img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Phân tích chi tiết bài Một người Hà Nội

Tác giả Minh Châu 13:47 30/11/2023 37,060 Tag Lớp 12

Một người Hà Nội là một trong những tác phẩm hiện thực của văn học lớp 12. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các em về sơ đồ tư duy của tác phẩm cũng như các cách phân tích tác phẩm đầy đủ nhất

Phân tích chi tiết bài Một người Hà Nội
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Sơ đồ tư duy phân tích Phân tích bài một người Hà Nội

Dưới đây là sơ đồ tư duy phần tích bài Một người Hà Nội mà VUIHOC đã sưu tầm giúp các em dễ dàng nắm bắt những ý chính khi viết bài văn này: 

2. Lập dàn ý Phân tích bài một người Hà Nội

2.1 Mở bài

- Tác giả Nguyễn Khải 

+ Phong cách sáng tác sau năm 1975 chủ yếu viết về những vấn đề nóng của xã hội, về chủ đề văn hóa chính trị, sự thay đổi của con người.

- Giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn “Một người Hà Nội”.

+ Viết năm 1990 khi đất nước bước dần sang nền kinh tế thị trường

+ Chủ đề chính để khắc họa vẻ đẹp của con người Hà Nội trong sự đổi thay của đất nước.

2.2 Thân bài

-  Vẻ đẹp của nhân vật chính - cô Hiền:

+ Cô xuất thân trong một gia đình gia giáo, giàu có, nề nếp, là người Hà Nội gốc 

+ Cô có ngoại hình đẹp, yêu kiều

+ Thông minh hơn người, yêu văn chương yêu nghệ thuật 

+ Cô Hiền có vẻ đẹp kiêu kỳ của người Hà Nội gốc.

+ Cô có lối sống ngay thẳng, dám bộc lộ quan điểm của bản thân dù trong hoàn cảnh nào.

+ Dù thời đại có biến chuyển, xã hội có phần biến chất thì cô vẫn luôn giữ được cho mình lối sống đẹp 

+ Cô vẫn luôn giữ mối quan hệ với những văn nhân, nghệ sĩ, luôn nuôi dưỡng cho tâm hồn mình, luôn biết yêu và trân trọng vẻ đẹp tinh thần.

+ Trong gia đình nhỏ, cô là người vợ đảm đang, tháo vát.

+ Cô một tay quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ kiếm tiền nuôi gia đình lẫn giữ lửa cho ngôi nhà.

+ Với con mình, cô là người mẹ mẫu mực, nghiêm khắc. Cô dạy các con từ cách ngồi, cách ăn, cách nói chuyện, đi đứng và đặc biệt là cách sống.

+ Cô dạy con phải có trách nhiệm với đất nước nên dù đau lòng cô vẫn chấp nhận để con ra chiến trường bảo vệ đất nước.

--> Cô Hiền là “hạt bụi vàng” mang trong mình vẻ đẹp thuần tuý không trộn lẫn. Đố là vẻ đẹp của tinh thần và cốt cách đã được ngấm sâu từ nền văn hoá vùng đất kinh kỳ, không thể phai nhoà theo năm tháng theo xã hội.

2.3 Kết bài

- Tóm lại nội dung bài viết.

- Nghệ thuật trần thuật của tác giả xuyên suốt cả đoạn trích.

Lộ trình ôn thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia từ các thầy cô có kinh nghiệm thực chiến hàng đầu Việt Nam

3. Hướng dẫn Phân tích bài một người Hà Nội

3.1 Phân tích bài một người Hà Nội mẫu 1

Tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Khải là truyện ngắn “Một người Hà Nội”. Tác phẩm này đã thể hiện được phần nào góc nhìn mới mẻ của tác giả về cuộc sống, về con người trong giai đoạn đổi mới hậu chiến tranh.

Cảm nhận đầu tiên của mỗi người về một tác phẩm chắc hẳn là đến từ nhan  đề tác phẩm đó. Ngay từ tên tác phẩm “Một người Hà Nội” nhà văn Nguyễn Khải đã tạo ra hình tượng một con người của thủ đô nghìn năm văn hiến, thuần túy không hề pha trộn với bất cứ văn hóa vùng miền nào khác. Đây cũng là cách để tác giả mở ra một câu chuyện nghệ thuật của mảnh đất kinh kỳ, nghệ thuật cổ kính đang có phần thay đổi do thời đại biến chuyển.

Nhân vật chính trong tác phẩm Một người Hà Nội là cô Hiền - một người phụ nữ Hà Nội gốc, gia cảnh giàu có nhiều đời. Trong con người cô có đầy đủ vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn, cô đã tạo cho mình cốt cách văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Chính phẩm chất bền vững đấy khiến cho người đọc có niềm tin rằng vẻ đẹp văn hóa truyền thống trong cô sẽ không bao giờ bị phai nhòa theo thời gian, luôn bền vững dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cô cũng luôn yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, dù nơi đó có trải qua tàn phá bởi chiến tranh, oằn mình chịu những trận bom đạn thì cô vẫn luôn cố gắng ở lại nơi này, cùng nó vượt qua mọi khó khăn đau thương.

Cô Hiền được nhà văn miêu tả là một người phụ nữ xinh đẹp, sang trọng, quý phái, mang phong cách của một người gốc Hà Nội. Không chỉ ngoại hình đẹp, tâm hồn và tính cách của cô cũng được tác giả đánh giá rất cao. Cô là người thẳng thắn trong giao tiếp, luôn có cái nhìn nhạy bén trong mọi vấn đề nhất là về những người xung quanh và thực tế cuộc sống. Cô luôn thẳng thắn nói ra quan điểm cá nhân của mình, luôn sống thật với bản thân, không bao giờ giả dối lươn lẹo dù thực tế hoàn cảnh có ra sao. Cô Hiền còn giữ được nhịp sống của bản thân và gia đình luôn đẹp, chậm, dù ngoại cảnh cuộc sống đang đầy bon chen xô bồ. Dù trong hoàn cảnh nào thì cốt cách tốt đẹp của cô luôn được tỏa sáng. Nhưng cô cũng không phải là người rời xa thực tế, cô hiểu rõ mối quan hệ giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần và cô luôn có cách để trung hòa hai mặt đối lập đó, không để bên nào vượt đi quá xa ngoài tầm kiểm soát. Niềm đam mê nghệ thuật, tâm hồn phóng khoáng của cô cũng không bị giới hạn bởi tuổi tác. Cô vẫn giữ được thói quen từ khi còn trẻ là luôn tham gia các buổi giao lưu văn nghệ với các nghệ sĩ, văn công. Cuộc sống của cô luôn đầy đủ cả về vật chất và đủ đầy với tâm hồn nghệ sĩ, trân trọng cái đẹp. Nhưng thực tế cuộc sống nghệ thuật đó cũng không làm cô bị ánh hào quang nghệ sĩ mờ mắt. Cô lại rất thực tế trong cuộc sống hôn nhân của mình, cô chọn bình yên hơn so với những điều kiện mà cô đang có. Chồng của cô Hiền không phải là một danh nhân, một phú hộ hay một người nghệ sĩ. Cô chọn lấy một người thầy giáo tiểu học hiền lành chăm chỉ ở độ tuổi gần ba mươi - một độ tuổi khá muộn so với việc kết hôn thời đó. Sự lựa chọn này cũng như một sự hiểu trước cô chọn bình yên hơn là sóng giá do gia đình danh gia vọng tộc mang lại. Cô cũng rất mạnh mẽ với quyết định của mình, dù mọi người xung quanh đều bàn tán khó hiểu trước lựa chọn của cô. Hẳn phải là người đã có những trải nghiệm thực tế, một tâm hồn mạnh mẽ thì cô mới có thể bỏ qua mọi lời đàm tiếu của thiên hạ, vượt qua tất cả những thị phi mà mồm người khác tạo ra.

Trong cuộc sống gia đình, cô vẫn luôn là người vợ đảm đang giỏi việc nước đảm việc nhà. Cô luôn làm tròn bổn phận của mình, vừa quản lý được kinh tế vừa kiếm tiền nhưng cũng không bao giờ quên giữ lửa cho ngôi nhà của mình. Với con thì cô khá nghiêm khắc, cô luôn dạy con phải có lòng yêu nước, phải giữ được cho mình lòng tự trọng tối thiểu, phải hiểu rõ được trách nhiệm với nước nhà, với xã hội, với gia đình của mình. Cô được tác giả Nguyễn Khải ví như một “hạt bụi vàng” bởi cô còn là người hiền lành, sống biết trước biết sau, sống tình nghĩa nhân hậu và coi mọi người đều như người thân trong nhà mình. Cách gọi này cũng thể hiện được sự trân trọng yêu quý của tác giá với tâm hồn và cốt cách đang dần bị mai một, cần được lưu giữ.

Tác phẩm Một người Hà Nội này không chỉ nói đến mặt tốt của con người qua cô Hiền mà còn có thêm nhiều người Hà Nội khác. Đó vẫn là những thanh niên kiên cường yêu nước, sẵn sàng hy sinh thân mình xung phong ra chiến trường đánh giặc, xả thân vì mảnh đất mình đang sống, vì quê hương mình yêu thương như Dũng, Tuất. Đó còn là những bà mẹ Việt Nam anh hùng nén nỗi đau tiễn con mình ra trận dù biết chắc con mình khó có khả năng quay trở lại.

Tất cả những con người đấy đã tạo thành một xã hội tốt đẹp, luôn có những người thầm lặng dùng cách các khác nhau để bảo vệ Hà Nội. Có người thì cầm súng bảo vệ cho Hà Nội bình yên hòa bình, cũng có những người ngày ngày gìn giữ nét đẹp văn hóa, cốt cách trong con người sống tại mảnh đất Hà Nội.

>> Mời bạn xem thêm: Soạn bài Ngữ Văn 12

3.2 Phân tích bài một người Hà Nội mẫu 2

Hà Nội sau khi trải qua hàng nghìn năm văn hiến đã trở thành mảnh đất mang đầy đủ tinh hoa đất trời, con người của Việt Nam ta. Qua tác phẩm Một người Hà Nội, nhà văn Nguyễn Khải như biến hóa vùng đất này trở thành một nhân vật, một con người có tâm hồn nghệ sĩ thơ mộng tử tế, không vướng chút bụi trần, không bị xô bồ hay hối hả của cuộc sống ảnh hưởng. Nét đẹp Hà Nội đã để lại dấu ấn không thể nào quên cho cả những người sinh sống ở mảnh đất này và những người đã có cơ hội ghé qua thăm nơi này. Tác giả Nguyễn Khải đã khắc họa rất chân thật nét đẹp trong con người Hà thành dù thời đại có thay đổi như thế nào.

Tác giả Nguyễn Khải sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Nội. Sự nghiệp văn học của ông được bắt đầu từ năm 1950 với các tác phẩm đầu tay như Xây dựng (1950-1951), Xung đột (phần I – 1959, phần II – 1962),…Mùa lạc (1960), Người trở về (1964),…hầu hết đều về đề tài quê hương đất nước. Đến những năm sau 1975, ngòi bút của ông lại hướng về những đề tài nóng hổi, mang tính chính trị xã hội và về tâm tư tình cảm của con người trước những sự thay đổi của cuộc sống. Giai đoạn này ông viết được những tác phẩm khá nổi tiếng như Cha và con,và…(1979), thời gian của người (1985) đặc biệt tác phẩm nổi tiếng nhất của ông cũng được viết trong giai đoạn này chính là truyện ngắn Một người Hà Nội. Tác giả đã khắc họa rõ nét được vẻ đẹp của tâm hồn, tính cách của người dân gốc Hà Nội dẫu cho đất nước có trải qua biết bao biến động, đổi thay.

Ngay từ nhan đề, tác giả đã nói lên được chủ đề chính của cả tác phẩm, hình tượng xuyên suốt trong cả truyện ngắn chính là “một người Hà Nội”. Trong mắt ông, người Hà Nội gốc này dường như hoàn hảo về cả ngoại hình lẫn tính cách, từng hành động suy nghĩ đều chuẩn mực. Không lòng vòng ẩn dụ trong nhan đề mà tác giả đã chọn nhan đề trực tiếp, đơn giản nhưng đủ để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Nhan đề như hỗ trợ tác giả mở ra một không gian văn hóa nghệ thuật, nơi để vẽ bức tranh xinh đẹp, cổ kính của Hà Nội ngàn năm văn hiến, của vùng đất thủ đô đã trải qua bao dấu ấn của chiến tranh, của lịch sử.

Tất cả các nhân vật xuất hiện trong truyện đều là người Hà Nội gốc, đặc biệt là hình tượng nhân vật chính - cô Hiền. Cô được miêu tả là một người phụ nữ Hà Nội gốc có nhan sắc, sinh ra trong gia đình gia giáo, giàu có. Cô còn là người thông minh nhanh nhẹn, có tính nghệ thuật trong người. Vẻ đẹp của cô không hề lẫn với bất kỳ ai bởi gần như bao nhiêu tinh hoa của đất trời Hà Nội đều hội tụ trong con người cô. Cô sinh ra là lớn tại mảnh đất này, cô yêu mảnh đất và con người nơi đây, yêu tất cả những kỷ niệm hồi ức đã từng xảy ra tại nơi này. Chính vì vậy nên dù bom đạn ngày ngày rơi xuống, Hà Nội không còn đẹp nhưng thời bình nó từng thì cô cùng với gia đình mình vẫn quyết bám trụ lại, cùng mảnh đất này vượt qua mọi khó khăn “không thể rời xa Hà Nội”. 

Dù cho cuộc sống có đổi thay, nhiều người đã bị cám dỗ, bị cơm áo gạo tiền cuốn trôi theo dòng đời thì cô Hiền vẫn luôn giữ được mình. Cô vẫn sống một cách kiêu hãnh, sang trọng, quý phái, sống trong dáng vẻ của người con gái kinh kỳ. Cô còn là người tự tin, có góc nhìn mọi mặt tinh tế và đặc biệt cô luôn sống thật với bản thân với mọi người xung quanh, không bao giờ lươn lẹo chiều theo bất kỳ một ai. Trong cô dung hòa được tất cả những giá trị cả về vật chất và tâm hồn, không chỉ ngoại hình xinh đẹp mà còn là lối sống đẹp, thanh lịch nhã nhặn. Những niềm đam mê trong cô cũng luôn tồn tại không bị mai một theo thời gian, dù là cô Hiền tuổi mười tám hay ngoài năm mươi thì cô vẫn luôn có tình yêu với nghệ thuật, vẫn luôn giữ cho bản thân thói quen giao lưu văn nghệ với nghệ sĩ, nhà nghệ thuật,...Cô vẫn luôn nuôi dưỡng giá trị tâm hồn của mình.

Cô cũng không vội với cuộc đời mình, chỉ làm khi cảm thấy mọi thứ đã vừa vặn đúng lúc. Trong thời cô, con gái đôi mươi lấy chồng đã muộn nhưng cô Hiền gần chạm tuổi ba mươi cô mới chọn kết hôn. Cô chơi đủ, chơi vui khi còn xuân thì nhưng khi quyết định lập gia đình, làm vợ làm mẹ là cô có thể quay lại vị trí của mình ngay lập tức. Sinh ra trong sung túc, lớn lên cùng với nghệ thuật nhưng cô lại không chọn chồng theo nghiệp hào hoa đó. Trong bất ngờ của mọi người xung quanh, cô chọn cho mình một anh giáo tiểu học hiền lành chăm chỉ để làm bạn đời. Sự lựa chọn này được tác giả đánh giá là “khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc”. Cô khôn khéo cả đời, luôn có những tính toán suy nghĩ riêng cho mình. Chính vì vậy cô hiểu rằng lựa chọn này của cô có thể không đảm bảo tương lai xa hoa giàu có nhưng chắc chắn nó là lựa chọn an toàn và phù hợp nhất với cô.

Bắt đầu với cuộc sống hôn nhân, cô trở thành người vợ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Cô vẫn làm việc kiếm tiền, giao tiếp với xã hội khi cô mở một cửa hàng hoa giả kiếm thêm thu nhập cho gia đình nhưng trong nhà cô vẫn luôn quán xuyến được mọi việc. Nhất là với con mình, cô được đánh giá là có cách dạy con khá nghiêm khắc so với thời đại. Cô dạy con mình phải yêu đất nước, có trách nhiệm với xã hội với gia đình, sống phải có sĩ diện liêm sỉ. Còn với người chồng của cô luôn là người bạn đồng hành, cho anh những lời khuyên đúng đắn khi anh cần. Gia đình cô vẫn sống trong một tòa nhà ngay mặt phố lớn, quanh năm ăn mặc sang trọng với áo ba đờ xuy, giầy da, áo măng tô,...bàn ăn luôn có khăn trải bàn trắng, lọ hoa giữa bàn. Cô vẫn sống như một nhà tư bản, không lo cơm ăn áo mặc, sống cuộc sống trong mơ của nhiều người. Nhưng không vì thế mà kiêu căng ngạo mạn, cô cũng không bị những lời đàm tiếu xung quanh ảnh hưởng. Cô không hạ tiêu chuẩn sống của mình xuống dù chuẩn mực xã hội đổi thay vì cô biết rõ chuẩn mực của bản thân mình. Cô đủ điều kiện để gọi là tư sản nhưng cô không bắt nạt bóc lột ai, mọi giá trị kinh tế của nhà cô đều là gia đình cô tự bỏ công sức tạo ra.

Cô Hiền còn là người luôn có niềm tin vào Đảng, vào nhà nước. Cô luôn giữ được phong thái tự tin khi nói chuyện với bạn mình “các bà không biết nhưng nhà nước lại rất biết”. Cô tỉ mỉ dạy con mình cách sống, nhìn con từng ngày trưởng thành nhưng khi đất nước cần cô lại tôn trọng quyết định của con mình, nén đau thương tiễn con lên đường ra chiến trường. Cô biết ra đi là đối diện trực tiếp với bom đạn hy sinh nhưng cô dạy con sống phải yêu nước, phải có tự trọng nên cô không muốn con trai cả của mình “sống bám vào sự hy sinh của bạn bè”. Bởi lẽ cô biết rằng, tất cả những người ra đi đều là để bảo vệ Tổ quốc, đây là cuộc chiến chung của toàn dân nên không thể có bất cứ sự hẹp hòi ích kỷ nào trong suy nghĩ con người. Dù đặt trong phương diện là một người dân, một người vợ hay một người mẹ thì cô Hiền vẫn giữ được cho mình lối sống mẫu mực thanh cao như chính danh xưng “hạt bụi vàng” mà tác giả Nguyễn Khải đặt cho cô.

Xuyên suốt hết tác phẩm, tác giả đã lấy ngôi kể của người kể chuyện thứ ba. Đây cũng là người Hà Nội gốc, có những trải nghiệm và triết lý riêng khi sống ở mảnh đất này nên giọng văn và chất văn rất chân thật. Nguyễn Khải cũng rất thành công khi chọn góc nhìn linh hoạt, ngôn ngữ câu văn giàu biểu cảm, từ ngữ cũng sang trọng khéo léo. Tất cả những chi tiết này đã khiến cho tác phẩm Một người Hà Nội trở thành một tác phẩm thành công về giá trị văn học. Trong suy nghĩ của ông, con người sinh ra và được mảnh đất kinh kỳ nuôi dưỡng luôn đậm phong cách truyền thống. Họ luôn có nét riêng biệt từ ngoại hình, giọng nói đến cách ứng xử mà không thể lẫn lộn với bất kỳ nơi nào. Bởi lẽ mảnh đất này đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, không có tổn thương sóng gió nào mà chưa từng vượt qua. Nên ông đang cố gắng nói ra sự thật, mong muốn mọi người cùng chung tay bảo vệ nét đẹp của văn hóa, của truyền thống. Cùng nhau học hỏi cái mới cái đẹp nhưng cũng phải bài trừ xóa bỏ hết những điều du nhập không phù hợp với văn hóa và con người nơi đây.

COMBO sổ tay tổng hợp kiến thức tất cả các môn giúp bạn chinh phục mọi kỳ thi chung và riêng. 

3.3 Phân tích bài một người Hà Nội mẫu 3 

Nhà văn Nguyễn Khải bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình từ năm 1950 đến nay. Chủ đề văn học của ông được chia thành hai giai đoạn chính dựa theo thời gian của chiến tranh, lịch sử. Khi còn trong thời gian chiến tranh diễn ra ông chọn góc nhìn đơn chiều, sắc sảo về hiện thực xung đột trong chiến tranh, hai mặt đối lập của cái cũ và mới, tốt và xấu, tiến bộ và lạc hậu, ta và địch,...như hai mặt luôn cùng vận động của bóng tối và ánh sáng. Nhưng khi bước sang đến thời kỳ đổi mới hậu chiến tranh. Góc nhìn của tác giả dần thay đổi, nó không còn sắc sảo phê phán mà là những giọng văn đầy trăn trở về một hiện thực. Hiện thực đó đầy sự biến động, xô bồ hối hả do xã hội đổi thay. Nguyễn Khải đã nhìn nhận được rõ mối tương quan bền chặt giữa quá khứ với hiện tại khi con người luôn làm trung tâm và tạo ra những giá trị văn hóa tốt đẹp cho mỗi người. 

Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính là “cô Hiền”, một người Hà Nội gốc. Tác giả lấy góc nhìn chủ quan của nhân vật “tôi” là người họ hàng bà con với cô, dùng suy nghĩ và góc nhìn của mình để nói về con người và gia đình của cô. Cô Hiền sinh ra trong gia đình gia giáo giàu có. Đến khi lấy chồng cô tự mở cửa hàng bán hoa giả kinh doanh phát đạt nên có thể nói gia đình cô từ nghề nghiệp, cách sống, ăn mặc đều “đích thị là tư bản” . Tác giả cũng nói lên suy nghĩ của mình về lối sống của những người Hà Nội sau năm 1945 khi hòa bình lập lại, khi “tôi” quay lại Hà Nội từ chiến khu Việt Bắc. 

Sau chiến tranh khi mà mọi người dân đang cố gắng dần dần thích nghi với cuộc sống mới thì cô Hiền lại không quá khó khăn với chuyện đó. Tuy trong thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc còn gặp rất nhiều khó khăn thì cô Hiền đã nhanh chóng thay đổi công việc, biến đổi theo chính sách để khéo léo giúp gia đình vượt qua mọi sóng gió khó khăn. Cô vốn là người mẹ nghiêm khắc, không phải khó khăn với con trong học tập hay yêu cầu quá cao nhưng đặc biệt cô lại dạy con nhất định phải “biết tự trọng, biết xấu hổ”, dù thế nào cũng phải giữ được phong cách sống của người Hà Nội. Khi con trai cả của cô nói với mẹ về mong muốn ra trận đánh Mỹ thì cô cũng nén đau lòng cổ vũ con đi. Còn đứa thứ hai vì học giỏi nên nhà trường giữ lại không đi lên chiến trường thì cô cũng bằng lòng động viên con. Lần gặp lại của vợ chồng nhân vật “Tôi” với cô Hiền là vào buổi liên hoan chào mừng Dũng - con cả của cô đã may mắn quay lại từ chiến trường. Trong buổi liên hoan đó có những câu chuyện về tính đồng chí cũng có sự hy sinh mất mát của động đội, có sự đau lòng của những bà mẹ Việt Nam anh hùng tiễn con lên đường mà lòng biết không thể đón con trở lại. Sau một thời gian dài tiếp xúc với những sự biến chất, đổi thay theo chiều hướng xấu hơn thì khi gặp lại cô Hiền anh vẫn thấy được nguyên vẹn sự sang trọng thuần túy của con người Hà Nội trong cô. Cô cũng luôn có niềm tin và tương lai, vào cuộc sống thể hiện ngày từ chi tiết cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị đổ.

Cô cũng là một người sống thực tế và nhạy bén với thời cuộc. Cô thẳng thắn nhận xét rằng chính phủ đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống của người dân khi mà việc tập thể dục mỗi sáng, sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, đôi trai gái yêu đương ra sao, vợ chồng phải sống cùng nhau như thế nào cũng tham gia vào. Cô cũng rất kiên định với lựa chọn của mình, dù mọi người xung quanh có đàm tiếu cũng không ảnh hưởng đến cô. Dù khi còn trẻ vòng quan hệ của cô đều là người cùng hoàn cảnh cùng xuất thân tầng lớp như con cháu nhà giàu, nghệ sĩ,...thì khi ở độ tuổi ba mươi cần chọn cho mình một người chồng thì cô lại chọn một thầy giáo tiểu học để kết bạn trăm năm. Cô biết cuộc sống của mình quá đủ hào hoa bóng loáng rồi nên cô chọn cho mình tương lai bình yên bên một người tri thức có ăn có học, có sự tử tế. Cô cũng tính trước việc sinh con và tính rõ làm thế nào để sinh và nuôi dạy con nên người chứ không phải cứ cố đẻ. Với con mình, cô khá nghiêm khắc khi quyết tâm dạy cho con mình cách suy nghĩ, hành xử sao cho đúng với một người Hà Nội lịch sự, hào hoa. Học ăn học nói, cô dạy cho con mình từ khi còn nhỏ, từ những việc nhỏ nhất như cách cầm đũa, cách cầm muôi múc canh, cách giao tiếp đến những việc lớn hơn như cách suy nghĩ, quan niệm, lẽ sống. Cô luôn nói với con mình rằng “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng... Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ.,.”.

Là gia đình tư bản nhưng cô lại không nhận bởi lẽ cô chưa bao giờ bắt nạt bóc lột ai, tất cả những gì cô tiêu đều bằng sức lao động của bản thân và gia đình mình. Cô luôn giữ gìn được phẩm chất đạo đức của mình luôn vì lợi ích dân tộc nên ngày khi chế độ thay đổi, nhà tư bản cũ phải làm quen lại với cuộc sống công bằng thì cô lại an nhiên tiếp tục cuộc sống thường ngày. Ngay cả cửa hàng hoa giả mà cô mở ra thì cô cũng là người làm chính, tự tay làm từng cánh hoa còn các em cô thì là người phụ giúp đi mua nguyên vật liệu,...Cô yêu thương con nhưng luôn con trọng quyết định của con, không lấy năng lực của gia đình mà cấm cản con lên đường ra chiến trường. Khi người con lớn bày tỏ nguyện vọng được cùng anh em bạn bè làm tuyến đầu chiến đấu với quân địch, cô đã thốt lên “Tao đau đớn mà bằng lòng vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Khi suy nghĩ đến chuyện các đứa con sau cũng sẽ lần lượt theo anh trai ra chiến trường, cô lập tức bày tỏ suy nghĩ thái độ của mình  “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó... Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì”.

“Hạt bụi vàng” là danh xưng mà tác giả đã dùng để miêu tả cô Hiền. Dù nó nhỏ bé khó nhìn thấy nhưng nếu mỗi người đều là một hạt bụi vàng thì cả mảnh đất Hà Nội sẽ trở nên lấp lánh tỏa sáng. Đó là ánh sáng của truyền thống, của văn hóa, của cốt cách thanh lịch bên trong từng con người Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Khải có giọng văn trần thuật rất tự nhiên, dân dã và đậm mùi đời. Ông đã hoàn toàn nhập vai vào nhân vật “tôi” như kể lại những điều mà mình đã thấy, đã trải qua. Chính sự dân dã pha chút hài hước đó tạo nên những liên kết cho tác phẩm “Trong lý lịch cán bộ tôi không ghi tên cô Hiền. Họ thì xa, bắn súng đại bác chưa chắc đã tới, huống hồ còn là bà tư sản, dính líu vào lại thêm phiền...” Tác giả cũng khéo léo tạo ra những tình huống gặp gỡ, nhưng câu chuyện để thấy được tính cách nhân vật một cách tự nhiên nhất. Từng giai đoạn khác nhau tác giả sẽ để cho nhân vật thay đổi để phù hợp hơn. Cách sử dụng ngôn ngữ một cách đa dạng khiến cho từng nhân vật như hiện ra trước mắt người đọc, có cô Hiền khéo léo, thông minh thực tế trong những quyết định thường ngày. 

Bằng nghệ thuật trần thuật những câu chuyện lịch sử qua từng tính cách, từng số phận của con người Hà Nội, nhà văn Nguyễn Khải đã thông qua nhân vật cô Hiền để nói lên tình trạng cuộc sống thực tế của người dân Hà Nội hậu chiến tranh. Cũng qua con người cô Hiền, tác giả đã miêu tả được bản lĩnh, lối sống thanh lịch của con người Hà Nội. Họ không chỉ sống đúng sống đẹp mà còn nỗ lực để đẩy lùi cái xấu trong sự thay đổi của thời đại.

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

3.4 Phân tích nhân vật cô Hiền trong Một người Hà Nội 

Truyện ngắn Một người Hà Nội nằm trong tập truyện Hà Nội trong mắt tôi của tác giả Nguyễn Khải. Truyện ngắn là một tác phẩm tiêu biểu cho lối hành văn của tác giả trong giai đoạn sáng tác thứ 2. Trong truyện ngắn Một người Hà Nội, tác giả Nguyễn Khải đã thành công xây dựng hình ảnh nhân vật bà Hiền - một nhân vật tiêu biểu cho con người Hà Nội. 

Nếu như trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, chúng ta thấy được hình ảnh người đàn bà làng chài với cuộc sống đầy cam chịu và hi sinh cho gia đình trong thời kỳ đổi mới thì đến với Nguyễn Khải chúng ta lại thấy được hình tượng một người phụ nữ Hà Nội trong thời kì này qua nhân vật cô Hiền. Tuy cả hai tác phẩm đều được viết trong cùng thời điểm khi đất nước đang ở trong giai đoạn xây dựng sau cách mạng nhưng số phận của cả hai lại hoàn toàn khác nhau. Nhân vật cô Hiền trong Một người Hà Nội có một cuộc sống hạnh phúc hơn người đàn bà làng chài, và chính những điều mới mẻ trong hình tượng người phụ nữ mà Nguyễn Khải đã xây dựng lên một nhân vật được ví như “hạt bụi vàng” của Hà Nội. 

Cô Hiền là người đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ thức thời nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp truyền thống và được tác giả Nguyễn Khải miêu tả rõ ràng trong tác phẩm của mình. Đó là vẻ đẹp mà người phụ nữ hiện đại ngày nay nên học tập, cái đáng để học tập là nét đẹp hiện đại nhưng không đánh mất đi cái truyền thống. Hay rộng ra đó là vẻ đẹp hòa nhập nhưng không hòa tan, phát triển những cái đẹp, cái hay và chống lại những điều chưa tốt, những cái xấu. Trong một người Hà Nội, tác giả Nguyễn Khải không nói một câu nào về ngoại hình của cô Hiền, điều mà tác giả tập trung khai thác là vẻ đẹp trong tính cách và chiều sâu tâm hồn của cô.

Trong hoàn cảnh sống của cô Hiền, đất nước khi đó đang đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Lúc này nền kinh tế thị trường đang dần phát triển kéo theo những mặt tích cực và tiêu cực của cuộc sống. Nhưng qua miêu tả của Nguyễn Khải thì cô Hiền chính là một hạt bụi vàng quý giá của thủ đô. Cách sống của cô khiến cho người ta nghĩ rằng cô là tư sản nhưng cô lại chẳng chú ý đến điều đó. Khi cháu của cô, một anh bộ đội Cụ Hồ thân mật và tò mò hỏi cô về thành phần giai cấp về chuyện vì sao cô không phải đi học tập cải tạo… thì cô lại cười rất tươi và thản nhiên nói rằng mình là một người có bộ mặt tư sản, có cách sống tư sản nhưng lại không bóc lột cái gì của ai thì làm sao mà trở thành tư sản được. Như vậy thông qua những điều mà cô nói, chúng ta có thể thấy được cô Hiền là người kiên trực, là người sống theo cách của mình mà không hề sợ mọi người xung quanh điều tiếng, miễn sao cô không làm hại ai.

Rồi khi bạn bè của cô tỏ ra ngờ vực : “Trông bà như tư sản mà không bị học tập cũng lạ nhỉ?” thì cô cũng nhẹ nhàng mà đáp lại rằng có thể bạn bè bà không biết, không hiểu nhưng nhà nước lại rất biết. Đúng là một người phụ nữ khôn khéo và thức thời. Trước kia, gia đình cô cũng có thuê một anh bếp và một chị vú. Chị vú giúp cô trông coi con từ năm 19 tuổi đến tận năm 45 tuổi. Trong suốt những năm tháng đó, cô coi anh bếp, chị vú như những người họ hàng của mình, đối xử với họ tử tế. Vì vậy, khi hai anh chị về quê và trở thành chủ nhiệm hợp tác xã, họ vẫn qua lại với gia đình cô rất thân thiết và chân tình. Điều đó đã thể hiện qua chi tiết : “ngày giỗ ông chú và ngày Tết đều đem gạo, đậu xanh, miến và rượu, toàn của nhà làm cả, lên biếu cô và các em”

Nói cô Hiền là người thức thời bởi trong cô có rất nhiều cái rất thực tế, cô có 2 ngôi nhà thì một nhà để ở. Khi chồng của cô đòi mua máy in thì cô chỉ hỏi nhẹ nhàng rằng ông có đứng máy được không, ông chồng lại đành thôi suy nghĩ đó. Qua điều đó, ta thấy được không phải vì cô tiếc tiền cho chồng hay là người vợ hách dịch mà cô hiểu rõ trong thời điểm khó khăn này, điều gì nên làm, điều gì không nên làm và nên dùng tiền như thế nào cho hữu ích. 

Cô Hiền còn hiện lên là một người vợ vô cùng đảm đang, điều đó chứng tỏ trong thời kì kinh tế khó khăn cô vẫn có thể nuôi sống gia đình của mình. Đó là nét đẹp đảm đang của người phụ nữ Việt Nam nói chung và của người con gái Hà Nội nói riêng. Hơn nữa, việc cô lo toan nuôi sống cả gia đình còn thể hiện sự giỏi giang, cần cù và chăm chỉ. Công việc của cô là làm trong một cửa hàng hoa giấy, lẵng hoa đan tre… tất cả đều được làm ra bằng đôi bàn tay khéo léo của cô. Các sản phẩm cô làm ra không chỉ đẹp mắt, bán đắt hàng mà còn chịu thuế nhẹ và không phải mang tiếng tư sản hay tiểu tư sản trong cái thời kì cải tạo và đấu tranh giai cấp đang diễn ra mạnh mẽ này. Điều đó lại càng chứng tỏ sự khôn ngoan và biết ứng xử theo thời thế của cô Hiền. Phải là một người chín chắn, từng trải mới có cách sống và đầu óc thực tế như thế.

Không chỉ giỏi giang trong công việc, cô Hiền còn là người mẹ tốt khi biết dạy con phải có trách nhiệm với tổ quốc và trở thành một người trưởng thành. Cô còn khuyên con mình đi tòng quân vào miền Nam theo tiếng gọi của tổ quốc. Người mẹ nào chẳng thương con, chẳng sợ mất con trong chiến tranh, nhưng vì tổ quốc cần, vì miền Nam ruột thịt cần, cô đã khích lệ con trai mình nên đi. Không phải cô muốn đẩy con vào chỗ chết mà cô đang dạy con về tình yêu quê hương, yêu Đất nước, dạy con biết vì người khác. Đó chẳng phải là nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, của những người mẹ Việt Nam anh hùng hay sao?

Cô Hiền còn là một người con Hà Nội chuẩn mực, không pha trộn, cho dù có những cái mới du nhập vào nhưng cô vẫn giữ nguyên những phẩm chất, tính cách của người Hà Nội. Đó là một vẻ đẹp thanh tao chỉ có người dân bản xứ mới có được: 

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Cô Hiền cũng  là người rất sắc sảo và tế nhị, khi gọi là đồng chí Khải thì cô mắng đứa con phải gọi là anh Khải. Ngày bình thường cô ăn mặc bình dân như bao người khác nhưng nếu tham gia những buổi liên hoan thì cô lại ăn mặc rất trang trọng. Đặc biệt cô rất biết giữ lời ăn tiếng nói của mình, với người bình dân thì cô có thể nói lời thô tục cũng được nhưng nếu đã đứng trước những người quý phái thì cô lúc nào cũng tế nhị và lịch sự. 

Qua cách tác giả Nguyễn Khải viết về cô Hiền mà chúng ta thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ Hà Nội trong thời kì đầu xây dựng Đất nước. Đó là người phụ nữ không chỉ giỏi việc nhà mà còn lo được cả những việc trong xã hội. Ví cô với hạt bụi vàng bởi tác giả muốn nói sự nhỏ bé của cô Hiền trong dòng người nhưng lại nổi bật với vẻ đẹp hiện đại và đại diện cho những người phụ nữ đương thời.

3.5 Cảm nhận về cô Hiền trong Một người Hà Nội 

Mỗi một tác giả lại có quan niệm khác nhau về nghệ thuật. Đối với Nguyễn Khải, nghệ thuật xuất phát từ góc nhìn văn hóa, khác với cách nhìn một chiều về con người cá nhân trong văn học giai đoạn trước. Để làm rõ điều đó, chúng ta cùng nhìn vào nhân vật cô Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội được rút ra từ tập Hà Nội trong mắt tôi của nhà văn Nguyễn Khải. 

Một người Hà Nội được viết bằng trải nghiệm gắn bó của bản thân với Hà Nội và sự am hiểu sâu sắc về nếp sống thanh lịch của người Tràng An từ chính gia đình của ông. Ông đã gửi gắm những nét đặc biệt về tính cách người Hà Nội trong nhân vật cô Hiền. Một nhân vật đã chứng kiến những thay đổi của Hà Nội trong suốt những năm tháng từ xã hội tư sản trước Cách mạng cho đến nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những biến chuyển của thời đại dường như đã hằn sâu vào tâm tư của những người con Hà Nội, tác động trực tiếp đến nếp sinh hoạt. Nhưng trong đó dường như những nét “bảo thủ” trong tâm hồn Hà Nội vẫn không dễ dàng gì phá đi, và vẫn giữ vẹn nguyên những nếp sống ngàn năm văn vật ấy. Có lẽ trong tác phẩm này, chúng ta lại càng hiểu rõ hơn biệt tài của Nguyễn Khải, đó là khả năng lí giải những chuyển biến trong tâm hồn, lí giải những mối quan hệ giữa người với người và giữa người với hoàn cảnh sống thay đổi. Chúng ta có thể hiểu rõ cách lí giải này từ tác phẩm “Mùa lạc” được viết trong những năm 1958-1960 rồi đến Một người Hà Nội được viết vào thập kỷ 90. Trong mùa lạc, chúng ta thấy nhân vật chị Đào đã vượt qua những mặc cảm số phận, lột xác hồi sinh hòa nhập vào hoàn cảnh cuộc sống mới và từng bước hòa nhập với cộng đồng. Nhưng trong Một người Hà Nội, chúng ta lại thấy cô Hiền dường như không dính dáng đến những biến động của chính trị nhưng vẫn chịu những tác động của hoàn cảnh thời đó. Đặt vào bối cảnh đó, cô Hiền vẫn giữ nếp nhà như cách ứng xử “dĩ bất biến ứng vạn biến”, giữ vẹn được cốt cách người Hà Nội. Cùng với dòng chảy của lịch sử, sự lịch lãm, thanh tao dường như là tích tụ tinh hoa con người đất Hà Thành này. Cô Hiền trong tác phẩm không xốc nổi, nhẹ dạ cả tin theo phong trào nhưng cũng không quay lưng với xã hội, sống một cuộc đời tỉnh táo và cân nhắc. Nguyễn Khải đã lí giải những tính cách đặc biệt của cô Hiền từ gốc gác gia đình, đó là một gia đình sinh hoạt theo phong cách sang trọng, luôn đề cao nề thói nếp nhà. Nhân vật cô Hiền có một lí lịch khá phức tạp, vừa phong kiến lại vừa có hơi hướng tư sản. Nếu xét về tiêu chí thành phần thì gia đình cô Hiền có gốc gác lao động mà nên, giàu có một cách lương thiện. Lí lịch của cô rối rắm đến mức mà con cháu trong nhà cũng hiểu lầm là tư sản - một thành phần phải tránh xa trong xã hội mới nếu không sẽ rất phiền toái. Vậy mà một nhân vật từng dao du với giới văn nghệ sĩ Hà Thành, một con người tài hoa ngay từ khi còn trẻ lại có những suy nghĩ khác lại trong quan niệm về tình yêu và hôn nhân trong thời điểm bấy giờ. Có lẽ vậy mà khi cô quyết định lấy một anh thầy giáo tiểu học đã khiến cho cả Hà Nội phải sững sờ. Nhân vật cô Hiền hoàn toàn không phải là tuyến nhân vật phù hợp với dòng văn học ca ngợi cuộc sống mới, con người mới nhưng cũng không phải là nhân vật trong đối tượng phê phán của Nguyễn Khải như “cái thời lãng mạn”. 

Sống trong môi trường xã hội có nhiều sự biến đổi, khi làn sóng quy chụp lí lịch thành phần luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người dân thời bấy giờ, thậm chí tác động đến suy nghĩ của rất nhiều gia đình: “Ăn cốt để sống, để làm việc, hay hớm gì cái thứ lễ nghi rườm rà của giai cấp tư sản” hay “đã là tư sản thì không thể tin cậy được” thì cô hiền vẫn ung dung, đàng hoàng và sang trọng bởi cô tin rằng: “Tao có bộ mặt tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được." Đó là một thái độ sống bình thản trước hoàn cảnh, bất chấp những nghi kị và thành kiến của người ngoài. Không hẳn mọi tính cách của người Hà Nội đều mang những giá trị nhưng nhà văn đã đánh vào mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh sống đổi thay theo một cách nhìn mới và cũng không ngần ngại chỉ ra những nét ấu trĩ trong quan niệm của một thời. Chẳng hạn như chồng con của cô Hiền đều gọi “ đồng chí” với người cháu đến chơi nhà. Hay thái độ ứng xử của cô Hiền nhằm thích ứng với thời cuộc được diễn tả lại rõ ràng và táo bạo : ““Chế độ này không thích cá nhân làm giàu, chỉ cần họ đủ ăn, thiếu ăn một chút càng hay, thiếu ăn là vinh chứ không là nhục,nên tao cũng chỉ cần đủ ăn”. Những điều này chứng tỏ sự thay đổi về quan niệm con người, của xu hướng nói thẳng, nói thật của văn học trong thời kì đổi mới mà nếu như đặt trong thời kỳ trước sẽ dễ bị quy chụp là “ mất lập trường”. Nhân vật cô Hiền là một hình mẫu của người Hà Nội với sự lịch lãm, khôn ngoan nhưng không hề lạnh lùng duy lí đã được tác giả khẳng định qua: ““Mọi sự mọi việc đều được các bà ấy tính toán trước cả. Và luôn luôn tính đúng vì không có lòng tự ái, sự ganh đua, tính thời thượng chen vô. Không có cả sự lãng mạn hay mơ mộng vớ vẩn. Đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ. Đó là cách sống biết rõ giá trị và khả năng của mình, nhưng không phải là lối sống ích kỷ, bo bo vun vén cho riêng mình theo chủ nghĩa cá nhân tư sản hoàn toàn”. 

Nhà văn còn khai thác những nét tính cách nhân vật khi đặt họ vào những giây phút trọng đại có ý nghĩa sống còn để hiểu sâu hơn về tâm hồn của người mẹ trong chiến tranh. Văn học trước 1975 có lẽ những miêu tả tiễn người thân ra trận sẽ được khai thác và tập trung vào khuynh hướng sử thi, ca ngợi hình ảnh người ra đi trong tươi vui và sự tin tưởng về chiến thắng, sự trở về của người thân. Nhưng đến với Một người Hà Nội, Nguyễn Khải đã không đi theo lối mòn cũ mà cho chúng ta thấy rõ hơn về một mặt khác của chiến tranh, về những con người trong thời chiến. Người mẹ đấy đã đồng ý cho con mình ra trận trong một tâm trạng đặc biệt, khác với những người mẹ khác chúng ta đọc được trong thơ văn. Khi người cháu hỏi có bằng lòng cho em đi chiến đấu chứ, cô Hiền đã trả lời: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cùng là biết tự trọng”. Đó không chỉ là lòng tự trọng của người con, mà còn là lòng tự trọng của người mẹ ý thức rõ ràng về trách nhiệm của công dân. Không chỉ vậy, khi người con thứ hai lên đường chiến đấu, cô Hiền cũng có cách ứng xử thể hiện rõ được phẩm cách của một người mẹ dưới góc nhìn mới, đó là lòng tự trọng của dân tộc hòa vào từng nếp nhà, để những đứa con sống xứng đáng với niềm tự hào của mẹ. Cái tinh tế của người Hà Nội là biết chia sẻ những đau thương mất mát của người mẹ khác qua lời phát biểu của Dũng - con trai cô Hiền: “ Cháu biết nói thế nào với một bà mẹ có con hi sinh, mà bạn của con mình lại vẫn còn sống, sống đến bây giờ, đến hôm nay”. Đó là góc khuất mà Nguyễn Khải muốn khai thác, đó là không chỉ vì niềm vui chiến thắng mà quên đi những bi kịch của từng gia đình, từng số phận trong chiến tranh. 

Cô Hiền đã giữ được nếp nhà bất di bất dịch trong suốt một đời người và đó cũng chính là những điều mà tác giả tâm niệm “ “Nói cho cùng, để sống được hằng ngày tất nhiên phải nhờ vào những giá trị tức thời”. Nhưng để sống có phẩm hạnh, cốt cách thì phải dựa vào những giá trị bền vững. Những giá trị bền vững đó được kết tụ trong một người phụ nữ bình thường, vô danh. Ngay cả khi cơn lốc kinh tế thị trường, những hội nhập và đổi thay tưởng đã làm xói mòn đi những nếp sống cao đẹp của người Hà Nội xưa nhưng vẫn không thể làm lay chuyển được ý thức của những con người luôn tin vào những giá trị văn hóa bền vững của vùng đất ngàn năm văn hiến này được. Bằng cách chỉ ra những nét tính cách phức tạp nhưng lại rất hợp lý của người phụ nữ Hà Nội bình thường này, tác giả đã đề cao những nét đẹp văn hóa ẩn chứa trong đó. Từ lời ăn, tiếng nói cho đến cách giáo dục con cái nghiêm khắc nhưng nền nã: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói nàng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện buông tuồng...Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ còn sau này muốn sống sao thì tùy”... Cho đến cách sống sao cho sang trọng con người từ cách ăn, cách mặc, cách ở cho đến những thú vui chơi tỉ mẩn như gọt củ thủy tiên đón giao thừa của người Hà Nội xưa. Nhân vật cô Hiền không chỉ là biểu tượng của một thời vàng son Hà Nội mà còn là hiện thân của văn hóa Tràng An 

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Có thể trong tính cách, con người của cô Hiền còn có nhiều điều phải bàn cãi để đi đến được sự nhận diện mang tính tiêu biểu cho tính cách người Hà Nội gốc, nhưng tác giả cũng đã khẳng định : “ Với người già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn luôn là thời vàng son. Mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thể. Thời nào nó cũng đẹp - một vẻ đẹp riêng cho một lứa tuổi”. Tác giả còn bày tỏ thái độ ca ngợi những con người biết trân trọng những giá trị tâm linh, như gốc cây si ở đền Ngọc Sơn bị bật gốc nhưng nhờ những con người biết lưu giữ những giá trị đích thực của quá khứ mà cây đã được hồi sinh. Những giá trị văn hóa bền vững không bao giờ mất đi, giống như cô Hiền, một hạt bụi vàng của Hà Nội trong mắt của nhà văn Nguyễn Khải.

Quan niệm nghệ thuật về tâm lí con người của Nguyễn Khải xuất phát từ góc nhìn văn hóa. Chính điều đó đã làm nên khuynh hướng sáng tác chủ đạo của ông trong thời kỳ đổi mới, bộc lộ được một thái độ tỉnh táo, điềm tĩnh của nhà văn khi soi chiếu văn chương vào những ngóc ngách đời thường nhất. Qua nhân vật cô Hiền trong Một người Hà Nội, chúng đã đã hiểu rõ hơn về văn chương của Nguyễn Khải cũng như hiểu rõ thêm những giá trị tốt đẹp về nhân cách và con người Hà Nội. 

3.6 Cảm nhận nhân vật cô Hiền hay nhất 

Sau cách mạng tháng tám, có rất nhiều cây bút nổi lên với cách nhìn khác nhau về xã hội Việt Nam thời kì đó. Trong đó không thể không nhắc đến Nguyễn Khải, một cây bút tiêu biểu phản ánh sinh động những thay đổi của văn học nghệ thuật từ thời chiến sang thời bình. Nếu như những sáng tác của ông trước năm 1977 chỉ liên quan đến những vấn đề chính trị và thời sự thì những sáng tác từ năm 1978 trở về sau ông lại quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống đời thường của người dân. Những tác phẩm của ông đi sâu vào nghiên cứu tâm lý con người trong thời kì có nhiều sự thay đổi đặc biệt là những diễn biến tâm lý trước và sau thời chiến. Tiêu biểu cho lối sáng tác đó chính là truyện ngắn Một người Hà Nội được rút ra từ tập truyện Hà Nội trong mắt tôi. Trong truyện ngắn này, tác giả Nguyễn Khải đã xây dựng rất thành công nhân tiêu biểu cho con người Hà Nội đó là cô Hiền. 

Một người Hà Nội nói riêng hay cả tập truyện Hà Nội trong mắt tôi nói chung chính là đứa con tinh thần chứa đựng một tình yêu sâu nặng của tác giả đối với vùng đất Thủ Đô. Với vốn hiểu biết sâu sắc và tinh tế của tác giả, ông đã vẽ ra những bức tranh đẹp nhất về cảnh vật và con người Hà Nội. 

Trong truyện, nhân vật cô Hiền được xây dựng có xuất thân từ một gia đình giàu có. Cô là người có học thức, yêu thơ văn và rất lương thiện. Không những thế, cô còn rất đẹp và thông minh. Nét đẹp của cô là một vẻ đẹp toàn diện từ cách cô chọn chồng, thu xếp nhà cửa, sinh con và nuôi dạy con cái. Còn sự thông minh của cô được thể hiện qua chi tiết cô được cha mẹ cho phép mở phòng tiếp khách văn chương.

Về hôn nhân của cô, cô đã vượt qua thói thường tình của con người, không ham danh hám lợi, không tính toán hay cơ hội. Cô có quan điểm riêng của mình và nghiêm túc trong hôn nhân. Vốn là người có nhan sắc, lại có tài văn chương, ngay từ khi còn trẻ cô đã tiếp xúc với rất nhiều văn nghệ sĩ, nhưng cô lại không bị xa đà vào lối sống lãng mạn viển vông đó. Cô chẳng hứa hẹn gì với đám văn nhân đó, đối với cô đó chỉ là một thoáng vui đùa thời son trẻ. Khi cô chọn chồng, không phải là một ông quan nào cả mà chỉ là một anh giáo viên tiểu học chăm chỉ và hiền lành. Chỉ với quyết định như vậy thôi mà cô khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc. Đối với cô, trách nhiệm làm vợ, làm mẹ luôn được đặt cao hơn mọi thú vui khác. Cô coi việc chăm sóc chồng con như một thú vui, một niềm vui hay niềm hạnh phúc trong cô. Trong việc quản lí gia đình, cô luôn là người chủ động, tự tin và phân rõ trách nhiệm, vai trò của người vợ trong gia đình. Cô Hiền là người sớm có những nhận thức rõ ràng về bình đẳng giới,theo cô trong nhà người đàn bà không làm nội tướng thì gia đình ấy cũng chẳng ra sao. Có lẽ vì vậy mà cô Hiền phê phán cái thói bắt nạt vợ của người cháu mình. 

Về việc sinh con cô Hiền cũng có những quan điểm rất tiến bộ so với phần đông phụ nữ thời đó. Khi mà mọi người vẫn giữ nguyên suy nghĩ phải đẻ nhiều con để được “con đàn, cháu đống” cho vui cửa vui nhà và co đó là niềm hạnh phúc. Họ đẻ nhiều mà không quan tâm đến việc nuôi nấng và giáo dưỡng bởi vẫn giữ quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ”. Với cô Hiền, cô lại hoàn toàn không tin vào điều đó, cô đã đưa ra quyết định dứt khoát là chấm dứt việc sinh đẻ khi bước sang tuổi 40 để bản thân có điều kiện nuôi dạy con cái chu đáo hơn, dạy chúng cách sống “không bị lệ thuộc” và sống có nhân cách hơn. Tình yêu thương của cô dành cho con cái là thứ tình cảm sáng suốt của một người mẹ giàu lòng tự trọng, có suy nghĩ sâu sắc và có tầm nhìn sâu rộng. 

Về việc dạy con, cô Hiền dạy con ngay khi chúng còn nhỏ, từ những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt như cách ngồi ăn, cầm đũa, múc canh… vì cô cho rằng đó cũng là một hình thức của văn hóa người Hà Nội. Theo cô, đã là người Hà Nội thì phải sống cho thật chuẩn mực: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng”.

Có một vẻ đẹp ở cô Hiền đó chính là “lòng tự trọng” của cô rất cao. Đến mức mà không cho phép con người ta ích kỷ và hèn nhát. Chính lòng tự trọng đó đã khiến cô bằng lòng cho đứa con trai lớn của mình đi chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ Quốc, cho dù lòng cô có đau đớn nhưng cô không muốn con trai của mình sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Tiếp bước, cô cho đứa em tiếp bước anh lên đường chiến đấu bởi “bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Lòng tự trọng của cô Hiền chính là lòng yêu nước, ý thức sâu sắc về cộng đồng mà không hề ồn ào hay phô trương. 

Cô Hiền là người phụ nữ bản lĩnh, sống chuẩn mực và rất tự tin. Điều đặc biệt ở cô là cô có cách sống và vẻ ngoài như một nhà tư sản nhưng lại không hề bị đi học tập cải tạo vì bản chất cô sống dựa vào đôi bàn tay của chính mình, không bóc lột cũng không hại ai hết. Cô Hiền còn có cách sống rất Hà Nội, điều đó đã thể hiện qua cách sống thanh lịch và lịch lãm của cô. Điều đó thể hiện rõ nhất trong phòng khách của cô, đó là căn phòng vẫn lưu giữ được cái cổ kính, quý phái không thay đổi sau hàng chục năm. Cái chất người Hà Nội trong cô thể hiện qua sự ung dung, tự tại trước những biến động của thời cuộc, không lo sợ mà cũng không vui mừng quá mức. Điều đó đã thể hiện qua đối thoại giữa cô và người cháu của mình. 

Hơn thế nữa, sự khôn ngoan, trí tuệ và sâu sắc của cô Hiền còn thể hiện qua việc cô nói về tuần hoàn, hay cái cách mà cô bộc lộ niềm tin vào tương lai, vào cái đẹp của Hà Nội sẽ mãi trường tồn cho dù ở bất cứ thời điểm nào

Qua truyện ngắn Một người Hà Nội, chúng ta thấy được vẻ đẹp của cô Hiền hiện lên không chỉ là một người phụ nữ có nhan sắc mà còn rất đẹp ở tâm hồn. Cô Hiền là người phụ nữ mẫu mực yêu thương chồng con, có lòng tự trọng cao và sự tiến bộ trong giáo dục con cái, chăm sóc gia đình và chăm lo cho kinh tế. Nhưng trong cô vẫn giữ được nét đẹp lịch lãm, sang trọng và phong cách của người Hà Nội. Cô Hiền chính là một hạt bụi vàng, một con người tiêu biểu cho vẻ đẹp của người Hà Nội đương thời. 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

Vuihoc đã gợi ý cho các em một số góc nhìn khác nhau về tác phẩm Một người Hà Nội đặc biệt là nhân vật chính “Cô Hiền”. Hy vọng qua bài viết hướng dẫn phân tích Một người Hà Nội này các em sẽ hiểu thêm về tác phẩm cũng như phần nào nhìn thấy khung cảnh của Hà Nội giai đoạn trong và hậu chiến tranh. Ngoài văn học ra Vuihoc cũng có rất nhiều tài liệu của các môn học khác nhau để các em tham khảo thêm. Hãy truy cập trang web vuihoc.vn hằng ngày nhé!  

>> Mời bạn tham khảo: 

Banner afterpost tag lớp 12
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}
Hotline: 0987810990