca dao để cho thấy kinh nghiệm sống đa dạng, có hiểu biết sâu rộng cả ở trong quá khứ và hiện tại, bài viết của các em sẽ được đánh giá cao và đạt điểm tốt.
3.2 Cách 2
Bước 1: Giải thích về tư tưởng, đạo lí.
Đầu tiên, cần phải giải thích những từ trọng tâm, sau đó đến giải thích cả câu nói: giải thích các từ ngữ, thuật ngữ sau đó đến khái niệm bao gồm nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra được ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả thông qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp thông qua câu danh ngôn, ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ,…). Thường để trả lời câu hỏi: Là gì, như thế nào và biểu hiện cụ thể.
Bước 2: Bàn luận
– Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao lại nói như thế? Sử dụng dẫn chứng cuộc sống xã hội nhằm chứng minh. Từ đó chỉ ra được tầm quan trọng và tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội).
– Bác bỏ (phê phán) các biểu hiện sai lệch có liên quan tới vấn đề: bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan tới tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng ở trong thời đại này nhưng vẫn còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thể phù hợp trong hoàn cảnh khác; lấy dẫn chứng minh họa.
Bước 3: Mở rộng
- Mở rộng bằng việc giải thích và chứng minh.
- Mở rộng bằng việc đào sâu thêm vấn đề.
- Mở rộng bằng việc lật ngược vấn đề.
Người tham gia nghị luận sẽ đưa ra mặt trái của vấn đề, phủ nhận nó chính là công nhận cái đúng, ngược lại, nếu vấn đề bình luận là sai thì hãy lật ngược bằng cách đưa ra những vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng đồng nghĩa với việc phủ định cái sai.
Trong những bước mở rộng, tuỳ vào từng trường hợp và khả năng của bản thân mà áp dụng cho tốt, không nên quá cứng nhắc.
Bước 4: Nêu ý nghĩa và rút ra bài học nhận thức, hành động.
Đây là vấn đề cơ bản trong một bài nghị luận vì mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng đắn nhằm thuyết phục người đọc áp dụng được vào thực tiễn đời sống.
Sổ tay ngữ văn chính là bí kíp giúp các em học văn dễ dàng hơn. Rất nhiều tips học văn hiệu quả chỉ được bật mí trong cuốn sổ tay này thôi đấy. Đăng ký ngay để nhận thật nhiều ưu đãi nhé!
4. Sơ đồ tư duy viết bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí
Để học tập một cách có hệ thống và bớt nhàm chán, các em hãy tham khảo sơ đồ tư duy viết bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí dưới đây để nắm được những ý cần có trong bài. Sau đó, các em có thể tự tạo cho mình một sơ đồ tư duy thể hiện dàn ý của bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí cho riêng mình. Có như vậy, các ý trong bài sẽ được thể hiện ra tránh trường hợp thiếu ý và căn chỉnh thời gian viết bài cho hợp lý.
PAS VUIHOC – GIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA
Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:
⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+
⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích
⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô
⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi
⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề
⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập
Đăng ký học thử miễn phí ngay!!
Khi theo dõi bài viết trên của VUIHOC, các em sẽ hiểu được đầy đủ khái niệm, kỹ năng, các bước làm bài và sơ đồ tư duy tham khảo khi gặp đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí. Ngoài ra, nếu các em muốn học thêm về những loại văn nghị luận khác thuộc chương trình ngữ văn nói riêng hay kể cả những kiến thức của môn học khác nữa, các em hãy nhanh chóng truy cập vào website vuihoc.vn để có thể đăng ký khoá học và cùng trải nghiệm học tập cùng thầy cô VUIHOC ngay nhé!
>> Mời bạn tham khảo thêm: